Thanh Hóa: Phát triển thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu
Thanh Hóa: Phát triển thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo dõi MTĐT trên
Để phát triển nghề NTTS theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện các giải pháp để phát triển các đối tượng nuôi này, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong nuôi trồng thủy sản.
Toàn tỉnh hiện có 19.500 ha NTTS và khoảng 8.000 ha vùng triều tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn… Lâu nay, NTTS được các địa phương chú trọng đầu tư và mở rộng diện tích, chuyển từ hình thức nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh với các đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú, nhất là những loại có giá trị kinh tế cao, như: tôm, cua, ngao… Để từng bước phát triển NTTS bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016 – 2020, các sở, ngành, các địa phương đã huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương 120,107 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 14,453 tỷ đồng để thực hiện các dự án: khu NTTS Hoằng Phong (Hoằng Hóa); vùng NTTS Đông – Phong – Ngọc (Hà Trung); xây dựng cơ sở hạ tầng vùng NTTS các xã Minh Lộc, Hòa Lộc (Hậu Lộc) và đưa vào sử dụng 2 vùng NTTS an toàn tập trung tại các xã Nga Tân (Nga Sơn), Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) với diện tích 300 ha. Nguồn vốn ODA đầu tư dự án nguồn lợi thủy sản ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa cũng hỗ trợ đầu tư 10 vùng NTTS nước lợ tại các xã Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn); Xuân Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Đạt, Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phong (Hoằng Hóa); Quảng Chính, Quảng Khê (Quảng Xương). Ngoài ra, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt 22.041 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, ruộng trũng sang NTTS kết hợp chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.
Để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu trong NTTS, Chi cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi cần chủ động áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới để vừa mang lại năng suất, sản lượng cao, vừa bảo đảm môi trường bền vững; khuyến khích người dân xây dựng các mô hình nuôi đa tầng, đa loài; mô hình nuôi theo hệ thống bể; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm nước lợ nhiều giai đoạn; thu nhỏ diện tích ao nuôi để dễ dàng tác động kỹ thuật, đồng thời tăng cường quá trình quản lý, diễn biến các yếu tố môi trường trong ao nuôi… Cùng với đó, các địa phương có kế hoạch xây dựng, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng như: hệ thống đê điều, hệ thống điện, trạm bơm, hệ thống cấp và thoát nước… cho vùng NTTS.
Thích ứng với biến đổi khí hậu trong NTTS là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các cấp, ngành, các địa phương cần có sự liên kết và phối hợp cùng triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng đầu mối, phục vụ các vùng NTTS tập trung trên địa bàn tỉnh.
Minh Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị