Lấy ý kiến liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Lấy ý kiến liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước

An Hạ –  Chủ nhật, 12/02/2023 18:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Về cấp phép tài nguyên nước, Nghị định 02 quy định tổ chức, cá nhân muốn được cấp giấy phép tài nguyên nước phải hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị định 02/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Tài nguyên nước (Nghị định 02).

Cụ thể, Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng trong những quyết định quan trọng về tài nguyên nước. Hội đồng sẽ do một phó thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, Ủy viên là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, Bộ TN-MT là cơ quan thường trực. Giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước có văn phòng Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước đặt tại Bộ TN-MT. Thủ tướng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước.

Thủ tướng sẽ quyết định việc thành lập các tổ chức lưu vực sông Hồng – Thái Bình, sông Cửu Long theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ TN-MT. Bộ TN-MT sẽ thành lập các tổ chức lưu vực sông đối với các lưu vực sông liên tỉnh khác.

Theo Nghị định, đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định tại Điều 6 của Luật Tài nguyên nước, bao gồm: Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đại diện đơn vị quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước chịu ảnh hưởng của việc khai thác, sử dụng nước của dự án và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nghị định nêu rõ, việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn được thực hiện như sau:

Các dự án có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải lấy ý kiến bao gồm:

1- Hồ chứa, đập dâng xây dựng trên sông, suối thuộc trường hợp phải xin phép;

2- Công trình khai thác, sử dụng nước mặt không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này với lưu lượng từ 10 m3/giây trở lên;

3- Công trình chuyển nước giữa các nguồn nước;

4- Công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất (gồm một hoặc nhiều giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác nước dưới đất thuộc sở hữu của một tổ chức, cá nhân và có khoảng cách liền kề giữa chúng không lớn hơn 1.000 m) có lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên.

Về thời hạn, giấy phép sử dụng nước mặt, nước biển tối đa là 15 năm, tối thiểu 5 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 3 năm, tối đa là 10 năm.

Giấy phép thăm dò nước dưới đất có thời hạn là 2 năm và được xem xét gia hạn 1 lần, thời gian gia hạn không quá 1 năm.

Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất có thời hạn tối đa là 10 năm, tối thiểu là 3 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 2 năm, tối đa là 5 năm.

Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải có giấy phép, gồm: công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm; khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp không vượt quá 100 m3/ngày đêm; hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ nhỏ hơn 0,01 triệu m3 hoặc công trình khai thác nước mặt khác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây… không phải đăng ký, không phải xin giấy phép…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích