Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo động lực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận định tại “Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng” diễn ra ngày 12/2/2023 tại tỉnh Quảng Ninh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm vùng ĐBSH tại Hội nghị

Đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, đồng bằng Sông Hồng là Vùng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo. Toàn vùng có trên 500 tổ chức khoa học công nghệ, 291 tổ chức nghiên cứu phát triển (R&D), có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; tốc độ đổi mới công nghệ (giai đoạn 2016-2020) đạt 51,7%, tỷ lệ đóng góp của KHCN (thông qua chỉ số TFP) vào tăng trưởng kinh tế vùng giai đoạn 2016-2020 đạt 48,1%; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ trong đó hạt nhân là Thủ đô Hà Nội.

Hoạt động khoa học công nghệ đã có tác động tích cực tới phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh của Vùng đồng bằng Sông Hồng; thể hiện rõ vai trò đồng hành của khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các địa phương đã xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù để đề ra chương trình phát triển; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nhiều dự án, đề án KHCN liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức KHCN đã được triển khai. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án sản xuất công nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng CNC thành công như: Tập đoàn Sam Sung, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Công ty Dabaco (Bắc Ninh), Công ty Sao Thái Dương, Công ty CP Đồng Giao (Ninh Bình)…

Nhiều công nghệ hiện đại, tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển kinh tế xã hội toàn vùng. Thông qua việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại, tiến bộ KHCN đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ngày càng có nhiều các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp góp phần thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, tiềm lực KHCN của một số tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) do UBND các tỉnh, thành phố quản lý còn yếu (cơ sở vật chất, trang thiết bị vừa thiếu vừa lạc hậu; nhân lực vừa yếu, trình độ chưa cao; chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu về chuyển giao kỹ thuật).

Đầu tư cho KH&CN còn hạn chế; tỷ lệ chi cho KH&CN chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của vùng; chưa có nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ mang tính đột phá được thương mại hóa, doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Chưa đề xuất và thực hiện được các nhiệm vụ KH&CN lớn để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng. Việc liên kết hoạt động KH&CN giữa các địa phương trong vùng cũng như ngoại vùng chưa thực sự chặt chẽ- Bộ trưởng Bộ KH&CN nhận định.

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo động lực phát triển Vùng ĐBSH
 

Phấn đấu trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước

Theo định hướng, mục tiêu của Nghị quyết 30 đặt ra, trong xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu dự báo sẽ diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn mang lại các cơ hội lựa chọn và tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Việt Nam nói chung, Vùng đồng bằng Sông Hồng nói riêng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường. Tiến bộ công nghệ có thể làm thay đổi bản chất của thương mại, đầu tư và lao động toàn cầu. Nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình nhiều quốc gia lựa chọn.

Thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời phấn đấu trở thành trung tâm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, Bộ trưởng Bộ KH&CN đề xuất phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN. Theo đó, cần đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ KHCN các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực KHCNvà đổi mới sáng tạo; đổi mới chế độ quản lý tài chính, thanh quyết toán, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao tài sản hình thành trong nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước.

Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo. Tiếp tục hỗ trợ phát triển mạnh mẽ các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Phát triển Khu CNC Hòa Lạc theo mô hình mở, là đầu mối quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam, các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên…

Tăng cường đầu tư, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo. Bảo đảm chi cho KHCN và đổi mới sáng tạo ST từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN. Tăng số lượng và quy mô của quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp. Hoàn thiện cơ chế đối tác công tư, huy động vốn đầu tư, các nguồn lực đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực KHCN và đổi mới sáng tạo. Kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thống nhất nhu cầu về nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Đưa đào tạo kiến thức về quản lý kinh tế, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và năng suất vào các chương trình đào tạo đại học, cao đẳng và đào tạo nghề. 

Đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực KH&CN và đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Rà soát, hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp FDI có sử dụng lao động trình độ cao người Việt Nam và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Việt Nam để thúc đẩy mục tiêu lan tỏa công nghệ. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên doanh với doanh nghiệp FDI. Thành lập các viện nghiên cứu bên cạnh các doanh nghiệp FDI để học hỏi.

“Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo động lực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng” rất có ý nghĩa bởi nó không chỉ quan trọng đối với Vùng đồng bằng Sông Hồng mà nó còn cho cả nước. Vì khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không phát triển thì Việt Nam sẽ rất khó để bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của thế giới. Hy vọng, trong thời gian tới, KHCN và đổi mới sáng tạo sẽ thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Vùng đồng bằng Sông Hồng nói riêng, góp phần phát triển đất nước nói chung”- Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích