Thủ tướng thúc đẩy 3 lĩnh vực hợp tác với các doanh nghiệp Brunei
Chiều 11/2, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Brunei Darussalam, tại Trung tâm Năng lượng Brunei, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự tọa đàm với các doanh nghiệp năng lượng và dầu khí của Brunei. Cùng dự có các vị Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành của hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự tọa đàm với các doanh nghiệp năng lượng và dầu khí của Brunei – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đây là cơ hội để hai bên trao đổi, đề xuất và khởi tạo những ý tưởng mới, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh, nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước ngày càng sâu rộng và thực chất, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước ngày càng gắn kết và thành công hơn nữa, nhất là lĩnh vực năng lượng và dầu khí.
Các ý kiến phía Brunei tại cuộc tọa đàm đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam và quan hệ thương mại-đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua; bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và quan hệ hai nước thời gian tới; tìm hiểu về những cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và giới thiệu các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Brunei.
Các ý kiến đánh giá trải qua hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn 3 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ song phương giữa hai bên đang bước sang giai đoạn phát triển tốt đẹp, hướng đến tầm cao mới dựa trên sự chia sẻ lợi ích chiến lược. Hai bên đã ghi nhận những bước phát triển tích cực, đa dạng và thực chất trên các lĩnh vực.
Brunei hiện đứng thứ 26/142 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 156 dự án và vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1 tỷ USD, tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và có xu hướng tăng ngay cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Ở chiều ngược lại, mặc dù vẫn còn khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam đã có 2 dự án đầu tư sang Brunei với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 triệu USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt hơn 726 triệu USD và đã sớm hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 500 triệu USD trước thời hạn đặt ra là năm 2025. Trong đó, hợp tác về năng lượng, dầu khí là hợp tác “chủ lực” của hai bên.
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng kết quả hợp tác giữa hai nước là rất đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của hai bên.
Theo Thủ tướng, hai nước đang đi đúng hướng và đều có cùng khát vọng mang đến sự thịnh vượng chung cho khu vực và thế giới – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đại diện Chính phủ Brunei cũng chia sẻ về tầm nhìn, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu và đa dạng hóa nền kinh tế với tầm nhìn Brunei 2035, đưa nước này trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động và bền vững.
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong bối cảnh có nhiều biến động nhanh chóng, khó lường hiện nay, các quốc gia muốn phát triển nhanh và bền vững, cần phát huy, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của nước mình, kết hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang triển khai 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu kết nối với các nền kinh tế – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Các nước ASEAN cũng đang phát triển theo hướng xây dựng một cộng đồng thống nhất trong đa dạng, đồng thời nâng cao tính tự cường; những nội dung mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai bên nước trên các lĩnh vực.
Thủ tướng cho biết ông vừa có cuộc hội đàm rất thành công với Quốc vương Brunei, thống nhất các phương hướng, giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư giữa hai nước lên tầm cao mới, giúp khai thác được tiềm năng, lợi thế, cơ hội của mỗi nước.
Thủ tướng nghe giới thiệu về các công ty năng lượng hàng đầu của Brunei – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang triển khai 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu kết nối với các nền kinh tế. Việt Nam hướng đến phát triển một nền kinh tế bền vững dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, đặt con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất cho mọi chính sách phát triển.
Theo Thủ tướng, hai nước đang đi đúng hướng và đều có cùng khát vọng mang đến sự thịnh vượng chung cho khu vực và thế giới. Brunei và Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội cần được khai thác dựa trên thế mạnh mỗi nước hướng tới tăng cường tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho hai bên.
Thủ tướng tham quan triển lãm về khai thác năng lượng của Brunei – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng đề nghị hai bên tập trung thúc đẩy các ngành kinh tế mới nổi, như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hợp tác trong 3 lĩnh vực cụ thể gồm năng lượng, hóa chất và thực phẩm Halal (thực phẩm dành cho người Hồi giáo).
Về năng lượng, Thủ tướng cho biết khi hội đàm với Quốc vương Brunei, ông đã đề nghị cụ thể về cơ chế ưu tiên thúc đẩy hợp tác dầu khí hai bên, trong đó tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) tiếp tục tham gia cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí và dịch vụ khoan tại Brunei và giới thiệu các dự án thăm dò dầu khí tại Brunei cho Petro Vietnam; gia hạn hợp đồng mua dầu thô của Brunei cho năm 2023 và các năm sau đó. Đây là lĩnh vực Brunei có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị mở rộng hợp tác trong lĩnh vực hóa chất, nhất là sản xuất phân bón trong nông nghiệp.
Thủ tướng cho biết Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú cho thực phẩm Halal nhưng không có thế mạnh về sản xuất mặt hàng này, đồng thời có lợi thế về vận chuyển sang Brunei. Ông đã đề nghị Quốc vương Brunei đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này theo hướng Việt Nam cung cấp nguyên liệu, Brunei chế biến, sản xuất và xuất khẩu.
Thủ tướng tham quan triển lãm về khai thác năng lượng của Brunei – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng đề nghị hai bên đàm phán, ký kết các văn bản pháp lý cần thiết; xúc tiến, thúc đẩy doanh nghiệp triển khai các hoạt động tiếp cận thị trường, triển khai các dự án hợp tác cụ thể. “Điều quan trọng bây giờ là hành động của các Bộ trưởng và các doanh nghiệp để khai thác dư địa hợp tác còn rất lớn”, Thủ tướng phát biểu.
Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất, với việc giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế, pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường-chính sách ổn định, có tính dự báo cao và thực thi minh bạch.
Với những nỗ lực, quyết tâm của hai bên và trên hết là tình hữu nghị bền chặt của nhân dân hai nước, Thủ tướng tin tưởng rằng, hợp tác đầu tư-thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam-Brunei, đồng thời là động lực để đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.
Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn: Báo xây dựng