Bài học pháp lý từ câu chuyện “bán nước sạch dưới giá vốn”
Bài học pháp lý từ câu chuyện “bán nước sạch dưới giá vốn”
Theo dõi MTĐT trên
Ròng rã nhiều năm, một doanh nghiệp phải “đáo tụng đình” vì hợp đồng bán nước sạch dưới giá vốn với một bên liên quan khiến cổ đông và nhà nước chịu thiệt…
Mới đây, TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm lần 2 vụ việc tranh chấp hợp đồng cấp nước giữa Công ty cổ phần cấp nước N. và Công ty TNHH cấp nước Đ. Vụ việc này đã kéo dài ròng rã gần 10 năm nay.
Theo hồ sơ, năm 2012, hai bên thực hiện hợp đồng dịch vụ cấp nước sạch với đơn giá 2.930 đồng/m3. Mặc dù sau đó có điều chỉnh giá nhưng mức giá xấp xỉ 3.000 đồng/m3.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018, Công ty N. đã báo cáo về việc giá bán nước trên không còn phù hợp và được UBND tỉnh Ninh Thuận thống nhất giao cho HĐQT và Ban giám đốc đàm phán lại giá với đối tác.
Căn cứ vào cuộc họp của Sở Tài chính ngày 13/7/2018 và văn bản số 1917 ngày 23/7/2018 của Sở Tài chính gửi UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty N. đã thông báo và điều chỉnh giá bán nước cho Công ty Đ. là 7.000 đồng/m3.
Hai bên đã ngồi lại làm việc nhưng không ký kết được hợp đồng với giá nước mới. Trong khi đó, Công ty Đ. đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng cũ với giá mua là 2.845 đồng/m3.
Do các bên không thống nhất mức giá nên Công ty N. đã khởi kiện ra tòa án. Vụ án này được tòa án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên bố chấm dứt hợp đồng dịc vụ cấp nước ngày 28/12/2012, buộc Công ty Đ. phải thanh toán cho Công ty N. hơn 6,2 tỷ đồng gồm nợ gốc và lãi chậm trả.
Đến năm 2020, cấp giám đốc thẩm quyết định hủy toàn bộ các bản án trên. Năm 2021, tòa sơ thẩm xét xử lại song các bên tiếp tục kháng án. Do đó, TAND Cấp cao tại TPHCM mở lại phiên tòa phúc thẩm lần 2.
QUYẾT ĐỊNH CỦA SỞ TÀI CHÍNH LÀ “CHÌA KHÓA” GIẢI QUYẾT VỤ ÁN
Trong vụ án này, Công ty Đ. yêu cầu hủy quyết định số 72 ngày 1/10/2019 công văn số 1788 ngày 22/6/2020 của Sở Tài chính về việc thông báo thực hiện giá bán buôn nước sạch tạm thời của Công ty N và Công ty Đ.
Tòa phúc thẩm cho rằng đây là quyết định hành chính. Việc xem xét tính hợp pháp của 2 quyết định này là vấn đề mấu chốt, ảnh hưởng đến toàn bộ việc giải quyết vụ án.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC- 10 BXD-BNN ngày 15/5/2012 của Bộ Tài chính- Bộ Xây dựng- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì giá bán buôn nước sạch do bên bán và bên mua thỏa thuận trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các bên và không cao hơn giá bán lẻ do cấp có thẩm quyền quy định.
Trong trường hợp không thống nhất được mức giá thì một trong hai bên (hoặc cả hai bên) có quyền yêu cầu Sở Tài chính tổ chức hiệp thương giá theo quy định của pháp luật.
Trong vụ án này, hai bên không thống nhất được mức giá nên Công ty N. đã đề nghị Sở Tài chính tổ chức hiệp thương giá là có cơ sở.
Sau khi tổ chức hiệp thương giá, các bên không nhất được nên Sở Tài chính đã báo cáo với UBND tỉnh và sau đó, ban hành quyết định số 72/2019 công bố giá bán buôn nước sách tạm tời giữa hai công ty là 6.000 đồng/m3. Việc ban hành quyết định số 72 là đúng thẩm quyền.
Theo khoản 7, Điều 11, Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 của Bộ Tài chính thì hết thời hạn 6 tháng, các bên không đạt được thỏa thuận thì quyết định giá tạm thời vẫn có hiệu lực cho đến khi đạt được thỏa thuận về giá. Do đó, Sở Tài chính có công văn số 1788/2020. Mức giá 6.000 đồng/m3 cũng không cao hơn giá bán lẻ do cấp có thẩm quyền quy định. Do đó, hai quyết định trên là đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định pháp luật.
Tòa phúc thẩm xác định, hai quyết định trên có hiệu lực, ràng buộc nghĩa vụ của 2 công ty trong việc thực hiện giá buôn nước kể từ ngày 1/10/2019. Như vậy, Công ty Đ. phải trả tiền mua nước theo mức giá 6.000 đồng/m3 kể từ ngày 1/10/2019. Tính toán lại thì Công ty Đ. phải thanh toán số tiền hơn 14 tỷ đồng cho Công ty N.
VÌ SAO KHÔNG ĐƯỢC HỦY HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ CẤP NƯỚC?
Quá trình tố tụng, Công ty N. có yêu cầu chấm dứt hợp đồng dịch vụ cấp nước năm 2012. Tòa phúc thẩm nhận định, theo quy định của pháp luật thì hoạt động sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch là hoạt động kinh doanh chịu sự kiểm soát của Nhà nước (Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ). Giá tiêu thụ nước sạch cũng được Nhà nước điều tiết để đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Công ty Đ. là đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chấp thuận là đơn vị được ký hợp đồng dịch vụ cấp nước với Công ty cấp nước N. với nhiệm vụ tiếp nhận, đấu nối nguồn nước sạch của Công ty N. để bán cho người dân theo sự phân vùng của Ủy ban nhân dân tỉnh N.
Như vậy, hợp đồng cấp nước giữa hai công ty ngoài việc đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ, có lãi thì phải đảm bảo an sinh xã hội và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
Ngoài ra, lý do đề nghị chấm dứt hợp đồng là do hai bên không thỏa thuận được giá bán nước mới là không thuộc trường hợp phải chấm dứt hợp đồng theo Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015. Hai bên thực hiện giá bán buôn mới kể từ ngày 1/10/2019 theo mức giá 6.000 đồng/m3 nên không cần thiết phải hủy một phần hợp đồng dịch vụ cấp nước về giá nước.
Kinh doanh nước sạch là ngành khá đặc thù vì là mặt hàng thiết yếu, có tính ổn định cao, khả năng sinh lời tốt. Tuy nhiên, việc kiểm soát giao dịch với các bên liên quan vẫn rất khó thực thi trong hoạt động của các doanh nghiệp, đó là nguyên nhân dẫn đến vụ tranh chấp trên.
Trong vụ việc này, Công ty N. xác định, nếu tiếp tục hợp đồng với giá bán nước cũ gây thất thoát lớn phần vốn nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của cổ đông và người lao động.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị