Chính phủ thống nhất cần xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi)

Theo Nghị quyết, xây dựng Luật Việc làm nhằm thể chế hóa cụ thể hơn đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với điều kiện, yêu cầu của thời kỳ mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định tại các luật liên quan, cũng như hướng tới giải quyết hiệu quả các vướng mắc của thực tiễn.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trên cơ sở tổng kết việc thi hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực việc làm, cần đánh giá, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng hơn về kết quả đạt được, các hạn chế, bất cập, nguyên nhân và phân tích đầy đủ các căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn để bảo đảm sự hợp pháp, khả thi của những giải pháp được đề xuất tại các nhóm chính sách.

Cơ bản thống nhất với mục tiêu của 4 nhóm chính sách thể hiện tại Đề nghị xây dựng Luật, tuy nhiên, Nghị quyết nêu rõ, cần rà soát, nghiên cứu tập trung và đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với một số giải pháp trọng tâm, thực sự cần thiết, đặc biệt là nội dung mới mà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh để giải quyết vướng mắc thực tiễn, bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật liên quan.

Chính phủ thống nhất cần xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi)
Ảnh minh họa. Ảnh: VGP

Đồng thời, bảo đảm phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, nâng cao chất lượng lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước trong tình hình mới.

Đối với các quy định về các loại quỹ cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết thành lập mỗi loại quỹ, làm rõ hơn mô hình hoạt động và cơ chế huy động nguồn vốn là quỹ tài chính ngoài ngân sách có sự hỗ trợ của Nhà nước hay quỹ ngoài ngân sách thực hiện cơ chế xã hội hóa; tác động của các quỹ này với các cơ chế tài chính hiện hành, đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính linh hoạt trong việc điều hành chính sách của Chính phủ.

Trong quá trình hoàn thiện các chính sách của Đề nghị xây dựng Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tập trung thời gian, nguồn lực để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng liên quan, nhà khoa học, chuyên gia, các cơ quan, tổ chức có liên quan, thực hiện tốt công tác truyền thông, lấy ý kiến nhân dân để tạo sự đồng thuận.

Trong dự thảo Tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, dự án Luật dự kiến có 4 nhóm chính sách.

Nhóm chính sách 1 là phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Cụ thể là hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan; nâng cao năng lực thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm (công và tư); tăng cường quản lý và đánh giá chất lượng hoạt động dịch vụ việc làm; quản trị nguồn lao động, nhất là lao động không có giao kết hợp đồng lao động.

Nhóm chính sách 2 là hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động. Cụ thể gồm: Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; sửa đổi, bổ sung các chế độ theo hướng mở rộng phạm vi, tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng; quy định các vấn đề liên quan bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội; quy định việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tạo thuận lợi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Nhóm chính sách 3 là phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với nội dung gồm: Bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Lao động; quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ nghề quốc gia; quy định đảm bảo nguồn lực cho hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề quốc gia.

Nhóm chính sách 4 là thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, gồm: Quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm theo hướng tạo cơ hội tiếp cận cho mọi lao động có nhu cầu; quy định chính sách hỗ trợ việc làm theo hướng chủ động, bao phủ cả nhóm lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng lao động; quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù.

Ngoài các chính sách nêu trên, Luật Việc làm (sửa đổi) còn sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn đã được nêu cụ thể tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích