Năng suất lao động theo khu vực kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã gia nhập các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chi Lê (VCFTA) năm 2014; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)… Việc tham gia các FTA giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh; thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xuất khẩu; tạo thêm việc làm… Nhờ đó đã tạo động lực, thúc đẩy tăng NSLĐ toàn nền kinh tế trong thời gian qua.

Giai đoạn 2011-2020, NSLĐ theo giá hiện hành của ba khu vực kinh tế đều có những cải thiện đáng kể. So với năm 2011, NSLĐ năm 2020 của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp 2,4 lần; khu vực công nghiệp và xây dựng gấp 1,6 lần; khu vực dịch vụ gấp 1,9 lần. So với NSLĐ chung của toàn nền kinh tế, NSLĐ khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ gấp lần lượt 1,19 lần và 1,16 lần; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ bằng 38,3%. Khoảng cách NSLĐ giữa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản so với hai khu vực kinh tế còn lại ngày càng tăng; giữa khu vực công nghiệp và xây dựng so với khu vực dịch vụ ngày càng thu hẹp.

Năm 2011, NSLĐ khu vực công nghiệp và xây dựng cao hơn NSLĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 90 triệu đồng/lao động; cao hơn NSLĐ khu vực dịch vụ 23,4 triệu đồng/lao động; đến năm 2020, khoảng cách này lần lượt là 121,6 triệu đồng/lao động và 5,4 triệu đồng/lao động.

Năng suất lao động theo khu vực kinh tế

Ở mỗi ngành kinh tế, thực trạng năng suất lao động diễn ra không giống nhau. 

Giai đoạn 2011-2015, khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng NSLĐ bình quân cao nhất trong ba khu vực, đạt 4,1%/năm, tiếp theo là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,7%/năm và khu vực dịch vụ 3%/năm. Trong giai đoạn 2016-2020, khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng NSLĐ bình quân thấp nhất là 1,3%/năm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng bình quân cao nhất, đạt 8,6%/năm; khu vực dịch vụ tăng 4,5%/năm. Tính chung cả giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt cao nhất với 6,1%/năm; khu vực dịch vụ 3,8%/năm; khu vực công nghiệp và xây dựng 2,7%/năm.

Trong 10 năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng giá trị tăng thêm bình quân toàn khu vực giai đoạn 2011-2020 đạt 3,0%/ năm; tốc độ tăng NSLĐ bình quân mỗi năm trong giai đoạn đạt 6,1%/ năm, cao nhất trong các khu vực kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có mức NSLĐ thấp nhất trong nền kinh tế.

Năm 2020, NSLĐ theo giá hiện hành khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 57,4 triệu đồng/lao động, bằng 33,1% NSLĐ khu vực dịch vụ và bằng 32,1% NSLĐ khu vực công nghiệp và xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu do nông nghiệp nước ta với điểm xuất phát còn rất thấp, cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động đang làm việc trong nền kinh tế. 

Năm 2020, lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số giờ làm việc thực tế bình quân mỗi tuần thấp nhất với 35,7 giờ. NSLĐ theo giá hiện hành đạt 30,3 nghìn đồng/giờ, cao hơn mức 10,7 nghìn đồng/giờ của năm 2011. Đây cũng là mức NSLĐ trên mỗi giờ làm việc thấp nhất trong các khu vực kinh tế, bằng 42,0% của khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 40,1% khu vực dịch vụ. Tốc độ tăng NSLĐ trên mỗi giờ làm việc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,16%/ năm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng bình quân của giai đoạn 2016-2020 (10,11%/năm). Tính chung giai đoạn 2011-2020, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ và là khu vực có tốc độ tăng NSLĐ trên mỗi giờ làm việc cao nhất với 7,60%/năm.

Đây là khu vực có NSLĐ cao nhất trong toàn nền kinh tế. Năm 2020, NSLĐ theo giá hiện hành của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 179,0 triệu đồng/lao động, gấp 1,6 lần năm 2011. Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng NSLĐ tuy giảm liên tiếp qua các năm nhưng bình quân giai đoạn này đạt 4,1%/năm.

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ của khu vực này biến động với biên độ lớn, tốc độ tăng NSLĐ bình quân là 1,3%/năm, trong đó năm 2016 và 2019 NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng giảm sâu (tương ứng giảm 1,7% và 2,8%). Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 2,7%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, từ năm 2015 cho đến nay, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí có NSLĐ cao nhất do đây là ngành luôn ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện của cả nước.

Năm 2020, NSLĐ ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1.827,1 triệu đồng/lao động, gấp 1,6 lần NSLĐ ngành khai khoáng (1.108,3 triệu đồng/lao động); các ngành còn lại có NSLĐ thấp hơn nhiều và đều thấp hơn mức 300 triệu đồng/lao động. Ngành xây dựng có NSLĐ thấp nhất khu vực công nghiệp và xây dựng, đạt 102,7 triệu đồng/lao động. NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn rất thấp.

Năm 2020, NSLĐ theo giá hiện hành của ngành này đạt 170,4 triệu đồng/lao động, chỉ cao hơn ngành xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo (gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI) chủ yếu tham gia vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, nhất là các sản phẩm phải nhập khẩu nguyên phụ liệu (dệt, may mặc, da giày, điện tử, hóa chất…), trong khi đây là những ngành sử dụng nhiều lao động.

Việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ khu vực doanh nghiệp FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao NSLĐ thời gian qua còn hạn chế. Công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là động lực tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên chủ yếu tập trung vào những ngành hướng tới xuất khẩu nhưng có nền tảng công nghệ thấp đến trung bình (dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, sản xuất kim loại). Trong khi đó, những ngành công nghệ cao (điện tử) chủ yếu là hoạt động gia công, lắp ráp, có giá trị gia tăng trong nước thấp và tập trung phần lớn ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Thực trạng cũng cho thấy, ngành công nghệ cao hiện nay đang tranh thủ tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và tận dụng các ưu đãi chính sách, do đó chưa có nhiều tác động lan tỏa tới khu vực trong nước để tạo đột phá về tăng NSLĐ. 

Bình quân giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt mức cao nhất 6,9%/năm; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 5,1%/năm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,2%/năm; ngành khai khoáng đạt 3,3%/ năm; ngành xây dựng thấp nhất 2,5%/năm.

Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế về quy mô nhưng NSLĐ trên mỗi giờ làm việc của khu vực này chưa thể hiện rõ vai trò chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh. Năm 2020, số giờ làm việc thực tế bình quân mỗi tuần của lao động khu vực công nghiệp, xây dựng là 46,8 giờ, cao hơn 4,9 giờ so với số giờ làm việc trung bình của một lao động trong toàn nền kinh tế.

NSLĐ trên mỗi giờ làm theo giá hiện hành khu vực công nghiệp, xây dựng là 72,2 nghìn đồng/giờ, tăng 30 nghìn đồng so với năm 2011. Bình quân giai đoạn 2011-2020, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 3,17%/năm, đạt tốc độ tăng thấp nhất trong các khu vực của nền kinh tế.

Khu vực dịch vụ có NSLĐ tăng đều qua các năm. Năm 2020, NSLĐ theo giá hiện hành đạt 173,7 triệu đồng/lao động, gấp 1,9 lần NSLĐ năm 2011. Tốc độ tăng NSLĐ khu vực dịch vụ có nhiều biến động qua các năm, bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 3,0%/năm và giai đoạn 2016-2020 tăng 4,5%/năm. Năm 2020, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, tốc độ tăng NSLĐ thấp nhất trong ba khu vực kinh tế và chỉ đạt 2%, giảm 4,4 điểm phần trăm so với năm 2019.

Giai đoạn 2011-2020, hoạt động kinh doanh bất động sản là ngành có NSLĐ cao nhất trong khu vực dịch vụ, tuy nhiên NSLĐ của ngành lại giảm dần qua từng năm về cả giá trị tuyệt đối và tốc độ tăng, trong đó năm 2012 giảm sâu nhất (-18,7%). Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, NSLĐ ngành kinh doanh bất động sản giảm 8,2%.

Năm 2020, NSLĐ ngành kinh doanh bất động sản theo giá hiện hành đạt 961,2 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 2/3 mức NSLĐ của năm 2011 (1.454,1 triệu đồng/lao động). Hoạt động của ngành bất động sản có mối tương quan chặt chẽ với sự bùng nổ và suy thoái của nền kinh tế vĩ mô, sức mạnh đầu tư và tăng trưởng tín dụng.

Giai đoạn này, thị trường bất động sản đóng băng trong 2 năm 2011-2013 khi nguồn vốn bị thắt chặt từ phía các ngân hàng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày ngày 24 tháng 02 năm 2011 về yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng chậm tiến độ dự án, thậm chí phải bán tháo hàng loạt khi nguồn vốn cạn kiệt, khó triển khai. Một số dự án đổ vỡ, một số dự án bị thu hồi. Đây cũng là giai đoạn mà vốn FDI đổ vào bất động sản thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại trước.

Năng suất lao động theo khu vực kinh tế

 Ngành dịch vụ cũng là ngành có năng suất lao động cao nhờ ứng dụng các nền tảng khoa học công nghệ.

Ngành thông tin và truyền thông có NSLĐ cao thứ hai trong khu vực dịch vụ. NSLĐ tăng ổn định hằng năm, bình quân mỗi năm giai đoạn 2011-2020 tăng 6,2%. Năm 2020, NSLĐ theo giá hiện hành đạt 859,8 triệu đồng/lao động, gấp 1,7 lần so với năm 2011. Năm 2013, 2016 và 2018 là các năm ngành Thông tin và Truyền thông có mức tăng NSLĐ khá cao tương ứng là 14,2%, 15,9% và 15,8%. Năm 2019, tuy tốc độ tăng NSLĐ giảm 3,9% nhưng nhanh chóng phục hồi trong năm 2020 với tốc độ tăng NSLĐ đạt 9,0% do Ngành được tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động tuyên truyền để phòng chống dịch Covid-19. Tính chung bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016- 2020, NSLĐ ngành thông tin và truyền thông tăng 8,1%. Tiếp đà tăng trưởng nhờ cơ hội mở ra trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành có khả năng vươn lên dẫn đầu là ngành có NSLĐ cao nhất khu vực dịch vụ.

Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là một trong ba ngành có NSLĐ cao trong khu vực dịch vụ. Năm 2020, NSLĐ của ngành đạt 785,8 triệu đồng/lao động, gấp 1,5 lần so với năm 2011. Tốc độ tăng NSLĐ của ngành tăng giảm không ổn định trong giai đoạn 2011-2020, trong đó năm 2017 và năm 2020 đạt tốc độ tăng NSLĐ cao lần lượt là 14,4% và 13,9%.

NSLĐ theo giá hiện hành của một số ngành dịch vụ khác năm 2020 đạt khá như: Chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 522,4 triệu đồng/lao động; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 326,1 triệu đồng/lao động; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ đạt 261,8 triệu đồng/lao động; vận tải kho bãi đạt 196,7 triệu đồng/lao động; nghệ thuật, vui chơi và giải trí đạt 196 triệu đồng/lao động; giáo dục và đào tạo đạt 154 triệu đồng/lao động.

Các ngành còn lại đều có NSLĐ thấp hơn NSLĐ chung của khu vực dịch vụ, trong đó ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có NSLĐ giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm 2019, NSLĐ theo giá hiện hành ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 82,7 triệu đồng/lao động, tăng 34,0 triệu đồng/lao động so với năm 2011. Năm 2020, NSLĐ đạt 66,3 triệu đồng/lao động, giảm 19,8% so với năm 2019. Không chỉ có NSLĐ thấp, tốc độ tăng NSLĐ của khu vực dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng chậm, bình quân giai đoạn 2011-2019 tăng 2,3%/ năm; bình quân giai đoạn 2011-2020 là -0,3%/năm. NSLĐ trên mỗi giờ làm việc khu vực dịch vụ theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 75,5 nghìn đồng/giờ, cao nhất trong các khu vực kinh tế. Tính theo giá so sánh, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc của khu vực dịch vụ tăng 4,62%/năm.

Nhìn chung, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ lớn hơn nhiều lần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nhưng do tốc độ tăng NSLĐ thấp hơn nên khoảng cách về NSLĐ giữa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với hai khu vực này ngày càng được thu hẹp. Điều này còn cho thấy các ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ chưa được như kỳ vọng là những ngành kinh tế chủ chốt, là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh trong nền kinh tế.

Hoàng Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích