Thép đã tôi thế đấy!
Thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của mỗi công dân khi đến tuổi trưởng thành. Ảnh minh họa: KTĐT |
Những ngày qua, cùng với cả nước, hơn 4.200 thanh niên của Thủ đô lên đường nhập ngũ, trong đó có 3.500 công dân nhập ngũ Quân đội, hơn 700 công dân thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Thành phố đã đến nơi “hội quân” để động viên các tân binh; nhìn cảnh chia tay bịn rịn ai mà chẳng xao xuyến lòng.
Phải khẳng định thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của mỗi công dân (nam) khi đến tuổi trưởng thành đã được pháp luật quy định. Song xung quanh câu chuyện “nhập ngũ”, bên cạnh đa số gia đình có con em trong diện được gọi nhập ngũ đồng thuận, thì đâu đó vẫn còn số ít tìm mọi lý do để “trốn tránh”.
Tôi có anh bạn, chỉ duy nhất một cậu con trai, học giỏi, nhưng anh vẫn quyết định cho cháu nhập ngũ. Lý do anh đưa ra thật đơn giản, nhưng sâu sắc: “Cho con đi làm nghĩa vụ quân sự không chỉ góp phần vào việc bảo vệ Tổ quốc mà chính môi trường quân đội sẽ giúp con anh hoàn thiện hơn về mọi mặt”. Anh hy vọng sau 2 năm quân ngũ sẽ giúp con anh là một chàng trai cứng cỏi, thích nghi tốt hơn với xã hội, sống tự lập và có nguyên tắc hơn.
Còn con của một chị họ, 12 năm trước gia đình anh chị cũng quyết định cho “cậu ấm” đi bộ đội, “công tử bột” nơi đô thành phải vào tận Tây Nguyên. Chị kể, những ngày đầu nghe con “kể chuyện” bộ đội mà ứa nước mắt, nhưng lâu dần thành quen. Từ một chàng công tử bột, “chuyên gia” ngủ muộn, làm việc theo cảm hứng, sau khi xuất ngũ, thi vào đại học, rồi ra trường, tính cách “cậu ấm” thay đổi 180 độ. Sống kỷ luật, không sợ khổ, sợ khó, sống không dựa dẫm, ỉ lại và nay cậu đã tự thân mở doanh nghiệp trở thành giám đốc.
Vì sao lại như vậy? Như chúng ta biết, với mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và sự lớn mạnh của mình, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã và đang khẳng định thực sự là trường học lớn của tuổi trẻ nước nhà trên nhiều phương diện. Trong mọi thời kỳ, gia nhập quân đội hầu hết là lực lượng trẻ trong độ tuổi thanh niên. Đa số họ có trình độ lý luận, nhận thức và hiểu biết thực tiễn chưa cao.
Vào quân đội, họ đều được học tập, rèn luyện về chính trị, kỷ luật, chuyên môn, thể chất, kỹ năng, bản lĩnh… Thanh niên trong quân đội có người thầy sáng suốt là Đảng, người thầy vĩ đại là Nhân dân, những người thầy trực tiếp là cán bộ, chỉ huy, nơi học là giảng đường, thao trường, bãi tập, thực tiễn huấn luyện, chiến đấu, công tác, lao động sản xuất… hiếm có trường học nào giáo dục, đào tạo một cách triệt để và toàn diện như thế. Đặc biệt, kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Đây chính là môi trường “lửa” để tạo ra chất “thép” cho thanh niên trên bước đường đời.
“Thép đã tôi thế đấy”. Mỗi thanh niên đến độ tuổi “tòng quân” đừng sợ lên đường nhập ngũ. Hãy luôn tâm niệm “Quân đội là một trường học lớn” mỗi chúng ta vừa vinh dự, vừa trưởng thành hơn trong cuộc sống mà thôi.
Nguồn: Báo lao động thủ đô