Một số kết quả nghiên cứu khoa học các loài thực vật có giá trị làm thuốc tại Vườn Quốc gia Vũ Quang
Một số kết quả nghiên cứu khoa học các loài thực vật có giá trị làm thuốc tại Vườn Quốc gia Vũ Quang
Theo dõi MTĐT trên
Quá trình điều tra, nghiên cứu, đánh giá thực trạng các loài thực vật có giá trị làm thuốc chữa bệnh tại Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang và các xã vùng đệm đã thu được 1.350 mẫu vật của các loài cây làm thuốc…
Quá trình điều tra, nghiên cứu, đánh giá thực trạng các loài thực vật có giá trị làm thuốc chữa bệnh tại Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang và các xã vùng đệm đã thu được 1.350 mẫu vật của các loài cây làm thuốc, trong đó đã xác định được 426 loài,thuộc278chi,118 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, có 10 họ đa dạng nhất, nổi bật là họ Thầu dầu (Euphorbiaceae ) và Long não (Lauraceae) cùng với 25 loài, mỗi họ chiếm 5,87% tổng số loài. Kết quả nghiên cứu cũng đã thống kê được 20 nhóm bệnh được người dân vùng đệm VQG Vũ Quang sử dụng, trong đó số loài cây thuốc được sử dụng nhiều nhất liên quan đến bệnh về tiêu hóa với 118 loài, chiếm 27,7% tổng số loài. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã xác định được 19 loài cây thuốc thuộc danh mục nguy cấp quý hiếm và 6 loài có giá trị cao về giá trị sử dụng.
Mở đầu
VQG Vũ Quang là nơi có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) và đặc hữu cao của cả nước, phân bố hàng ngàn loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm đang cần được bảo tồn. Đồng thời, Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn ĐDSH cho cả vùng khu vực ASEAN. Tại VQG Vũ Quang, các nhà nghiên cứu đã xác định khu hệ thực vật có sự xuất hiện của 1823 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 202 họ, trong số này có tới 131 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục IUCN (2017) và Nghị định số 06/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Ba gạc vòng (Rauwolfia verticillata)
Theo những khảo sát sơ bộ tại khu vực VQG Vũ Quang trong thời gian qua, việc thu hái các loài cây thuốc phục vụ chữa bệnh cũng như cung cấp cho các thương lái mặc dù không diễn ra một cách ồ ạt nhưng vẫn được người dân tại khu vực thực hiện một cách nhỏ lẻ nhằm cung ứng nguyên liêu và đem lại một nguồn thu nhập thường xuyên cho các hộ gia đình. Việc khai thác sử dụng bất hợp lý đó đã làm suy giảm nguồn tài nguyên cây thuốc tại khu vực. Để góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc và có những báo cáo cụ thể về thành phần, tác dụng, thực trạng trong công tác quản lý và bảo tồn cây thuốc nơi đây, việc triển khai đề tài “Điều tra, đánh giá các loài thực vật có giá trị làm thuốc chữa bệnh tại VQG Vũ Quang, Hà Tĩnh và các xã vùng đệm” là cần thiết có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện Đề tài, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: (1) Phương pháp kế thừa: Tập hợp các tư liệu có sẵn ở VQG Vũ Quang để xây dựng; (2) Phương pháp phỏng vấn: Phỏng vấn người dân tại địa bàn nghiên cứu nhất là các ông lang, bà mế, lương y, cán bộ kiểm lâm để biết được tình trạng khai thác, thu hái, công dụng, bộ phận sử dụng, nơi phân bố các loài cây thuốc ở khu vực nghiên cứu; (3) Phương pháp thu mẫu ngoài thực địa cũng như xử lý mẫu trong phòng thí nghiệm, giám định tên thực vật được tiến hành theo phương pháp của Nguyễn Nghĩa Thìn, Ngô Trực Nhã, Nguyễn Thị Hạnh (2001) và Nguyễn Nghĩa Thìn (2007).
Kết quả nghiên cứu
1. Đa dạng họ thực vật của các loài cây thuốc ở VQG Vũ Quang
Kết quả điều tra, thống kê về các loài cây thuốc ở VQG Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã xác định 118 họ, trong đó có sự phân bố không đồng đều nhau về số lượng lòai trong mỗi họ. Việc đánh giá và phân tích đa dạng ở mức độ họ là một phần quan trọng khi nghiên cứu đa dạng của một hệ thực vật. Thông thường khi đánh giá tính đa dạng của một hệ thực vật, người ta thường phân tích 10 họ đa dạng nhất của hệ thực vật đó. Bởi vì, tỷ lệ (%) của 10 họ đa dạng nhất so với tổng số loài của toàn hệ được xem là bộ mặt của mỗi hệ thực vật, và là chỉ tiêu so sánh đáng tin cậy. Vì nó không phụ thuộc nhiều vào diện tích nghiên cứu cũng như mức độ đa dạng loài của hệ thực vật. Tuân theo quy luật chung đó, nghiên cứu đã phân tích 10 họ đa dạng nhất về cây thuốc ở VQG Vũ Quang.
Bảng 1. Đa dạng các họ thực vật ở VQG Vũ Quang
Số liệu thống kê cho thấy, mặc dù chỉ với 10 họ có số lượng loài nhiều nhất, nhưng có tới 172 loài, chiếm 40,38% tổng số loài. Trong đó, họ có nhiều loài nhất là Thầu dầu (Euphorbiaceae) và Long não (Lauraceae) cùng với 25 loài, chiếm 5,87% tổng số loài; thấp nhất là họ Cam (Rutaceae) có 12 loài, chiếm 2,82% tồng số loài. Đây cũng là các họ đa dạng trong giới thực vật.
Như vậy, tổng số loài của 10 họ đa dạng nhất của các loài thực vật làm thuốc ở VQG Vũ Quang, chiếm 40,38% phù hợp với nhận định của A.I. Tonmachop (1974) cho rằng, 10 họ đa dạng nhất của hệ thực vật nhiệt đới thường chiếm không quá 50 % tổng số loài của hệ thực vật và rất ít họ chiếm quá 10 % số loài của toàn hệ.
2. Đa dạng về nhóm công dụng của các loài cây làm thuốc
Trong kinh nghiệm dân gian thì một loài cây cây thuốc có thể có tác dụng với nhiều loại bệnh và ngược lại, phải dùng nhiều loài cây thuốc mới chữa được một bệnh. Kết quả nghiên cứu đã thống kê được 20 nhóm bệnh được người dân vùng đệm VQG Vũ Quang sử dụng.
Bảng 2. Các nhóm công dụng của các loài cây làm thuốc ở VQG Vũ Quang
Cây làm thuốc ở VQG Vũ Quang có thể được người dân sử dụng để chữa được 20 nhóm bệnh khác nhau. Trong đó, nhiều nhất là các bệnh về tiêu hóa với 118 loài, chiếm 27,7% tổng số loài, bệnh ngoài da với 92 loài chiếm 21,06%. Các nhóm bệnh khác có số lượng ít hơn 30 loài (từ 6 – 30 loài, chiếm 1,41 đến 7,04%).
3. Đa dạng về giá trị bảo tồn và nguồn gen quý hiếm
Việc xác định giá trị tài nguyên và mức độ bảo tồn của các loài là tiền đề để VQG Vũ Quang xây dựng kế hoạch phát triển mô hình sản xuất nhằm khai thác bền vững nguồn tài nguyên thực vật trong tự nhiên.
Dựa theo tài liệu Sách đỏ Việt Nam, tập II, phần thực vật, nghiên cứu đã xác định được tại khu vực có 25 loài được ưu tiên bảo tồn. Trong đó, 19 loài thuộc danh mục nguy cấp quý hiếm; 6 loài có giá trị cao về giá trị sử dụng.
Bảng 3. Các loài thực vật nguy cấp và có giá trị cao được sử dụng làm thuốc ở VQG Vũ Quang
Số liệu cho thấy, trong số 25 loài cây thuốc có giá trị, bảo tồn có đến 8 loài ở mức nguy cấp (EN), gồm: Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum ), Mã tiền láng (Strychnos nitida), Trầm hương (Aquilaria crassna), Lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus), Bảy lá một hoa (Paris polyphyla), Đỗ trọng (Euonymus chinensis), Nấm đất (Balanophora laxiflora) và Thạch xương bồ (Acorus gramineus). 11 loài ở mức sẽ nguy cấp (VU) gồm: Cốt toái bổ (Drynaria fortunei), Ba gạc vòng (Rauwolfia verticillata), Sơn dương (Rhopalocnemis phalloides), Khôi tía (Ardisia silvestris), Thiên lý hương (Embelia paviflora), Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora), Hồng bì rừng (Murraya glabra), Xưn xe tạp (Kadsura heteroclita), Hoàng tinh hoa trắng (Disporopsis longifolia), Gù hương (Cinnamomum balansae), Râu hùm Việt Nam (Tacca subflabellata). Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã liệt kê được 6 loài có giá trị cao về mặt sử dụng cũng như giá trị kinh tế phân bố tại VQG Vũ Quang bao gồm: Trà hoa vàng Hà Tĩnh (Camellia hatinhensis), Trà hoa vàng Vũ Quang (Camellia vuquangensis), Bổ béo (Gomphandramollis), Ba kích (Gynochthodes officinalis), Hoàng đằng (Fibraurea tinctoria) và Thiên niên kiện (Homalomena occulta).
Một số loài nguy cấp được bắt gặp trên hầu hết các tuyến điều tra. Việc ghi nhận được 25 loài VQG Vũ Quang trong quá trình điều tra cho thấy, giá trị ĐDSH rất cao và tầm quan trọng cho công tác bảo tồn tại đây. Bên cạnh đó, các kết quả thu được sẽ là nguồn thông tin rất có giá trị cung cấp cho các ngành chức năng như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế trong việc hoạch định Chiến lược phát triển, cung ứng nguồn cây dược liệu cho tỉnh, hỗ trợ phát triển dân sinh kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư các huyện miền núi gần rừng.
Kết luận
Thứ nhất, nghiên cứu đã xác định được 426 loài, thuộc 278 chi, 118 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch.
Thứ hai, có 10 họ đa dạng nhất, nổi bật là họ Thầu dầu (Euphorbiaceae ) và Long não (Lauraceae) cùng với 25 loài, mỗi họ chiếm 5,87% tổng số loài, thấp nhất là họ Cam (Rutaceae) có 12 loài, chiếm 2,82% tồng số loài.
Thứ ba, có 20 nhóm bệnh được người dân vùng đệm VQG Vũ Quang sử dụng. Trong đó, nhiều nhất là các bệnh về tiêu hóa với 118 loài, chiếm 27,7% tổng số loài, bệnh ngoài da với 92 loài chiếm 21,06% tổng số loài.
Thứ tư, có 25 loài cây thuốc có giá trị, bảo tồn ở VQG Vũ Quang được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, có đến 8 loài ở mức nguy cấp (EN), 11 loài ở mức sẽ nguy cấp (VU), 6 loài có giá trị cao về giá trị sử dụng. Đây là những loài cần được bảo tồn để sử dụng bền vững.
Nguyễn Danh Kỳ, Thái Cảnh Toàn, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thị Thương
Vườn Quốc gia Vũ Quang
Lê Ngọc Nhân
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh
Tài liệu tham khảo
-
Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam, Tập I-II, Nxb Y học Hà Nội.
-
Vũ Văn Chuyên (1976), Tóm tắt đặc điểm các họ cây thuốc, Nxb Y học, Hà Nội.
-
Đỗ Tất Lợi (2005), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, In lần thứ 13. Nxb Y Học Hà
-
Nguyễn Nghĩa Thìn, 1997. Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
-
Nguyễn Nghĩa Thìn, 2007. Các phương pháp nghiên cứu thực vật. Nxb. ĐHQGHN, Hà Nội.
-
Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thị Hạnh, Ngô Trực Nhã, 2001. Thực vật học dân tộc- Cây thuốc đồng bào Thái – Con Cuông – Nghệ An. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
-
Bộ NN&PTNT (2000), Tên cây rừng Việt Nam, Nxb Nông Nghiệp, Hà Nội.
-
Hội Đông Y Việt Nam (1965), 50 bài thuốc chữa vết thương bỏng, Nxb Y Học Hà Nội.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị