Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/2/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/2/2023
Theo dõi MTĐT trên
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/2/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/2/2023.
Thanh Hoá: Cá tự nhiên chết bất thường ở dòng suối và đập Hón Thành
Theo phản ánh của người dân thôn Thanh Thủy, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), mấy tháng trở lại đây, cá tự nhiên ở dòng suối và đập Hón Thành trên địa bàn có hiện tượng chết bất thường, nguồn nước đổi màu đen kịt.
Anh Lương Văn Sơn nhà cạnh suối Hón Thành cho biết, trước đây gia đình ông thường sử dụng nước ở suối để tắm, giặt. Suối này cũng là nơi hàng ngày người dân đánh bắt cá về ăn. Tuy nhiên, hiện dòng nước đen ngòm, hôi thối… khiến cá, tôm chết bất thường.
Trưởng thôn Thanh Thủy, xã Thanh Xuân, ông Lục Văn Toàn chia sẻ: “ngày trước nước từ suối chảy ra đập Hón Thành bao đời nay trong mát, nhưng giờ không ai sử dụng được nữa. Tại khe núi đá vôi Cò Nóong, chúng tôi phát hiện có dòng nước màu đen kịt chảy liên tục ra suối. Núi đá này giáp ranh giữa thôn Thanh Thủy và thôn Hón Tỉnh, xã Thanh Sơn”.
Trao đổi với ông Trịnh Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: “Sự việc mà người dân phản ánh về việc cá tự nhiên chết bất thường trên địa bàn xã là có thật. Sau khi người dân phản ánh, chính quyền xã đã đi kiểm tra và phát hiện nguồn nước đổi màu đen, cá tự nhiên chết bất thường, nước có mùi tanh nhẹ. UBND xã đã báo cáo lên các ban ngành huyện về vấn đề này đang chờ kết quả”.
Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng TN&MT huyện Như Xuân cho biết, sau khi tiếp nhận sự việc, ngày 03/02, đơn vị đã đi kiểm tra, lấy mẫu nước ở một số hồ mà nhân dân phản ánh và hồ gần mấy khu trang trại lợn gửi đi xét nghiệm.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Hải Dương yêu cầu một doanh nghiệp tạm dừng hoạt động công đoạn phát sinh khí thải
UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Thương mại Tuấn Tú (ở xã Đồng Cẩm, Kim Thành) tạm dừng hoạt động đối với công đoạn sản xuất phát sinh khí thải còn có thời điểm vượt quy chuẩn môi trường và chỉ được tiếp tục hoạt động trở lại khi đã được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá đủ điều kiện hoạt động theo quy định.
Quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh phải thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo quy định, thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý môi trường nhằm bảo đảm xử lý chất thải phát sinh đạt quy chuẩn môi trường cho phép trước khi xả thải.
Trước đó, sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân về Công ty TNHH Thương mại Tuấn Tú sản xuất phân bón gây ô nhiễm môi trường, tháng 10.2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với công ty này và tổ chức quan trắc môi trường tại nhà máy sản xuất phân bón của công ty. Kết quả phân tích mẫu khí thải tại ống khói lò sấy và mẫu khí thải tại ống khói lò hơi có thời điểm vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải. Ngoài ra, theo kết quả quan trắc môi trường định kỳ do công ty thực hiện cho thấy mẫu nước thải tại ao sinh học và tiếng ồn trong khu vực sản xuất phân TE còn có thời điểm vượt quy chuẩn môi trường.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Hải Dương ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
Theo đó, có 6 giải pháp nhằm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác gồm: Xây dựng, công khai và thực hiện quy hoạch về khoáng sản; Xây dựng và tuyên truyền pháp luật về khoáng sản; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ giấy phép khai thác khoáng sản; Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành với UBND cấp huyện, xã và tiếp tục phát huy hiệu quả Đề án “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Hải Dương” với vai trò chủ công, thường trực của lực lượng công an.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 79 khu vực khoáng sản nằm trong các quy hoạch khoáng sản của địa phương và trung ương; 8 khu vực khoáng sản không nằm trong quy hoạch nhưng có khoáng sản cần phải bảo vệ; có 1.339 khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các khu vực khác trên địa bàn TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn có tiềm năng về khoáng sản cần phải bảo vệ.
Giết hại động vật hoang dã rồi khoe trên mạng xã hội – Hành vi đáng bị lên án
Ngày 8/2/2023, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tiếp nhận tin báo của cộng đồng về trường hợp một tài khoản TikTok đăng tải video hành vi giết hại một cá thể khỉ.
Video này đã thu hút hơn 88,2 ngàn lượt xem, hơn 240 bình luận trên TikTok. Rất nhiều bình luận của người xem trên video lên án hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật này. Tài khoản TikTok của người này đang có hơn 1,5 ngàn lượt theo dõi.
Trong những năm qua, tình trạng đăng tải các bài viết, video với nội dung quảng cáo, buôn bán, giết hại động vật hoang dã trên không gian mạng vẫn đang diễn ra công khai. Riêng trong năm 2022, ENV đã ghi nhận 1.686 vụ việc vi phạm về động vật hoang dã trên Internet.
ENV vẫn đang đang tích cực làm việc với các đối tác như Facebook, Youtube, TikTok để gỡ bỏ, ngăn chặn những hành vi như trên.
Hiện tài khoản Tiktok nói trên vẫn chưa được định danh. ENV sẽ chuyển thông tin đến cơ quan chức năng liên quan và TikTok để xử lý vụ việc.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Kon Tum lại liên tiếp xảy ra động đất
Cụ thể vào lúc 09 giờ 31 phút 42 giây ngày 07/02/2023 (GMT) tức 16 giờ 31 phút 42 giây ngày 07/02/2023 giờ địa phương, tại tọa độ: 14.925 N-108.181 E khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra trận động đất có độ lớn 3.6, độ sâu chấn tiêu 8.1km.
Tại khu vực này vào ngày 4/1 cũng xảy ra trận động đất có độ lớn 3.0 vào lúc 16 giờ 10 phút 1 giây ngày 04/02/2023 (giờ Hà Nội), độ sâu chấn tiêu 8.8km. Ngày 5/1 tại đây tiếp tục xảy ra trận động đất mạnh 3.1 độ, độ sâu chấn tiêu 8km vào lúc 8 giờ 29 phút 37 giây ngày 5/02/2023.
Liệu những trận động đất liên tiếp ở Kon Tum có bất thường? Tây Nguyên nói chung, trong đó có Kon Tum là khu vực có hoạt động địa chất tương đối yên tĩnh. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, ngay sau khi nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum phát điện, khu vực này xảy ra hàng trăm trận động đất có cường độ dao động từ 2.5-4.7.
Các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu nhận định, động đất liên tiếp thời gian qua ở khu vực này là động đất kích thích, liên quan đến hoạt động của hồ chứa thủy điện khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.
Nhiệt độ và độ ẩm cao có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần
Theo nghiên cứu mới được công bố trong tuần này, các hiện tượng thời tiết thất thường được xác nhận là có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.
Nghiên cứu đã xem xét ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm và lũ lụt đối với tỷ lệ trầm cảm và lo lắng ở Bangladesh – quốc gia dễ bị tổn thương thứ bảy trên thế giới trước biến đổi khí hậu .
Ước tính có khoảng 4,4% người dân trên thế giới bị trầm cảm. Ở Bangladesh, con số này cao hơn đáng kể ở mức 16,3%. Mức độ lo lắng ở quốc gia này cũng cao hơn (6%) so với phần còn lại của thế giới (3,6%).
Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện của nghiên cứu có thể được sử dụng để thu hẹp tác động rộng lớn hơn của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe tâm thần.
Ông Syed Shabab Wahid, khoa sức khỏe toàn cầu tại Trường Y tế của Đại học Georgetown, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn, nhiệt độ và độ ẩm sẽ tiếp tục tăng, cũng như các thảm họa thiên nhiên, chẳng hạn như lũ lụt nghiêm trọng, có tác động ngày càng tồi tệ đến sức khỏe tâm thần tập thể của chúng ta trên toàn cầu”.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị