Công nghệ “nhà bay” của Nhật Bản giúp chống động đất hiệu quả

Công nghệ “nhà bay” của Nhật Bản giúp chống động đất hiệu quả

MTĐT –  Thứ tư, 08/02/2023 11:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để giảm thiểu tối đa thiệt hại, những ngôi nhà chống động đất đã được nghiên cứu, thu hút sự quan tâm của người dân.

Những ngày qua, tình hình thương vong sau vụ động đất thảm hoạ tại Thổ Nhĩ Kỳ – Syria đang thu hút sự chú ý của dư luận. Một phần nguyên nhân khiến thảm hoạ này có nhiều thương vong đến vậy là do sự thiếu chuẩn bị kĩ lưỡng về cơ sở hạ tầng, giao thông, đô thị cho phù hợp để ứng phó trước thiên tai của hai quốc gia.

Hiện tại, điều tốt nhất có thể làm là chuẩn bị sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất. Một số quốc gia hay xảy ra động đất đã nghiên cứu về các công nghệ nhà chống động đất hiệu quả.

Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Nhật Bản là có tần suất hứng chịu động đất thuộc loại lớn nhất thế giới, đi cùng với đó là những thiệt hại khôn lường về cơ sở hạ tầng cũng như nhân mạng.

Từ những thảm họa trong quá khứ, những nhà khoa học cũng như kỹ sư đến từ “Đất nước Mặt Trời mọc” đã dành ra nhiều thập kỷ nghiên cứu về các công nghệ nhà chống động đất. Đầu tiên là để bảo toàn tính mạng người dân Nhật Bản, kế đến là nhà cửa, cơ sở hạ tầng. Trong đó có thể kể đến công nghệ “nhà bay” của công ty Air Danshin.

tm-img-alt
Ảnh mô phỏng thiết kế “nhà bay” tại Nhật Bản. Ảnh: Air Danshin

Đây là sản phẩm của nhà phát minh Shoichi Sakamoto, với ý tưởng sẽ “nhấc bổng” toàn bộ ngôi nhà lên trong trường hợp xảy ra động đất. Theo đó, ngôi nhà được chế tạo với phần móng đúc bằng bê tông chống động đất nhưng phần nhà bên trên lại không được hoàn toàn “gắn chết” vào phần móng.

Tiếp đó là một hệ thống túi khí và máy nén được đặt giữa phần nhà chính và móng. Xung quanh nhà là cảm biến rung động độ nhạy cao để cảm nhận được các biến đổi địa chất trước một trận động đất.

Khi phát hiện có động đất, cảm biến sẽ kích hoạt các máy nén và bơm đầy các túi khí bên dưới căn nhà và giúp nó “bay lên”, theo đúng nghĩa đen. Khi quá trình này hoàn tất, toàn bộ cấu trúc sẽ cách mặt đất khoảng 3-4cm, đại diện Air Danshin cho biết.

tm-img-alt
Theo đó, ngôi nhà được chế tạo với phần móng đúc bằng bê tông chống động đất nhưng phần nhà bên trên lại không được hoàn toàn “gắn chết” vào phần móng. Ảnh: Air Danshin

Không chỉ dừng lại ở các nghiên cứu lý thuyết, công ty Nhật Bản này đã thực hiện một thực nghiệm trên một mô hình nhà thật, được đặt trên một máy giả lập động đất, bên trong ngôi nhà thử nghiệm có các tình nguyện viên, một số đồ đạc và cả vài ly rượu vang. Kết thúc quá trình thử nghiệm, những tình nguyện viên cho biết đã không thể cảm nhận được bất kỳ sự rung lắc nào xuyên suốt cuộc “động đất”, kỳ diệu hơn là không hề có một giọt rượu nào bị sánh ra ngoài.

Ngoài ra, tại Nhật Bản còn có mẫu nhà mái vòm được làm từ xốp với khả năng chịu động đất cao, xây nhanh và cách nhiệt tốt. Các mảnh xốp styrofoam cực nhẹ được dán lại với nhau để tạo ra mái vòm chỉ nặng khoảng 80 kg. Nhờ hình dạng của nó cộng với việc không cần cột chống giúp căn nhà có thể chống lại động đất.

tm-img-alt
Các mảnh xốp styrofoam cực nhẹ được dán lại với nhau để tạo ra mái vòm chỉ nặng khoảng 80 kg. Nhờ hình dạng của nó cộng với việc không cần cột chống giúp căn nhà có thể chống lại động đất. Ảnh: Odditycentral

Tuy nhiên, đây chỉ mới dừng lại ở mức thử nghiệm đối với những trận động đất nhỏ và cần phải tiếp tục cải tiến để có thể chống chọi lại những rung động dữ dội hơn. Nhưng với bấy nhiêu đó thôi, cũng đủ để thấy công nghệ đang góp phần làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng và an toàn hơn đến nhường nào rồi.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích