Yêu cầu Cục Bản quyền tác giả dừng cấp phép phần mềm của Công ty Dragon Technologies

Theo phản ánh, Công ty Cổ phần Giải pháp Khách sạn Tâm Đạt thuộc Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ Tâm Đạt (địa chỉ phường 5, quận Tân Phú, TP.HCM) là đơn vị hoạt động đầu tư sáng tạo các nội dung số, công nghệ thông tin, máy tính, phần mềm; phát triển dịch vụ cung ứng dịch vụ phần mềm quản lý, kế toán cho khách sạn trên toàn quốc.

Các phần mềm DiHotel, DiPOS, DiACC, DiHRM… của Công ty Tâm Đạt đã được Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VHTTDL cấp các Giấy Chứng nhận đăng ký quyền tác giả, được phát triển, nghiên cứu gần 20 năm qua, có giá trị hàng chục tỷ đồng.

z4090936379014_d4dbe46c07c5edb9bc46115075f06c8b
Đơn tố cáo Công ty Dragon Technologies sao chép, ăn cắp phần mềm đã được đăng ký bản quyền.

Trong quá trình quản lý, khai thác kinh doanh các phần mềm trên, Công ty Tâm Đạt đã giao cho các nhân viên Hoàng Quang Vinh, Hoàng Anh Tuấn và Hoàng Quốc Long  quản lý, triển khai. Do tin tưởng các cá nhân này, nên lãnh đạo Công ty Tâm Đạt đã tổ chức đào tạo, huấn luyện kỹ thuật và giao cho họ được quyền tiếp cận các công nghệ, trực tiếp vận hành các phần mềm này. 

Tuy nhiên, lợi dụng sự tin tưởng đó, 3 cá nhân trên đã âm thầm sao chép, khai thác, ăn cắp các công nghệ, kỹ thuật và sao chép cung cách quản lý, kinh doanh các phần mềm cũng như dữ liệu khách hàng lâu năm của công ty. 

Sau đó, các cá nhân này, dù đang là nhân viên của Công ty Tâm Đạt nhưng đã cùng nhau lập Công ty Cổ phần Dragon Technologies (thành lập ngày 03/03/2022), đại diện pháp luật là ông Hoàng Quang Vinh, (trụ sở chính tại số 289/1 đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Tiếp đó, dưới pháp nhân này, các cá nhân đã sử dụng các phần mềm sao chép, ăn cắp là các phần mềm: DiHotel, DiPOS, DiACC, DiHRM… thuộc quyền hữu của Công ty Tâm Đạt để bán, cung cấp dịch vụ phần mềm quản lý khách sạn cho các đối tác với tên phần mềm là PMSPROUD để thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Nhằm để không bị phát hiện, các cá nhân này đã đổi tên phần mềm DiHotel thành tên PMSPROUD, sau đó chỉnh sửa một số chi tiết trong giao diện phần mềm rồi âm thầm làm hồ sơ gửi Cục Bản quyền thuộc Bộ VHTTDL xin cấp đăng ký bản quyền.

Ngoài ra, các cá nhân trên còn lập thêm hai công ty khác với pháp nhân: Công Cổ phần Công nghệ Vietnam New Life (trụ sở tại số 32A, Khe Sanh, tổ 3, phường 10, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) và Công ty TNHH QTV Diamond Solution tại (địa chỉ số 97D đường Á, KĐT Vĩnh Điềm Trung, xã Vĩnh Hiệp, Nha Trang, Khánh Hòa) để mở rộng hoạt động sử dụng các phần mềm đã sao chép, ăn cắp trong hoạt động kinh doanh, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

z4090882306057_2eee8b1d07cbf8c0c8723633a5beb00a
Công ty Dragon Technologies mở văn phòng chi nhánh tại Nha Trang, Khánh Hoà.

Cụ thể, ngày 14/08/2022 Công ty Dragon Technologies đã ký hợp đồng bán. Phần mềm quản lý khách sạn thuộc quyền sở hữu của công ty Tâm Đạt cho Công ty TNHH TMDV Toàn Thanh Tuấn với giá trị dịch vụ tương đương 144 triệu đồng. Trong bản hợp đồng này, do tin tưởng các cá nhân liên hệ làm việc là người quen cũ tại Công ty Tâm Đạt, nên Công ty TNHH TMDV Toàn Thanh Tuấn không kiểm tra đăng ký bản quyền của các phần mềm mà Dragon Technologies cung cấp và đã chuyển tiền thanh toán đợt 1 cho Công ty Dragon Technologies. Nội dung chuyển khoản ghi: “thanh toán đợt 1 mua phần mềm DiHotel” (tên phần mềm của Công ty Tâm Đạt).

Theo đại diện Công ty Tâm Đạt, việc sao chép, ăn cắp các phần mềm của các cá nhân trên phía công ty không hề biết. Trước đó, các cá nhân này đã đồng loạt làm đơn xin nghỉ việc thì đến tháng 8/2022, Công ty Tâm Đạt mới bất ngờ phát hiện được sự việc của các cá nhân này khi họ làm đơn đăng ký bản quyền các phần mềm ăn cắp của Công ty Tâm Đạt gửi Cục Bản quyền, Bộ VHTTDL.

Ngay sau khi phát hiện, Công ty Tâm Đạt đã kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các phần mềm và so chiếu với các phần mềm do các cá nhân trên đang sử dụng thì được kết quả, các phần mềm chính bị ăn cắp, sao chép từ 85-90% so với bản gốc đã được đăng ký.

z4090920533047_6ffd2e5343c8af453bb069831ae2e0df
Công ty Tâm Đạt cung cấp tài liệu chứng minh các phần mềm của mình đã được cấp bản quyền.

Công ty Tâm Đạt cho rằng, từ sự việc sao chép, ăn cắp của các cá nhân nêu trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền sở hữu phần mềm và hoạt động kinh doanh của công ty. Cụ thể, Công ty vừa bị mất cắp tài sản đã được đăng ký, khai thác ổn định; công ty bị mất các khách hàng đã hợp tác lâu năm, thương hiệu công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường bị ngưng trệ; tài sản của công ty bị các đối tượng sử dụng bất hợp pháp để kinh doanh, thu lợi bất chính; các khách hàng, đối tác khi tiếp nhận hợp tác với các ông Long, Tuấn, Vinh đã vô tình bị lừa đảo, sử dụng phần mềm lậu, do ăn cắp, chiếm đoạt sao chép, vô tình vi phạm hành vi sử dụng phần mềm lậu, nhái, không có bản quyền…

Sau đó, Công ty Tâm Đạt đã gửi đơn khiếu nại sự việc đến Cục Bản quyền tác giả và Thanh tra của Bộ VHTTDL bằng các công văn số: 0905/2022 CV-TĐ; số 0906/2022/CV-TĐ và số 0907/2022/CV-TĐ về việc xem xét, yêu cầu ngăn chặn hành vi đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm chương trình máy tính “Phần mềm quản lý nhà hàng khách sạn PMSPROUD” cho Công ty Dragon Technologies.

Ngày 23/9/2022, Cục Bản quyền tác giả đã có thông báo số 13/TB-ĐKQTGQLQ do bà Trần Thị Thanh Nhàn ký, yêu cầu ông Hoàng Quang Vinh và Hoàng Anh Tuấn thuộc Công ty Dragon Technologies cung cấp các thông tin chứng minh quá trình độc lập sáng tạo, không sao chép từ tác phẩm của cá nhân hay tổ chức khác, không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Tiếp đó, Thanh tra Bộ VHTTDL có công văn số 160/Ttr-VHGĐ về việc xác minh xử lý đơn gửi Công ty Dragon Technologies báo cáo bằng văn bản về những nội dung liên quan đến quyền sở hữu đối với phần mềm đã được Công ty Tâm Đạt đăng ký quyền sở hữu.

z4091261123060_db7504a55a00869587b86a81375e6b42
Thanh tra Bộ VHTTDL yêu cầu Công ty Dragon Technologies báo cáo.

Theo giải trình của Công ty Dragon Technologies gửi Thanh tra Bộ VHTTDL, doanh nghiệp này tạo ra các sản phẩm độc lập bằng trí tuệ, công sức của đội ngũ nhân viên; sản phẩm được tách biệt hoàn toàn với các sản phẩm của Công ty Tâm Đạt do được viết mã nguồn trên nền tảng công nghệ đám mây (Cloud hoá). Quá trình tạo ra sản phẩm có đầy đủ quy trình từ phân công ý tưởng, hệ thống giao việc, kiểm tra, giám sát sản phẩm của đội ngũ nhân viên. Công ty Dragon Technologies không sao chép, phân phối các sản phẩm của người khác, đồng thời công ty đã gửi đăng ký bản quyền các sản phẩm đến Cục Bản quyền tác giả vào tháng 8/2022.

Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Linh, Công ty Luật Tân Đại Thịnh và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Trước hành vi xâm phạm quyền bản quyền, ăn cắp bản quyền để khai thác ở quy mô thương mại, sao chép có tổ chức, được thực hiện nhiều lần, thu lợi bất chính giá trị lớn, gây thiệt hại về kinh tế đối với quyền sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu đều cấu thành tội phạm hình sự, được pháp luật quy định rất rõ tại các điều khoản thuộc Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017.

Qua sự việc khiếu nại, tố cáo của Công Tâm Đạt, cho thấy các cá nhân, pháp nhân công ty bị tố cáo có các dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đã đủ dấu hiệu cấu thành tội: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Đặc biệt, đối với hành vi ký hợp đồng để phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm phần mềm để kinh doanh, thu lợi là yếu tố quan trọng để cấu thành tội phạm hình sự về xâm phạm bản quyền, quyền sở hữu. Các dấu hiệu này, phía cơ quan điều tra sẽ làm rõ, đề nghị xử lý hình sự theo pháp luật. Cùng với đó, Công ty Tâm Đạt có quyền xác lập những thiệt hại để yêu cầu bồi thường thiệt hại, xin lỗi và khắc phục hành vi vi phạm. 

Về khía cạnh quản lý nhà nước, Cục Bản quyền tác giả khi xử lý sự việc, tiếp nhận hồ sơ của các Công ty Dragon Technologies và hai công ty liên quan khi xác minh, nắm rõ những vi phạm cần chuyển cơ quan điều tra làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật. Mặt khác, Công ty Tâm Đạt có quyền xem xét đến việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ nếu như các sản phẩm của các doanh nghiệp vi phạm được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ theo quy định của Đạo luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Hoa Kỳ (UCA) để nhằm ngăn chặn các cá nhân này đưa phần mềm ăn cắp ra nước ngoài để kinh doanh trục lợi./.

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích