Tháo chạy khỏi homestay, đại gia “đứt ruột“ cắt lỗ sâu hàng tỷ đồng
Chủ homestay điêu đứng, cắt lỗ hàng tỷ đồng
Anh T. – chủ một homestay ở Hoa Lư, Ninh Bình cho biết, anh vay mượn, đầu tư xây dựng homestay rộng hơn 400m2 vào năm 2019 với rất nhiều tâm huyết. Thời gian đầu, lượng khách đông, nhiều thời điểm cháy phòng, anh khấp khởi tin rằng mình đã đầu tư đúng hướng. Với doanh thu ổn định, chẳng mấy mà anh sẽ trả hết nợ ngân hàng và có lãi.
Vui mừng chưa được bao lâu, năm 2020 dịch Covid-19 ập đến khiến tình hình kinh doanh khó khăn, lượng khách sụt giảm trầm trọng. Anh cắt giảm nhân viên nhằm tiết kiệm chi phí, có lúc tạm ngừng hoạt động homestay để chờ dịch lắng xuống.
Do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhận định tình hình này còn kéo dài nên tháng 9/2020, anh rao bán homestay với giá 15 tỷ đồng. Sau nửa năm vẫn chưa có khách mua, lãi ngân hàng vẫn phải trả đủ, anh càng sốt ruột. Hiện giờ, giữa làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, anh chấp nhận lỗ nặng, giảm giá sâu chỉ còn 12 tỷ đồng, nhưng lượng khách gọi điện hỏi thông tin còn ít hơn cả đợt rao bán trước.
Khảo sát trên các trang mua bán nhà đất, dễ dàng bắt gặp hàng loạt thông tin rao bán, sang nhượng, cắt lỗ homestay được đăng tải dày đặc. Với từ khoá “rao bán homestay”, chỉ sau vài giây đã có hàng trăm nghìn thông tin rao bán, với nhiều loại hình và giá bán khác nhau.
Cách đây vài năm, giai đoạn 2017 – 2019, tốc độ phát triển nhanh chóng của du lịch Việt Nam kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nguồn cầu lưu trú. Nhiều người nhanh chóng nắm bắt cơ hội tham gia vào thị trường kinh doanh homestay tạo ra doanh thu khoảng 130 triệu USD trong năm 2018.
Đến năm 2019, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, thị trường kinh doanh homestay tại Việt Nam tăng trưởng nóng với tốc độ 452% về số lượng nguồn cung chỗ ở chỉ trong một năm. Các tỉnh, thành phố có có doanh thu lớn nhất về homestay là TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Lâm Đồng, Khánh Hòa….
Thế nhưng, nhiều homestay mới chỉ ăn nên làm ra trong thời gian ngắn, thì năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát đã khiến họ nhanh chóng nhận “trái đắng”. Nhiều người do tiếc số tiền đầu tư nên cố gồng gánh lãi ngân hàng, chi phí vận hành với hy vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, sự trở lại của khách du lịch sẽ tiếp tục mang về lợi nhuận.
Gần như “kiệt sức” sau 3 đợt dịch, đợt dịch lần thứ 4 là “đòn chí mạng” khiến nhiều nhà đầu tư không thể chống đỡ được nữa. Thị trường bắt đầu chứng kiến làn sóng “tháo chạy” khỏi homestay, đua nhau bán gấp, bán cắt lỗ, giảm giá sâu…
Ế khách, người mua không mặn mà
Kinh doanh homestay chủ yếu phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19, Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế dẫn đến lượng khách nước ngoài giảm mạnh. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch nội địa cũng kém sôi động do tác động của dịch bệnh.
Tại tỉnh Ninh Bình, ước tính tổng số lượng khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm tới 42,3% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu giảm 32,8%. Tại tỉnh Lâm Đồng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng 7 tháng đầu năm 2021, lượng du khách chỉ đạt khoảng 2 triệu lượt (giảm 11,99% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, khách quốc tế giảm tới 84,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 8, do dịch diễn biến phức tạp, du khách đến Lâm Đồng gần như không có.
Đà Lạt, thành phố du lịch nổi tiếng của Lâm Đồng giờ đây cũng xuất hiện nhiều thông tin rao bán khách sạn, homestay với đủ mức giá.
Trên một trang web mua bán bất động sản, căn homestay tại đường Tô Ngọc Vân, phường 2, Đà Lạt, cách trung tâm hồ Xuân Hương chỉ 5 phút đi xe máy có diện tích 4x20m được rao bán với giá 10,7 tỷ đồng. Theo thông tin đăng tải, homestay này mới xây với kiến trúc tân cổ điển kết cấu 1 trệt 2 lầu 1 áp mái, bao gồm 1 sảnh lễ tân đón khách, 1 bếp ăn, 10 phòng đang kinh doanh, 10 WC. Người đăng nhấn mạnh “vỡ nợ”, “cần bán gấp”. Trên website của một sàn bất động sản tại Đà Lạt, có hẳn danh sách hàng loạt các homestay cần bán gấp được ký gửi tại sàn, mức giá dao động từ vài tỷ cho tới 30 – 40 tỷ đồng.
Tại xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) nơi có khoảng 100 homestay, tình trạng các chủ homestay ồ ạt rao bán đã diễn ra gần 1 năm nay. Tuy nhiên, theo cán bộ xã người bán thì nhiều nhưng người mua thì rất ít, từ cuối năm 2020 đến nay xã mới chỉ tiếp nhận 2 hồ sơ mua bán, chuyển nhượng các homestay.
Anh Quân, nhân viên môi giới của một công ty bất động sản cho biết, anh chuyên bán homestay ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Do dịch nên thị trường ảm đạm, người bán thì nhiều nhưng người mua thì ít. Các homestay quy mô nhỏ giá vài tỷ có tính thanh khoản cao hơn, dễ “chốt” khách hơn. Còn các homestay giá vài chục tỷ ít được khách quan tâm.
Đa phần những người cần bán gấp, chấp nhận giảm giá sâu là do họ vay mượn ngân hàng để xây dựng, kinh doanh homestay, chịu sức ép rất lớn về tài chính. Không có khách, homestay không có nguồn thu, càng bán được sớm thì càng hạn chế lỗ.
Một số đồng nghiệp của anh Quân ở Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng nhắn vào trong nhóm môi giới homestay nói rằng đang dồi dào nguồn homestay và khách sạn cần bán với đa dạng mức giá. Nếu ai có khách quan tâm thì giới thiệu để cùng nhau “đẩy hàng”.
Anh Quân nhận định, mua homestay trong thời điểm này là có lợi về giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, khách khó đi xem thực tế, nếu có mua cũng không kinh doanh ngay được. Vì thế, những nhà đầu tư vốn ít thì không dám liều, người sẵn tiền còn tiếp tục nghe ngóng.