Thế nào là bệnh truyền nhiễm? Lưu ý giúp bạn phòng tránh
Thế nào là bệnh truyền nhiễm? Lưu ý giúp bạn phòng tránh
Theo dõi MTĐT trên
Việc biết được thế nào là bệnh truyền nhiễm cùng với các triệu chứng thường gặp và một số cách tự phòng ngừa bệnh sẽ góp phần giúp bạn trong việc bảo vệ sức khỏe.
Các bệnh truyền nhiễm thường có khả năng lây lan nhanh nên không chỉ gây ảnh hưởng đến cá nhân mà còn có thể tác động tới một cộng đồng. Việc biết được thế nào là bệnh truyền nhiễm cùng với các triệu chứng thường gặp và một số cách tự phòng ngừa bệnh sẽ góp phần giúp bạn trong việc bảo vệ sức khỏe.
1. Thế nào là bệnh truyền nhiễm?
Đi tìm lời giải cho thắc mắc thế nào là bệnh truyền nhiễm, đây là dạng bệnh xảy ra rất phổ biến có tên gọi khác là bệnh lây. Bệnh gây ra bởi vi sinh vật như virus, vi khuẩn, nấm ký sinh trùng.
Các bệnh lý này có thể lây truyền từ người sang người hoặc lây truyền từ côn trùng hay từ động vật khác sang. Ngoài ra, một số trường hợp sử dụng phải các loại thực phẩm hay nguồn nước bị ô nhiễm hoặc có sự tiếp xúc với các sinh vật trong môi trường cũng có thể bị bệnh.
Đáng lưu ý, dạng bệnh này có thể lây truyền trong cộng đồng qua nhiều đường khác nhau hoặc đôi khi chỉ qua một đường. Cùng với đó, cũng có khả năng trở thành vùng dịch khi có số lượng nhiều người bị nhiễm phải bệnh. Cụ thể, các giai đoạn phát triển của bệnh bao gồm những thời kỳ: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát, lui bệnh và hồi phục.
Tuy bất cứ ai cũng có rủi ro mắc phải bệnh truyền nhiễm, nhưng một vài đối tượng với hệ miễn dịch hoạt động kém có thể dễ bị nhiễm bệnh hơn. Cụ thể, đó là các đối tượng:
-
Đang sử dụng steroid hay những loại thuốc ức chế hệ miễn dịch.
-
Mắc phải một bệnh tự miễn chẳng hạn là bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp.
-
Bị bệnh ung thư hoặc phải đối diện với các rối loạn khác ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
-
Bị nhiễm HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, người lớn tuổi hay người bị suy dinh dưỡng cũng đối diện nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
2. Các triệu chứng của bệnh truyền nhiễm
Đi kèm với việc hiểu thế nào là bệnh truyền nhiễm, hãy cùng điểm qua về các triệu chứng gây ra bởi các bệnh lý này. Theo đó, từng căn bệnh truyền nhiễm cụ thể sẽ có các triệu chứng riêng. Biểu hiện ở mỗi trường hợp bệnh nhân cũng có thể có sự khác nhau tùy thuộc vào độc tố của “thủ phạm” gây bệnh cũng như sức đề kháng của cơ thể.
Tuy nhiên, bạn nên chú ý đến một số dấu hiệu chung gây ra bởi bệnh truyền nhiễm sau đây:
-
Bị sốt, ho.
-
Ớn lạnh.
-
Cơ bị đau.
-
Trạng thái mệt mỏi.
-
Biểu hiện chán ăn.
-
Tình trạng tiêu chảy.
3. Cách phòng ngừa bệnh truyền nhiễm
Cụ thể, để góp phần tự phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, bạn có thể lưu ý đến một số cách sau đây:
3.1. Thực hiện tiêm vắc-xin đầy đủ
Việc tiêm vắc-xin đầy đủ cho bản thân và các thành viên trong gia đình theo đúng lịch sẽ tạo điều kiện cho cơ thể của mọi người được nâng cao khả năng ngăn ngừa và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Từ đó, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm và rủi ro tử vong.
3.2. Giữ gìn vệ sinh cá nhân
Đây cũng là một cách bạn không nên bỏ qua để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh. Cụ thể, cần thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay một cách thường xuyên vào những thời điểm như trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc xì mũi, ho hay hắt hơi, sau khi chơi đùa và có sự tiếp xúc với thú cưng,…
Đồng thời, không được chạm tay vào các vị trí mắt, mũi, miệng nhằm tránh tạo cơ hội cho vi trùng xâm nhập vào cơ thể. Kèm theo đó, bạn cũng đừng quên đều đặn tắm rửa sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh thân thể và răng miệng.
3.3. Quan tâm đến vấn đề ăn uống
Bên cạnh đó, quan tâm đến vấn đề ăn uống cũng là một việc làm cần thiết khác. Theo đó, bạn cần thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng với các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và cung cấp nguồn nước sạch cho cơ thể.
Lưu ý rằng nên đảm bảo ăn chín uống sôi, không sử dụng chung các dụng cụ được dùng trong chế biến thức ăn sống và thức ăn chín, biết cách bảo quản phù hợp đối với thức ăn đã được chế biến. Ngoài ra, hãy giữ cho khu vực bếp và các bề mặt khác luôn được sạch sẽ khi chế biến thực phẩm.
3.4. Giữ vệ sinh môi trường xung quanh
Hãy tiến hành việc giữ gìn vệ sinh, khử trùng môi trường xung quanh ở nơi bạn sinh sống, học tập và làm việc một cách thường xuyên. Trong đó, bạn nên thu gom và xử lý rác thải cùng các chất thải của người, động vật hợp vệ sinh. Cùng với đó, thực hiện loại trừ tận gốc các loài gặm nhấm và côn trùng có khả năng lây bệnh sang người.
Ngoài ra, nếu bạn nuôi thú cưng cũng cần kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng đầy đủ và giữ gìn vệ sinh cho chúng cũng như không cho chúng ăn thức ăn sống chưa qua chế biến kỹ.
3.5. Thói quen sinh hoạt lành mạnh
Đồng thời, bạn đừng quên xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh bằng các thói quen tốt. Điều này có thể cụ thể hóa qua việc thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tránh xa thuốc lá và rượu bia. Song song với đó, không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, lược, lưỡi dao cạo, ly uống nước và các dụng cụ ăn uống,… với người khác.
3.6. Đảm bảo quan hệ tình dục an toàn
Đây là cách giúp bạn phòng ngừa những căn bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV,… Vì thế, nên hạn chế quan hệ với nhiều bạn tình, khi quan hệ tình dục cần “trang bị” bao cao su,…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị