Ninh Bình: Hạ tầng phát triển – Du lịch “cất cánh”
(Xây dựng) – Ninh Bình là một tỉnh nhỏ phía Nam của đồng bằng sông Hồng thế nhưng những năm qua đã trở thành địa danh, điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Để có được thành quả như ngày hôm nay, ngành Du lịch Ninh Bình luôn luôn chú trọng đến cơ sở hạ tầng để du lịch “cất cánh”.
Quần thể Danh thắng Tràng An với dãy núi đá vôi hùng vĩ nhìn từ trên cao. |
Những năm qua, Ninh Bình đã quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho hoạt động đầu tư, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ du lịch. Đầu tư, cải tạo, xây dựng, hoàn thiện mạng lưới giao thông, hình thành nên hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối các khu, điểm du lịch trong tỉnh và giữa Ninh Bình với các trung tâm du lịch lớn của cả nước. Nhiều công trình giao thông có quy mô lớn, mang tính đột phá đã được đầu tư, phát huy hiệu quả cao, tạo diện mạo mới cho quê hương.
Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, nhiều dự án, công trình du lịch với số vốn hàng ngàn tỷ đồng được tỉnh đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Tràng An; Dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; Dự án xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế…
Ninh Bình đã quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển các khu du lịch quốc gia, các điểm du lịch một cách đồng bộ, có chất lượng cao với các sản phẩm du lịch đa dạng mang thương hiệu Ninh Bình – Tràng An như : Khu du lịch sinh thái Tràng An và khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình; các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng (Cúc Phương – hồ Đồng Chương, Vân Long, hồ Yên Thắng – Đồng Thái…) để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, môi trường du lịch thân thiện giúp lượng khách đến Ninh Bình tăng nhanh qua từng năm. |
Hiện, Ninh Bình có gần 20 khu, điểm du lịch hấp dẫn, quy mô quốc gia và quốc tế, tiêu biểu như khu du lịch sinh thái Tràng An, khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính,… đặc biệt năm 2014 Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á đã tạo nên động lực, diện mạo mới cho du lịch Ninh Bình.
Nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, những năm qua Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho hàng trăm dự án, với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng.
Với hạ tầng du lịch hiện nay, Ninh Bình cơ bản phục vụ khả năng nhu cầu của khách du lịch. Nhiều sự kiện lớn của quốc gia, quốc tế đã được tổ chức thành công tại Ninh Bình như: Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững năm 2013, Đại lễ Phật Đản liên hợp quốc năm 2014, Lễ đón bằng vinh danh Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2015, năm 2021 tổ chức Năm du lịch Quốc gia “Hoa Lư – Cố đô ngàn năm”…
Trong thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Ninh Bình thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để linh hoạt phòng chống dịch và phát triển du lịch. Ban quản lý các khu, điểm du lịch triển khai biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tập trung đầu tư tu bổ, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và chuẩn bị nhân lực phục vụ tốt khách du lịch, đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch Covid-19; khảo sát, nghiên cứu sản phẩm mới và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh sau khi mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới; tham gia các hội chợ, hội thảo du lịch quốc tế tổ chức tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch Ninh Bình; tổ chức các hội nghị, ký kết hợp tác về phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước…
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, năm 2016, toàn tỉnh đón 6,44 triệu lượt khách, khách quốc tế là 715.603 lượt, doanh thu đạt 1.765 tỷ; năm 2017 đón 7,05 triệu lượt, khách quốc tế 859.000 lượt, doanh thu đạt 2.524 tỷ; năm 2018 đón 7,4 triệu lượt, khách quốc tế 876.000 lượt, doanh thu 3.200 tỷ; năm 2019 đón 7,65 triệu lượt, khách quốc tế 910.000 lượt, doanh thu 3.671 tỷ.
Giai đoạn 2020 – 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên ngành Du lịch bị ảnh hưởng, tuy nhiên ngay khi dịch được kiểm soát, nền kinh tế trong nước nhanh chóng phục hồi đã thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ. Riêng trong những ngày nghỉ đầu Tết Quý Mão 2023, lượng du khách đã tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Di sản Tràng An nói riêng và Ninh Bình nói chung giờ đây đã là “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch thế giới. |
Từ một vùng lau sậy mọc lút người, hang cùng ngõ hẻm, chim kêu vượn hú không một bóng người ở trong vùng núi đá vôi Tràng An, vùng đất cằn cỗi đến cây lúa còn khó mà mọc. Thế nhưng, đến bây giờ, Quần thể Danh thắng Tràng An nói riêng và Ninh Bình nói chung luôn luôn lọt top những điểm đến hấp dẫn được du khách khắp thế giới bình chọn như: Top 5 điểm đến có vẻ đẹp “hoang sơ như viên ngọc quý” ở Đông Nam Á; top 10 địa điểm có bối cảnh phim đẹp nhất Châu Á; top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; top 15 kỳ quan đáng đến nhất thế giới…
Di sản Tràng An nói riêng và Ninh Bình nói chung giờ đây đã là “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch thế giới, góp phần thúc đẩy rất nhiều ngành nghề khác phát triển như lưu trú, nhà hàng, các điểm, khu du lịch nhỏ lẻ phát triển theo, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng dần được phục dựng… đã giải quyết hàng chục nghìn lao động tại địa phương và mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân.
Nguồn: Báo xây dựng