Tại sao trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lại gây thương vong lớn ?
Tại sao trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lại gây thương vong lớn ?
Theo dõi MTĐT trên
Theo giới khoa học, nguyên nhân trận động đất hôm 6/2 gây thương vong lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đến từ cả yếu tố tự nhiên lẫn con người.
Theo cập nhất mới nhất của kênh CNN đã có hơn 3800 người thiệt mạng, 14000 người bị thương trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria và con số thương vong dự kiến sẽ tăng lên khi các dư chấn dội lại suốt cả ngày. Các nhà địa chấn học tin rằng, trận động đất nàycó thể là một trong những thảm hoả chết chóc nhất thế giới trong thập kỷ này.
Các nhà khoa học chỉ ra cường độ, độ sâu và vị trí, thời điểm góp phần gây ra sự tàn khốc của trận động đất lần này. Bên cạnh đó, sự thiếu chuẩn bị của chính quyền và người dân cũng khiến họ phần nào không kịp trở tay.
Nguyên nhân khách quan và chủ quan
Đầu tiên, đây là trận động đất lớn, có cường độ lên tới 7,8 độ. Chấn tiêu của vụ động đất cũng khá nông (chỉ khoảng 18 km), gây ra thiệt hại lớn với các tòa nhà trên mặt đất.
Giáo sư Joanna Faure Walker, chuyên gia về giảm thiểu thiệt hại do thảm họa tại trường University College London (UCL), chỉ ra: “Nếu xét đến các trận động đất chết chóc nhất năm trong 10 năm trở lại đây, chỉ có hai năm trận động đất đó có cường độ tương tự”.
Trong khi đó, trên tài khoản Twitter cá nhân, tiến sĩ Susan Hough, chuyên gia địa chấn học của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), cho rằng yếu tố độ sâu và vị trí của trận động đất có thể giải thích tốt hơn cho thiệt hại mà Thổ Nhĩ Kỳ và Syria phải chịu đựng.
Bà Hough viết: “Thế giới đã thấy nhiều trận động đất có cường độ mạnh hơn trong 10-20 năm qua. Nhưng các trận động đất xấp xỉ 8 độ ít xảy ra ở các khu vực đứt gãy ngang nông. Do gần các trung tâm dân cư, động đất có thể đặc biệt nguy hiểm”.
Dù vậy, cường độ hay vị trí của động đất không phải nguyên nhân duy nhất. Con số tử vong lớn còn đến từ việc trận động đất xảy ra vào đầu giờ sáng, khi mọi người đang ngủ trong nhà.
Bên cạnh đó, sự thiếu kiên cố của cơ sở hạ tầng địa phương cũng là một nhân tố cần tính đến. Theo Roger Musson, tác giả của cuốn sách “Triệu trận động đất”: “Nhà cửa ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng không được xây dựng phù hợp với một khu vực dễ bị động đất lớn”.
Martin Mai, giáo sư địa vật lý tại Trường ĐH King Abdullah (Ả Rập Saudi), nhận định tương tự: “Các tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ thường xây bằng gạch, không có cốt thép. Khung bê tông cũng thiếu tính linh hoạt và khó chống chọi với rung lắc mạnh”.
Một số nhân chứng cho biết những tòa nhà được xây dựng theo quy chuẩn chống động đất vẫn đứng vững, trong khi nhiều căn nhà xung quanh sụp đổ, thậm chí bốc cháy.
Tiến sĩ Carmen Solana, chuyên gia tại Đại học Portsmouth, Anh, nói: “Điều không may mắn là các công trình chống động đất chỉ xuất hiện rải rác ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ – và đặc biệt là Syria. Do đó, việc cứu nạn chủ yếu dựa vào khả năng ứng phó. 24 giờ sắp tới là quãng thời gian quyết định để tìm kiếm những người sống sót. Sau 48 giờ, số người sống sót sẽ giảm nhanh chóng”.
Khu vực xảy ra thảm họa cũng chưa từng gặp phải trận động đất lớn nào trong hơn 200 năm. Các nhà khoa học cũng không nhận thấy chỉ dấu nào về khả năng xảy ra trận động đất lần này. Do đó, cả chính quyền lẫn người dân đều bị bất ngờ khi thảm họa ập đến.
Tại sao trận động đất lại xảy ra ở đây ?
Vỏ Trái Đất được tạo nên bởi nhiều mảng kiến tạo riêng biệt, Trong quá trình dịch chuyển, các mảng kiến tạo va vào nhau, giải phóng năng lượng dưới dạng sóng. Trong vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, mảng Arab khi di chuyển về hướng bắc đã va chạm với mảng Anatolia, gây ra thảm họa.
Đây không phải lần đầu động đất xảy ra khi hai mảng này va chạm. Tháng 8/1822, một vụ động đất 7,4 độ đã được ghi nhận, gây ra thiệt hại lớn cho cư dân khu vực. Chỉ riêng thành phố Aleppo khi đó ghi nhận 7.000 ca tử vong. Các cơn dư chấn vẫn còn xảy đến trong gần một năm sau đó.
Các nhà khoa học cũng đã ghi nhận nhiều cơn dư chấn sau trận động đất ngày 6/2. Họ dự đoán chúng sẽ còn tiếp tục xảy đến, giống như hai thế kỷ trước.
Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên mảng kiến tạo Anatolia. Bên cạnh đứt gãy Đông Anatolia ở Đông Nam đất nước – nơi xảy ra trận động đất vừa qua – Thổ Nhĩ Kỳ còn bị đứt gãy Bắc Anatolia cắt qua từ tây sang đông, biến quốc gia này trở thành một trong những “điểm nóng” động đất.
Tháng 12/1939, trận động đất chết chóc nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại xảy ra tại miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ. Tâm chấn nằm trên đứt gãy Bắc Anatolia, đoạn cắt qua tỉnh Erzincan. Cũng với cường độ 7,8 độ, thảm họa thiên nhiên này đã khiến hơn 30.000 người thiệt mạng và khoảng 100.000 người bị thương.
Trong những năm qua, quốc gia Tây Á này cũng đã phải đối mặt với hàng loạt trận động đất lớn. Tháng 10/2011, một vụ động đất 7,2 độ tại tỉnh Van, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ khiến ít nhất 138 người thiệt mạng và 350 người bị thương. Chỉ 7 tháng trước đó, một trận động đất khác cũng khiến 51 người tử vong.
Tháng 8/1999, thành phố Izmir, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu trận động đất 7,4 độ. Hơn 17.000 người đã thiệt mạng trong vụ việc, New York Times cho biết.
Dư chấn đáng kể so với các trận động đất trước đây
Mặc dù khu vực này có nhiều trận động đất hàng năm do chuyển động liên tục của các mảng kiến tạo, trận động đất mới nhất đặc biệt lớn và có sức tàn phá do giải phóng quá nhiều áp lực. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) tuyên bố, kể từ năm 1970, chỉ có ba trận động đất lớn hơn 6 độ richter xảy ra trong phạm vi 250 km tính từ địa điểm này. Ở cường độ 7,8 độ, trận động đất ngày 6/2 lớn hơn đáng kể so với những trận mà khu vực từng trải qua trước đây, giải phóng hơn hai lần năng lượng so với các trận động đất lớn nhất được ghi nhận.
Khi các nhà địa chấn học hiện đại sử dụng thang đo độ lớn theo thời điểm, đại diện cho lượng năng lượng được giải phóng bởi một trận động đất, mỗi bước tăng lên thể hiện năng lượng được giải phóng nhiều hơn 32 lần. Điều đó có nghĩa là một trận động đất mạnh 7,8 độ richter thực sự giải phóng năng lượng gấp khoảng 6.000 lần so với các trận động đất 5 độ richter.
Rung lắc mạnh dữ dội (đủ để gây ra thiệt hại đáng kể về tài sản) đã được cảm nhận ở khu vực ước tính có 610.000 người sống, cách xa 80 km về phía đông bắc ranh giới mảng kiến tạo. Trong khi đó rung lắc nhẹ được cảm nhận ở tận thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ (cách khoảng 815 km), cũng như Baghdad ở Iraq (800 km) và Cairo ở Ai Cập (950 km).
Trong 12 giờ đầu tiên sau trận động đất ban đầu ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã có ba trận động đất khác trên 6 độ richter xảy ra. Trận đầu tiên là 6,7 độ xảy ra chỉ 11 phút và đã có hàng trăm cơn dư chấn có cường độ nhỏ hơn khác nối tiếp.
Vào cuối buổi sáng 6/2, một trận cường độ rất lớn khác, 7,5 độ richter xảy ra xa hơn về phía bắc trên hệ thống đứt gãy liền kề: đứt gãy Sürgü. Về mặt kỹ thuật, trận động đất này đủ mạnh để được coi là một trận động đất riêng, dù nó có thể đã được kích hoạt bởi trận động đất đầu tiên và sẽ tạo ra một loạt dư chấn riêng.
Mặc dù các dư chấn thường nhỏ hơn đáng kể so với chấn động chính, nhưng chúng có thể gây ra những hậu quả tàn khốc không kém, làm hư hại thêm cơ sở hạ tầng và cản trở các nỗ lực cứu hộ.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị