Thành phố Lạng Sơn: Sẵn sàng cho lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ

(Xây dựng) – Lễ hội truyền thống giữa hai đền Kỳ Cùng – Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn) diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng âm lịch hàng năm). Hiện công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất, đây là sự kiện văn hóa ý nghĩa nhất đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Thành phố Lạng Sơn: Sẵn sàng cho lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
Đoàn rước đi qua các phố từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ.

Đền Tả Phủ, tên chữ là Tả Phủ Linh Từ (nghĩa là ngôi đền thiêng thờ Tả Đô Đốc Hán Quận công/Phủ của quan Tả Đô đốc), tọa lạc ở trung tâm phố chợ Kỳ Lừa, nay thuộc phường Hoàng Thụ, thành phố Lạng Sơn. Theo các văn bia, tài liệu cổ còn lưu lại đến nay, đền Tả Phủ được nhân dân 7 phường của Lạng Sơn và khách buôn 13 tỉnh Trung Quốc xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 4 (1683) để tri ân, tưởng nhớ phụng thờ Tả Đô Đốc Hán Quận công Thân Công Tài trong việc mở mang, thành lập phố phường, xây dựng cuộc sống thị dân, giao lưu buôn bán, xây dựng Lạng Sơn trở thành vùng đất trù phú.

Thân Công Tài (1620 – 1683) tự là Phúc Liêm, người xã Như Thiết, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ông là một võ quan dưới thời vua Lê – chúa Trịnh, một nhân vật lịch sử, có công lao to lớn với nhân dân các dân tộc xứ Lạng nói riêng và cũng là một danh nhân lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc.

Năm 1667, lúc 48 tuổi, ông được giao giữ chức Cai Quản, kiêm Trị Thị Nội Thư, được phong tước Hán Quận công, giúp việc cho Quận Công Vi Đức Thắng trấn giữ Bắc Đạo, cai quản miền biên ải Lạng Sơn. Đầu năm 1672, lại được thăng làm Đô Đốc đạo Kinh Bắc (bao gồm 3 xứ: Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn), cai quản mọi lĩnh vực ở vùng đất rộng lớn phía đông bắc Tổ quốc. Cũng thời gian đó, ông còn được đặc trách kiêm giữ chức trấn thủ Lạng Sơn.

Thành phố Lạng Sơn: Sẵn sàng cho lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ thể hiện sự tri ân của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn đối với các vị tiền nhân có công lớn trong việc bảo vệ bờ cõi đất nước.

Trong những năm làm quan ở Lạng Sơn, ngoài việc chăm lo phòng thủ Đoàn Thành, ra sức thiết lập trật tự xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, khôn khéo thực hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo, thân thiết với các tỉnh biên giới của Trung Quốc và chăm lo giữ gìn biên ải. Hán Quân Công còn để tâm mở mang đường sá, phố, chợ, giúp dân làm ăn sinh sống dễ chịu hơn.

Nhận thấy tầm quan trọng cũng như vị trí thuận lợi trong việc mở mang thương trường, giao lưu buôn bán giữa Lạng Sơn và Trung Quốc, ông đã đề xướng và cho san đồi, bạt đất, khởi công xây dựng khu đất ven bờ sông Kỳ Cùng thành 7 con đường, rồi lập thành 7 phường cho cư dân hai nước Việt – Trung giao lưu buôn bán. Đồng thời, ông đã cùng Vũ Quận công Vi Đức Thắng mở ra phố chợ Kỳ Lừa, nhanh chóng phát triển khu vực này trở thành một trung tâm buôn bán phồn thịnh, giúp cho dân chúng trao đổi hàng hóa, thông thương xuôi ngược và qua lại biên giới…

Trải qua hơn 300 năm xây dựng, hình thành, phát triển và tồn tại cho đến ngày nay ngoài ý nghĩa lịch sử về lưu niệm danh nhân Thân Công Tài, nơi đây còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Lòng ngưỡng mộ và biết ơn Thân Công Tài của nhân dân Lạng Sơn không chỉ dừng ở việc lập đền, tạo dựng văn bia thờ phụng ông ở di tích đền Tả Phủ, mà nó còn thể hiện đậm nét ở lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm ở di tích, phố chợ Kỳ Lừa qua các nghi lễ thờ cúng, hội hè, tập tục mang đậm nét văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.

Mặc dù di tích đền Kỳ Cùng và đền Tả Phủ có niên đại khởi dựng khác nhau, đối tượng thờ tự khác nhau nhưng từ xưa đến nay lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ luôn có sự gắn bó, liên kết mật thiết về thời điểm diễn ra lễ hội từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng (âm lịch)… Mối liên hệ này xuất phát từ truyền thuyết về nỗi oan khuất của Quan lớn Tuần Tranh được Hán Quận Công Thân Công Tài chứng minh, hóa giải, minh oan.

Theo truyền thuyết, ông Tuần Tranh là một quan tướng nhà Trần được nhậm chức Tuần ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, sau đó triều đình nhà Trần cử lên trấn thủ Lạng Sơn, trong thời gian ở tại Lạng Sơn, ông chỉ huy đánh giặc, do quân lính của ông ốm đau nhiều, lực lượng yếu mỏng, thiệt mạng rất nhiều nên đã bị thua. Nhân dịp này, một số gian thần dâng sớ vu oan cho ông tội dâm ô, tư thông với giặc phản quốc cầu vinh. Đức vua nghe lời nịnh thần, ban án tử hình ông. Chính vì nỗi oan này và để giữ thanh danh cho mình ông đã nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự tử để chứng minh sự trong sạch…

Thành phố Lạng Sơn: Sẵn sàng cho lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
Hàng nghìn người vây xung quanh với đội mua rồng, múa sư tử.

Về sau, nỗi oan khuất của ông được một vị tướng nhà Lê là Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài (được thờ tại đền Tả Phủ) dày công tìm hiểu, đứng ra chứng minh, hóa giải, minh oan. Cảm kích trước công ơn và tấm lòng nghĩa hiệp của Hán quận công Thân Công Tài cho nên trong lễ hội truyền thống của đền khi xưa (lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ ngày nay) người dân địa phương đã rước kiệu đón và đưa bát hương Quan lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ dự lễ hội, thăm hỏi, tạ ơn Hán Quận Công Thân Công Tài.

Điều này không chỉ giải thích cho mối liên hệ mật thiết của lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ mà còn thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tôn kính, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, những người có công với dân, với nước…

Thành phố Lạng Sơn: Sẵn sàng cho lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
Nghi lễ xin bát hương quan lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ.

Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2015. Để gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng tại Lễ hội, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2124/QĐ-UBND, ngày 28/10/2021 phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Cũng từ năm 2017 đến nay, UBND thành phố phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian diễn ra lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ mà điểm nhấn chính là Hội thi Hương sắc ẩm thực Xứ Lạng với các hoạt động thi quay lợn, quay vịt, các trò chơi dân gian, hát then, sli… thu hút được đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết, để chuẩn bị cho lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ đến nay, Phòng đã tham mưu thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách thập phương, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Đồng thời, lên phương án đảm bảo an ninh trật tự, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… để các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn theo đúng kế hoạch.

Qua Lễ hội, các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn nói chung và thành phố Lạng Sơn nói riêng mong muốn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của lễ hội trong đời sống cộng đồng, xem đây là hoạt động tiêu biểu, là ngày hội sinh hoạt văn hóa, là điểm khởi đầu cho một năm với những thắng lợi mới, mọi người mọi nhà đều may mắn, hạnh phúc.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích