Vì sao WHO vẫn giữ mức ‘khẩn cấp toàn cầu’ với Covid-19?

Vì sao WHO vẫn giữ mức ‘khẩn cấp toàn cầu’ với Covid-19?

Bảo My –  Thứ hai, 06/02/2023 16:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều ý kiến băn khoăn tại sao WHO quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất với COVID-19 dù tình hình gần như trở lại bình thường.

Nhiều quốc gia lơ là COVID-19

Trong cuộc họp định kỳ ba tháng một lần vào cuối tháng 1, Ủy ban khẩn cấp của WHO về COVID-19 xác định COVID-19 vẫn là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây lo ngại quốc tế” (PHEIC).

Ngày 30-1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ra tuyên bố đồng ý COVID-19 vẫn là PHEIC. Ông cũng thừa nhận quan điểm của ủy ban rằng đại dịch COVID-19 có thể đang ở điểm chuyển tiếp, nên thận trọng trong giai đoạn hiện tại để tránh các hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.

Về lý thuyết, WHO không có quyền và nghĩa vụ tuyên bố thời điểm bắt đầu hay kết thúc của một đại dịch. Điều này là do thuật ngữ “đại dịch” không nằm trong Điều lệ y tế quốc tế (IHR), khác với PHEIC. Tuy nhiên theo cách hiểu thông thường, PHEIC đang được hiểu tương đương với chữ “đại dịch”.

Theo WHO, khi thế giới đang ở một tình thế tốt hơn so với thời kỳ đỉnh điểm của đợt lây nhiễm Omicron một năm trước, nhưng có tới hơn 170.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã được báo cáo trên toàn cầu trong tám tuần qua.

Việc giám sát và giải trình tự gene đã giảm trên toàn cầu, khiến việc theo dõi các biến thể đã biết và phát hiện các biến thể mới trở nên khó khăn hơn.

Các quốc gia thành viên WHO đã giảm đáng kể việc báo cáo dữ liệu liên quan số ca nhiễm, nhập viện và tử vong dẫn tới việc các khuyến nghị không còn bắt kịp với thực tế.

Các hệ thống y tế hiện đang phải chật vật khi đối mặt với cùng lúc các bệnh nhân COVID-19, cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV).

Theo WHO, cúm và RSV bất ngờ quay trở lại sớm theo mùa ở một số vùng, tạo gánh nặng cho một số hệ thống y tế vốn đã quá tải.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Duy trì tình trạng khẩn cấp để các nước phải chú ý?

Tại cuộc họp này, Ủy ban khẩn cấp của WHO đã thảo luận liệu việc duy trì PHEIC có cần thiết để các nước để ý hơn với COVID-19 hay không, những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn có thể phát sinh nếu PHEIC bị chấm dứt và cách chuyển đổi một cách an toàn.

Ủy ban cho rằng đại dịch COVID-19 có thể đang đến gần “điểm cong”. Tuy nhiên, loại vi rút này vẫn là mầm bệnh lâu dài ở người và động vật trong tương lai gần. Như vậy, hành động y tế công cộng dài hạn là rất cần thiết.

Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý với đánh giá của WHO.

Ông Salim Abdool Karim, một nhà dịch tễ học cố vấn cho Chính phủ Nam Phi về COVID-19, cho biết: “WHO không thể nói rằng PHEIC đã kết thúc khi bạn có hàng triệu ca mắc và hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày”.

Việc cấp và dỡ bỏ PHEIC có ý nghĩa quan trọng trên phạm vi toàn cầu và quốc gia, vì nó kích hoạt các hành động, chuyển hướng các nguồn lực trên toàn thế giới. “Đây vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng rất quan trọng. Khoảng 1/4 thế giới vẫn chưa được tiêm chủng và điều đó có khả năng khiến rất nhiều người dễ bị tổn thương”, nhà dịch tễ học Mark Woolhouse, Đại học Edinburgh (Anh), nhận định.

Lo ngại “bất bình đẳng” trong tiếp cận dịch vụ y tế

Theo đài CNN, với việc tuyên bố một dịch bệnh là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, WHO tạo ra ràng buộc về mặt pháp lý giữa các quốc gia thành viên, cho phép tổ chức đưa ra các khuyến nghị tới các nước thành viên. Thế nên, nếu tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc lo ngại rằng các quốc gia sẽ không tiếp tục tập trung vào COVID-19 cũng như tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.

Các chuyên gia y tế của WHO quan ngại rằng khi tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu được dỡ bỏ, chính phủ các nước có thể ngừng cung cấp miễn phí vaccine và các công cụ y tế cho người dân. Điều này sẽ khiến các nước có thu nhập thấp và trung bình không thể có đủ các công cụ y tế để phản ứng với dịch COVID-19, còn với những nước có sẵn các công cụ này thì khả năng tiếp cận y tế cũng khác nhau với những nhóm người có thu nhập khác nhau. Ngoài ra, các chuyên gia cũng lo lắng về mức độ ảnh hưởng của việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đến việc phát triển và cấp phép vaccine giữa các quốc gia.

“Phản ứng toàn cầu vẫn còn lúng túng. Ở nhiều quốc gia, những công cụ y tế vẫn chưa đến được với người dân cần chúng nhất, đặc biệt là người già và nhân viên y tế” – ông Tedros nêu thực tế.

Thế nên, theo Ủy ban Cố vấn của WHO, nếu muốn trình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ phải cần có sự cam kết giữa WHO, các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế để “xây dựng và thực hiện các kế hoạch phòng ngừa, giám sát và kiểm soát lâu dài, bền vững và có hệ thống”./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích