Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới
Cổng thông tin điện tử Quốc hội vừa đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Bản dạng giới, do Đại biểu Quốc hội, Giáo sư, Tiến sĩ y khoa Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đề nghị xây dựng.
Trong Tờ trình, đại biểu viện dẫn các căn cứ chính trị, pháp lý, cho biết mong muốn xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm và thực thi quyền con người, quyền công dân, bao gồm quyền chuyển đổi giới tính trong bối cảnh hội nhập ngày càng cao. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật có liên quan đến quyền con người nói chung, quyền chuyển đổi giới tính nói riêng.
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy cộng đồng LGBT chiếm tỷ lệ từ 3 đến 7% dân số thế giới, trong đó tỷ lệ người chuyển giới (đã phẫu thuật hay sử dụng hoóc-môn) chiếm từ 0,3% đến 0,5% dân số. Hiện nay, 72 quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu trong một phiên thảo luận tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. |
Tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới; chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về tỷ lệ người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn.
Nếu sử dụng con số trung bình thấp là 0,3% thì Việt Nam ước đoán có khoảng gần 300.000 người chuyển giới (tính đến ngày 25/11/2021, dân số Việt Nam là 98.485.682 người), lấy con số trung bình là 0,5% thì Việt Nam có khoảng 500.000 người chuyển giới…
Tờ trình đề nghị xây dựng Luật cũng giải thích bản dạng giới là một cảm nhận tự thân của cá thể về giới tính của mình mà chỉ tự họ nhận ra trong quá trình sống, không phụ thuộc vào giới tính bên ngoài khi mới sinh ra của họ. Nhận thức giới tính của một người không nhất thiết dựa trên giới tính sinh học, hoặc giới tính được người khác cảm nhận và cũng không phải là thiên hướng tình dục.
Bản dạng giới có thể là nữ hoặc nam hoặc không phải nam không phải nữ. Người chuyển giới là người có bản dạng giới không trùng với giới tính sinh học khi sinh ra. Nhiều người chuyển giới có nhu cầu được công nhận bản dạng giới khác với giới tính khi sinh bằng các thủ tục pháp lý hoặc hành chính, một số người còn có thêm nhu cầu chuyển đổi giới tính bằng cách thay đổi cơ thể thông qua can thiệp y tế…
Về phạm vi, Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người đề nghị công nhận bản dạng giới; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người đề nghị xác nhận lại bản dạng giới; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân thực hiện xác định tâm lý, can thiệp y học để thay đổi hình thể đúng với giới tính đã được công nhận.
Luật điều chỉnh đối với cá nhân có yêu cầu xác nhận bản dạng giới, chuyển đổi giới tính, người chuyển đổi giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển đổi giới tính.
Về nội dung cụ thể, đại biểu đề xuất 3 chính sách, gồm: Công nhận quyền tự xác định giới tính của công dân; Thủ tục công nhận bản dạng giới theo yêu cầu của công dân; Lựa chọn thay đổi cơ thể đúng với giới tính đã được công nhận.
Tờ trình cũng nêu rõ, về cơ bản các nội dung trong Dự thảo Luật Bản dạng giới không làm phát sinh thêm tổ chức, bộ máy để bảo đảm việc thi hành Luật sau khi được thông qua, bởi vì nguồn nhân lực thực hiện kỹ thuật chuyển đổi giới tính (nếu có) của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã sẵn có hoặc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bố trí kinh phí đào tạo, tập huấn cho đội ngũ bác sĩ của cơ sở mình…
Dự kiến, đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (tháng 3/2023).
Nguồn: Báo lao động thủ đô