Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/2/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/2/2023

MTĐT –  Thứ hai, 06/02/2023 16:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/2/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/2/2023.

Điện Biên thiệt hại nặng nề do mưa đá xuất hiện chỉ trong 10 phút

Theo thống kê của TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên trận mưa đá kèm dông lốc tối 4/2 và kéo dài trong khoảng 10 phút đã làm sập và tốc mái nhà của 20 hộ dân xã Thanh Minh, các phường Thanh Bình, Him Lam, Mường Thanh và Nam Thanh…

Dông lốc cũng khiến hơn 80 cây xanh đô thị bị gẫy, đổ; màn hình LED đặt tại Quảng trường 7/5 bị gãy đổ; nhiều pano, biển báo, biển quảng cáo trên các tuyến phố và nhà dân cũng bị hư hỏng… Tổng thiệt hại ban đầu ước tính hơn 4 tỉ đồng.

tm-img-alt
Trận mưa đá ở TP Điện Biên Phủ chỉ kéo dài trong khoảng 10 phút. Song lượng đá rất dày, nhiều hạt to có đường kính bình quân từ 1 – 2cm. Cá biệt, một số viên ghi nhận 3cm.

Ngay sau khi xảy ra mưa đá, dông lốc, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chuyên môn khẩn trương kiểm tra, rà soát, sửa chữa, khắc phục hậu quả, đặc biệt là sự cố liên quan đường điện.

Cụ thể, TP Điện Biên Phủ đã chỉ đạo các xã, phường phối hợp với các gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai. Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở, tập trung hỗ trợ di dời tài sản ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Các tuyến đường có cây xanh gẫy đổ đã được xử lý ngay trong đêm 4/2 để đảm bảo lưu thông. Các đường điện bị hư hỏng thiết bị đã được ngành điện sửa chữa, cấp điện trở lại cho hơn 4.000 khách hàng sử dụng điện.

Hưng Yên ban hành Đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn

Theo đó, Đề án đưa ra mục tiêu chung là giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên, tạo cảnh quan môi trường sống xanh – sạch – đẹp, bảo vệ sức khỏe của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững và xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu. Cải thiện chất lượng nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải, các sông, kênh, mương, ao, hồ trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu về cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân.

tm-img-alt
Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt. Ảnh minh họa.

Về mục tiêu cụ thể, đề án nêu rõ: Đến năm 2030 phấn đấu có 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; đến năm 2045 có 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, trong đó 30% nước thải sinh hoạt được xử lý.

Theo đề án của UBND tỉnh Hưng Yên, việc quản lý, xử lý nước thải phát sinh từ khu dân cư nông thôn nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng nước mặt phục vụ việc lấy nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Thu gom, xử lý nước thải là trách nhiệm của toàn xã hội; nguồn lực đầu tư xây lắp, vận hành công trình xử lý nước thải dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, theo đó các tổ chức, cá nhân phát sinh nước thải phải có trách nhiệm đầu tư xây lắp, vận hành công trình xử lý nước thải; có trách nhiệm chi trả kinh phí, khắc phục, bồi thường thiệt hại nếu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường theo quy định của pháp luật; nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước; Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực cho công tác thu gom, xử lý nước thải.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Kon Tum triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán năm 2023

Theo đó, để chủ động triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, mùa khô năm 2023, đảm bảo nguồn nước, nâng cao hiệu quả tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh và các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2022 – 2023 phù hợp với thực trạng nguồn nước.

Trong đó, cần lưu ý các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước trong mùa khô; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá nguồn nước tại các công trình thủy lợi, có kế hoạch phân phối nước hợp lý ngay từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu thiết yếu (Sinh hoạt, chăn nuôi…) và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn…

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Chủ động điều tiết nước cho các công trình trên cùng một hệ thống cụ thể: (i) Huyện Sa Thầy: Hệ thống công trình hồ chứa Đăk Sia 1, đập Đăk Sia 2, đập Đăk Car; (ii) Thành phố Kon Tum: Hệ thống công trình hồ chứa Đăk Yên, đập Đăk Tía, hồ chứa Tân Điền và Trạm Bơm Vinh Quang, Trạm bơm chuyền Tân Điền; Hệ thống hồ chứa Đăk Loy, hồ chứa Đăk Phát 1, đập Đăk Phát 2; (ii) Huyện Đăk Hà: Hệ thống công trình hồ chứa Đăk Uy, hồ chứa Cà Sâm, đập Đăk Căm, đập Ông Phiêu và hệ thống công trình hồ chứa Đăk Loh, đập Kon Trang Kla, đập Bà Tri, đập Cà Ha; (iii) Huyện Đăk Tô: Hệ thống tưới tiêu công trình hồ chứa Hố Chè, hồ chứa C19, đập Tà Cang; (iv) Huyện Ngọc Hồi: Hệ thống tưới tiêu công trình hồ chứa Đăk Kan, đập Đăk Long.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Trong trường hợp hạn hán gây ra thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số khu vực, chính quyền địa phương cần có giải pháp cấp nước sinh hoạt hỗ trợ cho Nhân dân bằng biện pháp chở nước sinh hoạt từ các nơi khác đến; xây dựng cụ thể kế hoạch chống hạn và phương án cấp nước cho sản xuất, dân sinh trên địa bàn do đơn vị quản lý; chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách của đơn vị, địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; phòng, chống hạn hán, thiếu nước hiệu quả. 

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Thái Lan lắp máy lọc không khí tại thủ đô Bangkok để giảm bụi mịn

Vừa qua, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã lắp đặt 13 máy lọc không khí PM2.5 xung quanh thủ đô Bangkok để giảm ô nhiễm bụi mịn trong không khí xuống mức an toàn.

Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã khuyến cáo người dân về việc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và cân nhắc làm việc tại nhà trong hai ngày 2 – 3/2.

PM2.5 là các hạt trong không khí có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già và người mắc bệnh phổi mãn tính. PM2.5 có liên quan đến bệnh tim và phổi cũng như ung thư.

tm-img-alt
Bụi bao phủ Bangkok vào sáng. (Ảnh: Bangkok Post)

Thái Lan đã đưa ra quy định về mức độ an toàn đối với PM2.5 là 50 microgam/1 m3 không khí (μg/m3).

Hải quân Hoàng gia Thái Lan cho biết các máy lọc không khí này được chế tạo tại Cục Xưởng đóng tàu Hải quân dựa trên nguyên mẫu do Quỹ Rajaprajanugroh phát triển và được đặt ở 13 khu vực của thủ đô có mức độ ô nhiễm không khí cao trong vài ngày qua. Mỗi máy có thể lọc được 5m3 không khí mỗi giây.

Các kết quả thực nghiệm phòng thí nghiệm cho thấy mỗi máy có thể hạ mức PM2.5 trong 144m3 khí xuống dưới mức an toàn là 50 μg/m3 trong vòng 30 phút.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Nigeria: 14.000 người đòi Shell bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường

Gần 14.000 người từ 2 cộng đồng dân cư Ogale và Bille tại Nigeria đã gửi yêu cầu bồi thường đối với tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell của Anh với các cáo buộc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng nguồn nước và hủy hoại môi trường sống.

Tới ngày 2/2/2023, công ty luật Leigh Day của Vương quốc Anh cho biết 11.317 người và 17 tổ chức, bao gồm nhà thờ và trường học từ cộng đồng dân cư Ogale ở đồng bằng Niger tại Nigeria tiếp tục nộp đơn yêu cầu Shell bồi thường thiệt hại về kinh tế do các sự cố tràn dầu. Vì vậy cùng với các yêu cầu bồi thường từ cộng đồng dân cư Bille năm 2015 trước đó, tổng số người dân Nigeria yêu cầu Shell bồi thường đã lên tới con số 13.652 người.

tm-img-alt
Tổ chức Amnesty International gọi vùng đồng bằng sông Niger tại Nigeria là “một trong những nơi ô nhiễm nhất trên trái đất”. Ảnh: Reuters.

Theo Guardian trích dẫn các thông tin được công bố, các sự cố tràn dầu trong nhiều thập kỷ tại Ogale đã khiến nguồn nước tại khu vực này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng trong khi khiến cá chết hàng loạt và hủy hoại đất nông nghiệp. Hầu hết nước chảy ra từ các vòi hoặc giếng khoan ở Ogale đều có mùi hôi nồng nặc của dầu và có màu nâu hoặc được bao phủ bởi một lớp dầu bóng.

Một báo cáo của Đại học St Gallen ở Thụy Sĩ cho thấy có khoảng 11.000 ca chết yếu mỗi năm đồng bằng sông Niger. Mặt khác, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ sơ sinh ở khu vực này có nguy cơ tử vong trong tháng đầu tiên cao gấp đôi nếu người mẹ sống gần khu vực tràn dầu.

Trong khi đó tại Bille, sự cố tràn dầu từ các cơ sở hạ tầng của Shell đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các con sông xung quanh khu vực này. Nhiều người sống gần nguồn nước cho biết luôn ngửi thấy mùi dầu trong nhà của mình. Tình hình càng trở nên tồi tệ một khi thủy triều lên và nước có lẫn với dầu tràn vào tận nhà gây thiệt hại tài sản và của cải.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

T.Anh

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích