Trẻ tiêu chảy do virus Rota khi thời tiết lạnh, ẩm

Trẻ tiêu chảy do virus Rota khi thời tiết lạnh, ẩm

Bảo My –  Thứ hai, 06/02/2023 11:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời điểm mùa đông- xuân, trẻ rất dễ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus; cách nhận biết và phòng bệnh như thế nào?

Virus Rota là gì?

Virus Rota là loại virus thuộc họ Reoviridae, là nguyên nhân chính gây ra hầu hết các bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Chúng sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt rắn. Trẻ càng nhỏ càng có nguy cơ nhiễm bệnh, thường hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Người là ổ chứa virus Rota duy nhất. Virus Rota lây truyền qua đường miệng, qua nguồn nước, thực phẩm bị nhiễm bẩn; Ngoài ra có thể lây theo đường hô hấp.

Ở nước ta, bệnh tiêu chảy do virus Rota là một bệnh rất phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em. Ở miền Bắc, bệnh thường xảy ra vào mùa Thu – Đông kéo dài tới mùa Xuân (khi thời tiết mưa, lạnh, ẩm ướt). 

Đặc biệt, trong thời tiết lạnh, ẩm như hiện nay là điều kiện thuận lợi để bệnh dễ phát sinh, lây lan.

Theo đó, Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng, nhập viện thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ; tệnh thường gặp ở nhóm trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi. Tại Việt Nam, 55% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ do Rotavirus.

Bệnh tiêu chảy do Rotavirus thường có thời gian ủ bệnh từ 2- 3 ngày; khi mắc bệnh thường kéo dài từ 5- 7 ngày. Nguồn lây nhiễm bệnh là từ người bệnh sang người lành, virus lây truyền qua phân, qua các dịch tiết ở miệng của người bệnh phát tán ra bên ngoài.

Theo các bác sĩ, sở dĩ nhóm bệnh tiêu chảy ở trẻ gia tăng đột biến trong thời gian này là bởi việc tiếp xúc với nguồn bệnh ở trẻ tăng lên khi thức ăn hay nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn… Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa cũng làm gia tăng sự phát triển của vi khuẩn, cũng dễ khiến cho nguồn bệnh lây lan.

tm-img-alt
Chuyển mùa khiến virus Rota dễ lây lan, xâm nhập vào hệ tiêu hóa của bé.

Dấu hiệu trẻ nhiễm virus Rota

Sau khi bị lây nhiễm khoảng 1- 2 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sau, cha mẹ cần theo dõi để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời:

– Trẻ nôn ói: Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy.

– Trẻ tiêu chảy nhiều lần: Phân lỏng, có màu xanh hoặc màu trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần, thường kéo dài từ 3-9 ngày.

– Ho, sốt: Trẻ có thể ho, sốt, chảy nước mũi nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Bệnh thường kéo dài 3-7 ngày là khỏi.

– Trẻ mất nước: Do bị nôn và tiêu chảy nhiều, trẻ dễ bị mất nước với các biểu hiện như: Khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.. Nếu không được bù nước kịp thời có thể biến chứng trụy mạch và tử vong.

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do virus Rota thế nào?

Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, không có biến chứng, sau khi đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế, có thể để trẻ ở nhà và chăm sóc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Thể nhẹ thường tự khỏi sau 3-4 ngày. Cha mẹ lưu ý:

– Bù nước: Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, có thể cho trẻ uống Oresol theo hướng dẫn bác sĩ. Không nên cho trẻ uống coca, soda và các loại nước có gas vì khiến bệnh nặng hơn.

– Đảm bảo dinh dưỡng: Cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, cho bú bình thường, ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và chia thành nhiều bữa nhỏ. Nếu trẻ dùng sữa mà bị tiêu chảy nhiều thì nên dùng loại không có Lactose.

– Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ: Vì các thuốc này không có tác dụng diệt virus tiêu chảy, có thể làm giảm nhu động ruột làm liệt ruột khiến phân không thải ra ngoài.

Lưu ý: Nếu trẻ đi ngoài, nôn nhiều, mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, nằm li bì, có hiện tượng mất nước như mắt lõm, da nhăn nheo thì cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để được truyền dịch kịp thời, không tự ý truyền dịch tại nhà cho trẻ.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích