Bắc Giang: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hợp đồng cho tặng và hợp đồng chuyển nhượng tài sản
Bắc Giang: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hợp đồng cho tặng và hợp đồng chuyển nhượng tài sản
Theo các Điều từ 122 đến 131 Bộ luật dân sự 2015 thì mọi văn bản hợp đồng (đặc biệt là trong các giao dịch dân sự) đều phải được soạn thảo đảm bảo tính chính xác, đúng pháp luật cả về nội dung và hình thức của văn bản, nếu không nó sẽ bị coi là “vô hiệu”.
Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam có bài viết: “Hiệp Hòa- Bắc Giang: Tranh chấp nhà đất có dấu hiệu “bị ép buộc” và che dấu một giao dịch khác trái pháp luật từ hợp đồng chuyển nhượng”. Sau khi bài báo đăng tải, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục nhận được thông tin phản ánh về việc tại đây có dấu hiệu vi phạm trong văn bản hợp đồng cho tặng tài sản.
Được biết, ngày 23/5/2018, bố đẻ anh Nguyễn Văn Thông là ông Nguyễn Văn Mưu có làm thủ tục tặng cho Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, có xác nhận của chính quyền địa phương. Theo đó, bên cho tặng (gọi là bên A) gồm có ông Nguyễn Văn Mưu là bố đẻ và các đồng sử dụng là bà Trần Thị Chuẩn (mẹ đẻ ông Mưu), bà Ngọ Thị Hạnh (vợ ông Mưu), anh Nguyễn văn Thông (SN: 1981; địa chỉ tại: Thôn Sau, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang – là con đẻ của ông Nguyễn Văn Mưu), chị Mai Thị Dung (con dâu ông Mưu); Bên nhận cho tặng (gọi là bên B) là anh Nguyễn Văn Thông. Văn bản hợp đồng tặng cho đã được các bên (theo thành phần như trên) ký kết và có xác nhận của chính quyền địa phương (UBND xã) ký và đóng dấu.
Trao đổi nội dung này với Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Luật sư Bình cho biết: Theo quy định tại Điều 117; quy định tại các Điều từ 122 đến 131 Bộ luật dân sự 2015 thì mọi văn bản hợp đồng (đặc biệt là trong các giao dịch dân sự) đều phải được soạn thảo đảm bảo tính chính xác, đúng pháp luật cả về nội dung và hình thức của văn bản. Nếu không, nó sẽ bị coi là “vô hiệu” ngay từ thời điểm các bên ký kết văn bản đó.
Hơn nữa, căn cứ vào bản hợp đồng cho tặng tài sản nói trên cho thấy mấy vấn đề mâu thuẫn và có dấu hiệu vi phạm. Đó là, trong văn bản hợp đồng cho tặng tài sản nói trên thì anh Nguyễn Văn Thông vừa có tên trong thành phần của bên cho tặng, vừa có tên trong thành phần của bên nhận cho tặng. Hơn nữa, chị Mai Thị Dung (là con dâu) thì có phải là đồng chủ sở hữu tài sản không mà có tên trong thành phần của bên cho tặng tài sản. Ngoài ra, cũng cần phải xem xét lại vai trò sở hữu của các thành phần khác xem có đúng là đồng sở hữu tài sản không mà lại được ký kết trong thành phần bên cho tặng tài sản v.v…
Như vậy, đang có nhiều dấu hiệu bất thường và nghi vấn về mặt chủ thể và ý chí của các đồng chủ sở hữu trong giao dịch chuyển nhượng. Ở đây, việc ký kết văn bản hợp đồng cho tặng tài sản chưa đúng thành phần theo quy định của pháp luật và nếu có dấu hiệu bị cưỡng ép thì nó sẽ không đảm bảo tính pháp lý và có thể coi là vô hiệu theo các Điều 124, Điều 126 , Điều 127 và 128 Bộ luật Dân sự 2015 – Luật sư Nguyễn An Bình cho biết thêm.
Mặt khác, trao đổi với Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam về nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Cán bộ phòng đăng ký đất đai huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Mảnh đất đang xảy ra tranh chấp giữa anh Thông và anh Tuấn là mảnh đất mà anh Thông được gia đình cho tặng nên Phòng đăng ký đất đai huyện Hiệp Hòa căn cứ vào văn bản công chứng để làm thủ tục sang tên là đúng theo quy định của pháp luật. Chỉ có điều, cần phải xem xét quá trình làm thủ tục tặng cho và thực hiện việc công chứng chuyển nhượng có đúng các quy định của pháp luật hay không.
Qua đó, người dân ở đây cho rằng, Tòa án nhân dân huyện Hiệp Hòa nên xem xét kỹ các tình tiết nêu trên để đưa ra phán quyết chính xác, công tâm. Đồng thời cần phải ra quyết định hủy hợp đồng tặng cho tài sản nói trên vì nó trái với quy định của Pháp luật.
Rất mong cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang sớm vào cuộc để làm rõ những nội dung này, tránh để người dân phải chịu thiệt thòi, gây bức xúc trong dư luận.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị