Đức Long Gia Lai: Thua lỗ, khất nợ trái phiếu, vẫn cho công ty vốn 5 tỷ vay… 339 tỷ
(Xây dựng) – Công ty Đức Long Gia Lai dù thua lỗ, khả năng trả nợ yếu đến khất nợ trái phiếu 181 tỷ đồng nhưng vẫn cho công ty vốn điều lệ 5 tỷ đồng vay… 339 tỷ đồng.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai vẫn chưa bước qua khỏi suy thoái từ 15 năm trước. |
Thua lỗ, tài sản mất 1.169 tỷ, khất nợ trái phiếu
Từ chu kỳ khủng hoảng kinh tế lần trước (bắt đầu từ năm 2008), Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai lao đao như nhiều ông lớn bất động sản khác. Tuy nhiên, trong khi các đối thủ khác đã phục hồi, gặt hái được nhiều thành công rực rỡ thì Đức Long Gia Lai vẫn chưa hề bước ra khỏi suy thoái từ 15 năm trước.
Trong quý IV/2022, dù doanh thu tăng nhẹ từ 272 tỷ đồng lên 297 tỷ đồng, Đức Long Gia Lai vẫn thua lỗ 505 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 10,3 tỷ đồng của quý IV/2021; lũy kế cả năm công ty lỗ 885 tỷ đồng.
Trước đó, Đức Long Gia Lai lỗ 7,5 tỷ đồng trong năm 2019 và 930 tỷ đồng trong năm 2020. Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ chính là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao bất thường, tăng 412 tỷ đồng, tương đương 515% lên 492 tỷ đồng trong quý IV/2022; lũy kế cả năm đạt 966 tỷ đồng, tăng 846 tỷ đồng, tương đương 705% so với năm 2021.
Tính tới ngày 31/12/2022, công ty gánh lỗ lũy kế 1.747 tỷ đồng khiến vốn góp chủ sở hữu 2.993 tỷ đồng không được bảo toàn, vốn chủ sở hữu giảm từ 2.319 tỷ đồng xuống 1.409 tỷ đồng. Kết quả là Tổng tài sản Đức Long Gia Lai hao hụt mạnh, giảm 1.169 tỷ đồng, tương đương 16,5% so với năm 2021 xuống chỉ còn 5.901 tỷ đồng.
Công ty trong tình trạng nợ nần chồng chất. Hồi cuối năm 2022, Nợ phải trả lên đến 4.493 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 76% tổng nguồn vốn công ty. Trong đó, tổng nợ vay đạt 2.972 tỷ đồng. Đáng chú ý, Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn rất cao, lên tới 1.126 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa áp lực trả nợ tại Đức Long Gia Lai là rất lớn.
Mới đây, Đức Long Gia Lai công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc và lãi cho lô trái phiếu mã 30122017-01, phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 5 năm).
Đức Long Gia Lai còn phải thanh toán tiền gốc hơn 117 tỷ đồng, lãi hơn 64 tỷ đồng, tổng cộng hơn 181 tỷ đồng. Công ty cho biết đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật.
Vẫn cho công ty vốn 5 tỷ vay… 339 tỷ
Trong bối cảnh thua lỗ, nợ cao chồng chất và khất nợ trái phiếu, Đức Long Gia Lai vẫn rộng tay cho vay. Tại ngày 31/12/2022, Đức Long Gia Lai ghi nhận 1.272 tỷ đồng Phải thu về cho vay ngắn hạn, tăng mạnh so với con số 839 tỷ đồng hồi cuối năm 2021 và 973 tỷ đồng Phải thu về cho vay dài hạn, giảm so với 1.439 tỷ đồng. Như vậy, khoản phải thu về cho vay tại Đức Long Gia Lai lên đến 2.711 tỷ đồng, chiếm 45,9% tổng tài sản công ty.
Hoạt động cho vay của Đức Long Gia Lai phải khiến giới đầu tư đặt ra nhiều nghi vấn. Công ty cho khá nhiều đơn vị vay nhưng ấn tượng nhất phải kể đến việc Đức Long Gia Lai sẵn sàng chi 339 tỷ đồng cho một công ty có vốn chỉ… 5 tỷ đồng vay.
Cụ thể, hồi cuối năm 2022, Đức Long Gia Lai ghi nhận 214 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn và 125 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn tại Công ty TNHH MTV Phạm Linh Gia Lai.
Cần phải nhấn mạnh, Công ty Phạm Linh Gia Lai thành lập ngày 6/7/2018 với ngành nghề kinh doanh chính là “Sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản”. Ở thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ chỉ 5 tỷ đồng. Nam doanh nhân sinh năm 1992 Phạm Mai Linh là Chủ tịch kiêm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty. Cho tới nay, Phạm Linh Gia Lai chưa có đợt tăng vốn nào nhưng không hiểu tại sao Đức Long Gia Lai liên tục cho công ty vay số tiền khổng lồ.
Khả năng trả nợ của Phạm Linh Gia Lai vô cùng yếu khi doanh thu của công ty lao dốc từ 241 tỷ đồng (năm 2018) xuống chỉ còn 37,2 tỷ đồng (năm 2021), tương ứng mức giảm 203,8 tỷ đồng (84,6%). Trong khi doanh thu “rơi tự do”, lợi nhuận của công ty vô cùng èo uột, chỉ đạt 107 triệu đồng (năm 2018), 71 triệu đồng (năm 2019), 106 triệu đồng (năm 2020) và 111 triệu đồng (năm 2021).
Trong khi đó, Đức Long Gia Lai còn phải “cạnh tranh” với nhiều “chủ nợ” khác của Phạm Linh Gia Lai khi mà tới cuối năm 2021, Nợ phải trả của công ty này lên đến 662 tỷ đồng, cao gấp… 124 lần vốn chủ sở hữu.
Nguồn: Báo xây dựng