KH&CN góp phần rất quan trọng vào thúc đẩy năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế
Theo đó, sự phát triển của KH&CN có tác động mang tính quyết định đối với tăng trưởng dài hạn và chất lượng tăng trưởng. Đồng thời, KH&CN góp phần tăng năng suất các nhân tố tổng hợp. Nhờ tác động của các yếu tố như đổi mới công nghệ, hợp lý hóa quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, cải tiến phương pháp quản lý, nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc của người lao động…, tăng TFP làm cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng, từ đó góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu.
Tại các nước phát triển, tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GDP thường rất cao (trên 50%), còn với các nước đang phát triển thì ở mức khoảng 20-30%. Trong giai đoạn 2011-2020, KH&CN nước ta đã có sự chuyển biến tích cực với nhiều thành tựu trong nghiên cứu, điều tra, góp phần tạo luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường.
KH&CN góp phần rất quan trọng vào thúc đẩy năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế.
KH&CN gắn bó với sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của tất cả các ngành, lĩnh vực. Năm 2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50%. Ba khu công nghệ cao quốc gia là Hòa Lạc, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD. Vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng.
Những đóng góp của KH&CN còn thể hiện qua chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng. Năm 2013 Việt Nam xếp thứ 76 trên 142 quốc gia; năm 2015 xếp thứ 52/141 quốc gia; năm 2018 xếp thứ 45/126 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2017, năm 2019 tăng tiếp 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia và năm 2020 duy trì vị trí thứ 42/131 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam cũng xếp thứ nhất trong nhóm 29 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp và được đánh giá đạt nhiều kết quả đổi mới hơn, đồng thời, thuộc top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.
Theo báo cáo, TFP là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động nhờ vào tác động của nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động. Theo đó chúng ta có thể chia tốc độ tăng kết quả sản xuất thành ba phần: Phần tăng do tăng vốn tạo ra; Phần tăng do tăng lao động tạo ra; Phần tăng do tăng năng suất các nhân tố tổng hợp tạo ra.
Như vậy, không phải nhất thiết để tăng trưởng sản xuất phải tăng lao động hoặc tăng vốn mà có thể có kết quả sản xuất/ đầu ra lớn hơn thông qua tối ưu hoá nguồn lao động và vốn, cải tiến quy trình công nghệ, cải tiến quy trình quản lý. Vì thế chỉ tiêu tốc độ tăng TFP là chỉ tiêu phản ảnh chất lượng tăng trưởng cũng như sự phát triển bền vững của nền kinh tế, là căn cứ để phân tích hiệu quả kinh tế vĩ mô, đánh giá sự tiến bộ khoa học và công nghệ của mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi quốc gia.
Tăng TFP thường được coi là động lực thực sự đối với sự tăng trưởng của một nền kinh tế. Các công trình nghiên cứu đã cho thấy rằng trong khi tăng lao động và tăng đầu tư là những đóng góp quan trọng, thì tăng TFP có thể chiếm tới hơn 60% trong sự tăng trưởng của các nền kinh tế.
KH&CN góp phần rất quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tác động đến tổng cung và tổng cầu; các sản phẩm KH&CN đóng góp trực tiếp vào GDP.
Như vậy là với cùng một đại lượng các yếu tố đầu vào, thì sự gia tăng GDP do tăng TFP có tính quyết định đối với tốc độ tăng trưởng tổng thể của một nền kinh tế. Tăng TFP thể hiện chất lượng, chiều sâu tăng trưởng của nền kinh tế và được đánh giá dựa trên hai chỉ số chính, đó là tốc độ tăng TFP và tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế.
Tốc độ tăng TFP phản ánh toàn diện về quá trình sản xuất. Chỉ có tăng trưởng sản xuất nhờ vào tăng TFP mới là sự tăng trưởng có tính chất ổn định và bền vững. Tốc độ tăng TFP phản ánh sự tiến bộ KH&CN, thể hiện sự đổi mới quản lý, tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ KH&CN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia sản xuất.
Giai đoạn 2011-2020, TFP tăng bình quân 2,51%/năm, trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng 2,15%/năm và giai đoạn 2016-2019 tăng 3,37%/năm. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên TFP chỉ tăng 0,96%; bình quân giai đoạn 2016-2020 TFP tăng 2,88%/năm.
Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng của nền kinh tế tăng lên. Năm 2011, đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế mới đạt 20,87% thì đến năm 2019 đã tăng lên 49,61% và năm 2020 là 33,42%; đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 40,45%, trong đó đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 46,04%6, cao hơn nhiều so với mức bình quân 34,75% của giai đoạn 2011-2015. Xét trong khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng vốn và lao động đang chậm dần, trong khi đó TFP lại có tốc độ tăng nhanh hơn. Điều này cho thấy, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đang dựa nhiều vào tăng chất lượng, thay vì tăng về số lượng của vốn và lao động. Tăng TFP của Việt Nam đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong 5 năm giai đoạn 2016-2020 đạt 46,04%, vượt yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đề ra là “Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 30-35%”.
Phương Nam