Vì sao nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM đội sổ xếp hạng thế giới?
Vì sao nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM đội sổ xếp hạng thế giới?
Theo dõi MTĐT trên
Khu vực trung tâm TP.HCM tập trung đông đúc du khách nước ngoài nhưng số lượng nhà vệ sinh công cộng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Vật vã tìm kiếm
Paula, du khách đến từ Mỹ cùng bạn đi bộ trên phố Tây Q.1, sau bữa trưa ở quán phở. Vì quán ăn có nhà vệ sinh quá tệ, nên chị muốn tìm một nhà vệ sinh công cộng gần đó với hy vọng khá hơn. Nhưng sau khi hỏi chủ quán và nhiều người, chị thay đổi quyết định, “lẻn” vào quán cà phê lớn ngay góc đường để đi nhờ.
“Người ta bảo có nhà vệ sinh công cộng xung quanh đây, nhưng phải băng qua công viên tầm 15 phút đi bộ”, Paula nói.
Trên một diễn đàn du lịch quốc tế, đề tài về nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM thu hút nhiều người bình luận. Hầu hết đều “tố” các nhà vệ sinh công cộng dơ bẩn, hôi hám và khuyên những người khác khi đi chơi ở thành phố này nhớ mang theo cuộn giấy. “Thật sự sợ hãi. Tôi thường phải chạy vào trung tâm thương mại hay khách sạn 4 – 5 sao đi nhờ vì bảo vệ và tiếp tân không nhìn thấy”, thành viên đến từ Thái Lan chia sẻ.
Khu phố Tây rộng lớn ở Q.1 là nơi tập trung đông đúc du khách nước ngoài bao gồm những con đường khép kín ở khu tứ giác, từ Trần Hưng Đạo qua Cống Quỳnh, tới Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Thái Học. Tuy nhiên không có một nhà vệ sinh công cộng nào.
Giả sử, bạn đang dạo bước ở phố đi bộ Bùi Viện và cảm thấy “mất an toàn”, hàng quán không cho đi nhờ vì bạn không phải là khách đang sử dụng dịch vụ, buộc phải đi khá xa để đến nhà vệ sinh công cộng. Phía bên kia công viên 23.9, góc ngã tư Lê Lai và Nguyễn Thái Học có 1 địa điểm miễn phí và một cái khác ở mũi tàu Lê Lai – Nguyễn Trãi.
Tại khu vực trung tâm như đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hai Bà Trưng…, cũng rất ít nhà vệ sinh công cộng. Chẳng hạn, trên đường Nguyễn Huệ có một nhà vệ sinh công cộng; đường Hai Bà Trưng có một ở khu Tân Định; bến Bạch Đằng – nơi đông đúc du khách – không có nhà vệ sinh nào… trong khi khu vực này có nhiều trung tâm mua sắm hoặc khách sạn lớn, du khách có thể ghé qua.
Thế nhưng, việc đi nhờ cũng lắm phiền phức. Trước đây, từng xảy ra tranh cãi giữa một khách sạn 5 sao ở trên đường Nguyễn Huệ và công ty du lịch phục vụ đoàn khách tàu biển. Số là, đoàn khách lên đến gần 50 người sau khi không biết đi đâu đã vào khách sạn đi vệ sinh ké, liền bị nơi này từ chối. Khách sạn cho rằng, nhà vệ sinh của khách sạn chỉ phục vụ khách ăn, ở, không có nghĩa vụ đối với khách bên ngoài. Nhiều hướng dẫn viên cho biết, khách đoàn đi vệ sinh nhờ cực kỳ khó khăn, trong khi khách lẻ đơn giản hơn.
Khách không thể “nhịn” để chờ xây nhà vệ sinh
Lên bản đồ tìm kiếm nhà vệ sinh công cộng ở Q.1, chúng tôi đếm được khoảng 10 cái. Đây là số lượng cực kỳ ít ỏi ở một trung tâm đô thị rộng lớn, thu hút nhiều du khách như Q.1, TP.HCM.
Một khảo sát xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới thực hiện mới đây cho biết, hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM có chỉ số rất thấp. Cụ thể, Hà Nội đứng vị trí 66 và TP.HCM xếp 67/69 thành phố du lịch toàn cầu, thua xa Kuala Lumpur (Malaysia) đứng 42, Bangkok (Thái Lan) vị trí 45; chỉ trên Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập. Bảng xếp hạng dựa trên số nhà vệ sinh công cộng có trên mỗi km vuông.
Bài báo cho rằng, đường phố TP.HCM có mọi thứ mà khách du lịch mong muốn như thức ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, cuộc sống sôi động… Tất cả đều hấp dẫn, trừ nhà vệ sinh. Bài báo còn nhắc đến vấn nạn đi vệ sinh trên vỉa hè là “nỗi xấu hổ” của TP.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt, cho rằng bảng xếp hạng nói trên phản ánh đúng thực tế điều kiện nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM và cả Hà Nội. “Chúng ta không thể dựa vào việc có nhà vệ sinh bên trong các trung tâm thương mại hay khách sạn để rồi bỏ quên đầu tư nhà vệ sinh công cộng được. Đó chỉ là giải pháp tạm thời, không thể kéo dài nhưng thực tế kéo dài hàng chục năm qua. Ngay bản thân tôi, là người sống ở TP.HCM 40 năm, mỗi lần ra đường là nơm nớp lo ngại chuyện đi vệ sinh. Tôi không thể nào chạy xe vào trung tâm thương mại, khách sạn hay vào quán cà phê để mua ly nước rồi ké nhà vệ sinh. Vậy thì du khách nước ngoài, họ sẽ phải khó khăn như thế nào để tìm kiếm nơi giải quyết vấn đề cơ bản nhất của con người? Bạn thử gõ Google tìm nhà vệ sinh công cộng ở Q.1 xem, kết quả có thế khiến bạn bối rối vì số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Mỹ lên tiếng.
Theo ông Mỹ, để giải quyết tình trạng nhà vệ sinh công cộng ở trung tâm TP.HCM, nhà nước cần phải quyết liệt bắt tay vào quy hoạch, đầu tư, xây dựng. “Du khách không thể ‘nhịn’ để chờ chúng ta xây nhà vệ sinh. Ngoài ra, TP cũng nên kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác. Chẳng hạn, các cây xăng của nhà nước ở trung tâm TP cần khuyến khích xây dựng nhà vệ sinh một cách sạch đẹp và cho phép người dân, du khách sử dụng, thu tiền cũng được. Tôi quan sát thấy có rất nhiều cây xăng của Petrolimex đặt ở những vị trí đắc địa trong trung tâm, trong khi TP lại đang khó khăn tìm kiếm mặt bằng để xây nhà vệ sinh công cộng”, ông Mỹ nêu giải pháp.
Năm 2016, TP.HCM triển khai đề án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn. Mục đích nhằm phục vụ nhu cầu của cư dân thành phố và du khách, qua đó góp phần xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp và giải quyết nạn phóng uế bừa bãi. Tuy nhiên, cho đến nay, đề án vẫn nằm trên giấy, lý do không có đất để xây dựng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị