Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi giúp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo
Luật lần đầu bổ sung quy định tổ chức nào được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ có quyền đăng ký bảo hộ 4 đối tượng sáng tạo kỹ thuật nêu trên một cách tự động và không phải bồi hoàn, trừ trường hợp 4 đối tượng này là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia. Luật quy định rõ về cơ chế báo cáo, quy trách nhiệm tổ chức nghiên cứu khoa học khai thác sáng chế cùng cơ chế phân chia lợi ích với các chủ thể liên quan sáng tạo.
Bổ sung cơ chế mới cho phép bên thứ ba phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Ngoài việc vẫn giữ nguyên cơ chế cũ là văn bản nêu ý kiến của người thứ 3 vốn chỉ đóng vai trò làm nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
Đây là điểm mới dẫn tới sự tồn tại song song giữa 2 cơ chế: Ý kiến phản đổi của người thứ 3 với đơn ký kiểu dáng công nghiệp và một kênh phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Quy định mới có sự khác biệt ở thời hạn cho phép phản đối theo quy tắc 9 tháng, 4 tháng, 5 tháng và 3 tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tương ứng được công bố.
Luật mới cũng bổ sung nhiều căn cứ pháp lý mới để phản đối đơn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cũng như căn cứ hủy bỏ hiệu lực bảo hộ với đối tượng sở hữu công nghiệp. Ví dụ gồm người nộp đơn không có quyền đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu; việc sửa đổi, bổ sung đơn làm mở rộng hoặc vượt quá phạm vi đối tượng đã bộc lộ; sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng trong bản mô tả sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện sáng chế đó; đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp ra nước ngoài. Đây được coi là quy định quan trọng theo luật quốc tế giúp cân bằng quá trình hình thành quyền, độc quyền và bảo vệ cho người đăng ký quyền tại Việt Nam.
Ảnh minh hoạ
Với lần sửa đổi này, lần đầu tiên đưa sáng chế mật thành một chế định riêng, nhằm tách riêng giữa sáng chế và sáng chế mật để kiểm soát an ninh đối với sáng chế đăng ký ra nước ngoài. Điều này giúp phân định các đối tượng không phải là sáng chế mật để đưa ra nước ngoài dễ dàng hơn.
Để hạn chế tính chất tuyệt đối của quyền nhân thân, luật quy định tư cách thụ hưởng quyền nhân thân (quyền tinh thần) đầy đủ (trừ quyền công bố) đối với tác phẩm điện ảnh chỉ được trao cho biên kịch và đạo diễn trong khi người làm công việc quay phim, sáng tác âm nhạc, diễn viên điện ảnh chỉ còn được trao một quyền nhân thân duy nhất là quyền đứng tên và được nêu tên khi tác phẩm được công bố. Ngoài ra, để hạn chế tranh chấp không thực sự cần thiết liên quan đến khả năng xâm phạm quyền nhân thân, Luật lần đầu cho phép tổ chức đầu tư tài chính có thể thỏa thuận với biên kịch, đạo diễn về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm.
Khái niệm tiền bản quyền cũng xuất hiện lần đầu trong Luật sở hữu trí tuệ. Luật cũng sửa đổi định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng, bổ sung quy định thời điểm nhãn hiệu có trước bắt đầu nổi tiếng phải xảy ra trước ngày nộp đơn của nhãn hiệu xin đăng ký để tránh cấp bảo hộ cho nhãn hiệu nổi tiếng quá rộng.
Đặc biệt, lần đầu tiên luật quy định về cơ chế quy trách nhiệm/miễn trách nhiệm pháp lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên Internet. Cơ chế miễn trách nhiệm quy định điều 198b mang tính chất có điều kiện, ví như ISP cung cấp dịch vụ lưu trữ nội dung thông tin số chỉ được miễn trách nhiệm pháp lý nếu không biết nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả và có hành động nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập đến nội dung thông tin số đó khi biết nội dung đó xâm phạm quyền.
Theo nhận định của giới chuyên gia, các quy định mới trong luật thể hiện tính minh bạch, đầy đủ, rõ ràng liên quan đến các sáng tạo kỹ thuật hình thành từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
Điều này có ý nghĩa tích cực góp phần làm tăng tỷ lệ số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt so với người nước ngoài. Luật đã giúp giải quyết vấn đề quyền đăng ký, nghĩa vụ đăng ký sáng chế, chia sẻ lợi ích giữa tác giả, tổ chức chủ trì, nhà nước, chủ thể trung gian…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào việc giải quyết được cân bằng và lợi ích giữa các chủ thể quyền, đối thủ cạnh tranh như cơ chế hết quyền với quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao, nghĩa vụ chứng minh thời điểm nổi tiếng của nhãn hiệu và đặc biệt quy định mới giải quyết bài toán phức tạp giữa luật sở hữu trí tuệ và luật cạnh tranh, hay ngăn chặn hành vi lạm dụng…
Bảo Lâm