Nan giải việc sáp nhập, chia tách, nâng cấp các đơn vị hành chính

(Xây dựng) – Từ 2016 – 2021, cả nước chỉ giảm được 08/713 đơn vị hành chính cấp huyện; 557/11.160 đơn vị hành chính cấp xã; 38.369/98.455 thôn, bản, tổ dân phố. Dựa theo những con số này, nhiều ý kiến cho rằng: Nếu không quyết liệt, nếu theo cách làm của giai đoạn 2016-2021 thì có lẽ phải mất hơn 40 năm nữa mới sắp xếp xong 713 đơn vị hành chính cấp huyện? Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những đơn vị hành chính có quy mô trái với quy định của Quốc hội và cần phải sắp xếp.

nan giai viec sap nhap chia tach nang cap cac don vi hanh chinh
Thái Nguyên “hội tụ” các điều kiện để nâng cấp lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã còn chậm trễ?

Tại Hội thảo góp ý kiến xây dựng “Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: “Từ 1976-1986 chủ yếu sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng hợp nhất. Sau 10 năm đó, cả nước có 451 đơn vị hành chính cấp huyện”.

Từ khi bắt đầu cải cách mở cửa (hay còn gọi là “Đổi mới”), tức là từ 1986 đến nay, chủ yếu là chia tách các đơn vị hành chính từ xã đến tỉnh, lý do được Thứ trưởng Trần Anh Tuấn dẫn giải là do nhiều đơn vị hành chính “Rộng lớn quá, cán bộ không đủ năng lực để quán xuyến, mất đoàn kết nội bộ, mang tính vùng miền hay chia tách để phát triển kinh tế – xã hội…”.

Ông Trần Anh Tuấn chỉ mới nêu được 05 nguyên nhân và bỏ lửng, phải chăng còn một số nguyên nhân khác không tiện nói hết?

Ba trong năm nguyên nhân khiến nhà nước phải chia tách các đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh) mang tính tiêu cực là: Cán bộ không đủ năng lực để quán xuyến; Mất đoàn kết nội bộ; Mang tính vùng miền.

Nguyên nhân có những đơn vị hành chính “rộng lớn quá” nên phải chia tách không mang tính thuyết phục bởi nhiều cuộc chia tách diễn ra khi đơn vị hành chính “được chia tách” có diện tích chỉ bằng một phần mười đơn vị không chia tách.

Nguyên nhân cuối cùng “chia tách để phát triển kinh tế – xã hội” hình như lại rất trái với thực tế tại thủ đô khi Hà Nội sáp nhập với tỉnh Hà Tây.

Thủ tướng Phạm Minh Chính năm 2018 – khi còn là Trưởng ban Tổ chức Trung ương – đã nói đến chuyện Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội như sau:

“Sáp nhập tỉnh lớn như vậy còn làm được, vậy xã, phường sao không làm được? Sáp nhập được là giảm ngay đội ngũ. Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội là bài học thành công sống động, cho thấy khó mấy cũng làm được nếu điều đó là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn xã hộị”.

Có thể thấy những nguyên nhân mà Thứ trưởng Tuấn đưa ra nhằm lý giải tình trạng chia tách đơn vị hành chính diễn ra ồ ạt kể từ thời bắt đầu điểm đổi mới năm 1986 tuy khá rõ ràng nhưng vẫn còn có gì đó chưa thuyết phục dư luận, chưa làm hài lòng dân chúng.

Việc tăng thêm các đơn vị hành chính cả ba cấp tỉnh, huyện và xã trong 30 năm qua đã làm xuất hiện nhiều ý kiến mang tính cảnh báo: Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy”.

Phải chăng tình hình đã đến mức không thể trì hoãn việc sắp xếp lại quy mô đơn vị hành chính cả cấp tỉnh chứ không chỉ huyện, xã?

Theo một số phân tích cho rằng: “Cứ 40 người dân nuôi 1 công chức!” (Laodong.vn, 29/10/2017); “Trung bình cứ 9 người dân nuôi 1 cán bộ nhà nước”. (Vietnamnet.vn, 27/08/2018); “81.492 cấp phó và 9 người dân nuôi 1 cán bộ”. (Tapchimattran.vn, 31/08/2018); “Cứ 7 lao động phải “nuôi” 1 công chức, viên chức và người hưởng lương”. (Dantri.com.vn, 19/09/2018)…

Sự nhảy múa của các con số nêu trên cho thấy khoa học thống kê của Việt Nam đa dạng như thế nào hay còn có lý do là thời cơ chưa đến để công bố số liệu chính thức?

Thực ra chịu khó thì cũng có thể tìm thấy số liệu công bố của Bộ Nội vụ, nếu không tính số người hưởng lương hưu và các chính sách xã hội khác thì số người hưởng lương và mang tính chất lương chỉ khoảng 3 triệu, bao gồm: Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021: 247.344 người; Biên chế sự nghiệp năm 2021: 1.783.174 người; Số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố: 1.031.851 người. Tổng số là 3.062.369 người.

Dân số Việt Nam năm 2021 vào khoảng 96 triệu người, nghĩa là khoảng 32 người dân phải nuôi một “biên chế nhà nước” chứ không đến mức 40 người như một số ý kiến.

Về phía hệ thống chính trị, không thiếu Nghị quyết chỉ đạo của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật (do Quốc hội ban hành) liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính, ví dụ:

Năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (Nghị quyết 1211) quy định “Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính”.

Nghị quyết này quy định diện tích và quy mô dân số đơn vị hành chính cấp tỉnh như sau: Tỉnh miền núi, vùng cao, dân số từ 900.000 người trở lên; diện tích tự nhiên phải từ 8.000 km2 trở lên; Tỉnh không thuộc miền núi, vùng cao, dân số từ 1.400.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên.

Năm 2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 1211, trong thời gian 05 năm từ 2016 đến 2021, cả nước chỉ giảm được 08/713 đơn vị hành chính cấp huyện; 557/11.160 đơn vị hành chính cấp xã; 38.369/98.455 thôn, bản, tổ dân phố.

Nếu không quyết liệt, nếu theo cách làm của giai đoạn 2016-2021 thì có lẽ phải mất hơn 40 năm nữa mới sắp xếp xong 713 đơn vị hành chính cấp huyện?

Trong nhiệm kỳ Chính phủ giai đoạn 2016-2021, chưa thấy đề cập đến chuyện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh phải chăng là dành cho nhiệm kỳ mới?

So với Bắc Ninh, Thái Nguyên lên thành phố trực thuộc Trung ương hợp lý hơn

Cho đến nay, chưa tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng văn bản chỉ đạo “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh” giống như Nghị quyết số 37-NQ/TW.

Tuy nhiên, Chính phủ nhiệm kỳ này đã có những động thái tích cực về chuyện “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh”, cụ thể:

Ngày 24/04/2021, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu ý kiến: “Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu thí điểm tổ chức ở cấp tỉnh phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng là “Khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương” và quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp”.

Không lâu sau, ngày 04/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu “Nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh”.

Liệu có tồn tại những đơn vị hành chính cấp tỉnh có quy mô trái với quy định của Quốc hội và cần phải sắp xếp?

nan giai viec sap nhap chia tach nang cap cac don vi hanh chinh
Bảng 1: Số tỉnh chưa đạt tiêu chí về dân số (Ghi chú: Dấu chấm trong các con số ngăn cách hàng nghìn, hàng triệu, dấu phảy ngăn cách phần thập phân. Ví dụ 4.860 km2 là bốn nghìn tám trăm sáu mươi km2).

Theo Nghị quyết 1211, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh như sau: Tỉnh miền núi, vùng cao, dân số từ 900.000 người trở lên; diện tích tự nhiên phải từ 8.000 km2 trở lên; Tỉnh không thuộc miền núi, vùng cao, dân số từ 1.400.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên).

Nhìn vào số liệu điều tra Bảng 1, sử dụng cách thức nội suy như sau: “Tất cả những tỉnh dân số không đạt 900.000 người hoặc diện tích dưới 5.000 km2 thì chắc chắn đã vi phạm một trong hai tiêu chí (hoặc cả hai tiêu chí) Quốc hội quy định.

Thứ nhất, tìm thấy 17 tỉnh dân số dưới 900.000 người, không đạt tiêu chí thứ nhất trong Nghị quyết 1211, trong đó có không ít tỉnh thuộc khu vực đồng bằng, duyên hải như Ninh Thuận, Hậu Giang, Hà Nam…

nan giai viec sap nhap chia tach nang cap cac don vi hanh chinh
Bảng 2: Số tỉnh chưa đạt tiêu chí về diện tích.

Thứ hai, theo số liệu tại Bảng 2, tìm thấy 33 tỉnh diện tích dưới 5.000 km2, không đạt tiêu chí thứ hai trong Nghị quyết 1211 (diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên).

Nhiều tỉnh như Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Quảng Trị, Hậu Giang không đạt cả hai tiêu chí dân số và diện tích theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều đáng quan tâm là ngày 24/2/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030”.

Quyết định này hoàn toàn không đề cập đến chuyện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh không đạt các tiêu chí dân số và diện tích quy định trong Nghị quyết 1211 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 05 năm trước.

Các mục 1, 4, 5 phần cuối của Quyết định số 241/QĐ-TTg cho thấy Chính phủ dự kiến nâng cấp ba tỉnh Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc trung ương.

Việc “dự kiến” của Chính phủ được công bố nhằm lấy ý kiến nhân dân hay đây chỉ là thông báo những việc Chính phủ sẽ làm?

Tapchicongsan.org.vn trong bài “Một số vấn đề lý luận về mô hình tổ chức thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương” có đoạn:

“Các thành phố trực thuộc Trung ương ở Việt Nam có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự phát triển đất nước và thường đóng vai trò là các trung tâm, đầu tàu phát triển của cả nước, liên vùng, của vùng, thúc đẩy, dẫn dắt, tạo động lực phát triển cho các địa phương khác”.

Với ý nghĩa như vậy, việc Chính phủ “dự kiến” nâng cấp 3 tỉnh lên thành phố trực thuộc trung ương là điều bình thường nhưng nếu những “dự kiến” này thành hiện thực lại là không bình thường.

Xin lấy trường hợp tỉnh Bắc Ninh để phân tích.

Bắc Ninh là tỉnh bé nhất Việt Nam với diện tích 823km2, dân số khoảng 1,34 triệu người, vị trí địa lý liền kề với Hà Nội.

Khoảng cách từ trung tâm Thành phố Hà Nội (hồ Hoàn Kiếm) đến trung tâm thành phố Bắc Ninh (tỉnh lỵ tỉnh Bắc Ninh) chỉ khoảng 30 km. Xét về mặt địa giới, từ trung tâm Thành phố Hà Nội đến địa giới thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh chỉ khoảng 12 km.

Trong quy hoạch xây dựng, Bắc Ninh được xếp thuộc vùng Thủ đô Hà Nội.

Cũng nên nói thêm là huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có diện tích 2.820 km2, gấp hơn ba lần diện tích tỉnh Bắc Ninh.

Những tổ chức, cá nhân “dự kiến” để thành phố bé nhất nước, nằm liền kề với thủ đô trở thành thành phố trực thuộc trung ương có biết đến quy định diện tích đơn vị hành chính cấp tỉnh vùng đồng bằng nhỏ nhất phải là 5.000 km2?

Liệu Bắc Ninh có thể là “trung tâm, đầu tàu phát triển của cả nước, liên vùng, của vùng, thúc đẩy, dẫn dắt, tạo động lực phát triển cho các địa phương khác” trong đó có Hà Nội như ý kiến nêu trên Tạp chí Cộng sản?

Thiết nghĩ việc nâng cấp đơn vị hành chính cấp tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương phải là việc đã được nghiên cứu kỹ, phù hợp với quy hoạch vùng và quy định của cơ quan lập pháp là Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội. Mặt khác cũng phải cân đối tính chất vùng miền phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội toàn quốc giai đoạn mới.

Xem xét một cách khách quan, trên cơ sở khoa học kết hợp với lịch sử vì sao Chính phủ không “dự kiến” chọn tỉnh Thái Nguyên để nâng cấp lên thành phố trực thuộc Trung ương?

Thái Nguyên từng là “Thủ đô kháng chiến”, là thủ phủ Khu Tự trị Việt Bắc, cách Hà Nội khoảng 75km (gấp hơn 2 lần so với Bắc Ninh).

Thái Nguyên là một trung tâm văn hóa, giáo dục, công nghiệp vùng núi phía Bắc.

Tỉnh Thái Nguyên có Đại học Thái Nguyên là đại học trọng điểm quốc gia, (là một Đại học vùng ngang tầm với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế).

Tại Thái Nguyên còn có 09 trường đại học và 11 trường cao đẳng khác.

Thái Nguyên là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc, hiện có 12 khu công nghiệp tập trung với diện tích lên đến 2.775ha.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thái Nguyên năm 2020 ước đạt 15,56 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Rõ ràng chọn Thái Nguyên nâng cấp thành thành phố trực thuộc trung ương là hoàn toàn hợp lý.

Xây dựng một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là hình thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, công nghiệp,…, vừa thu hút, vừa thúc đẩy sự phát triển của các địa phương “vệ tinh”. Với cách hiểu này thì cả Bắc Ninh (liền kề Hà Nội) và Thừa Thiên Huế (liền kề thành phố trực thuộc trung ương Đà Nẵng) đều không phù hợp.

Đến đây thì câu chuyện sáp nhập, chia tách, nâng cấp các đơn vị hành chính rõ ràng là có quá nhiều điều phải quan tâm.

Trong hơn 30 năm tính từ 1986, tổng số đơn vị hành chính cấp xã và huyện tăng thêm là 1.782. Theo quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP, số lượng cán bộ, công chức cấp xã tùy thuộc vào loại xã và được biên chế trong khoảng từ 19 đến 23 người.

Tổng lượng cán bộ, công chức cấp xã tăng thêm sẽ từ 28.595 đến 34.615 người chưa kể 282 đơn vị hành chính cấp huyện.

Chưa có con số thống kê cho thấy ngân sách phải bỏ ra bao nhiêu nghìn tỷ đồng xây mới 1.782 trụ sở, mua sắm trang thiết bị, trả lương cho cán bộ nhưng chắc chắn nhiều ha đất nông nghiệp đã bị bê tông hóa, và đổi lại rõ ràng nhất là thêm chỗ ngồi cho khoảng ba vạn người.

Thêm nhân sự cho bộ máy chính quyền liệu có làm gia tăng tình trạng “tham nhũng vặt”, chuyện gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp hoặc chất lượng quản lý là điều dư luận đã bàn tán quá nhiều?

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích