Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 diễn ra sáng nay (2/2), các ý kiến thảo luận đều thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế xã hội (KTXH) nước ta trong tháng vừa qua tiếp tục xu thế tích cực, đạt nhiều kết quả trong bối cảnh số ngày làm việc ở tháng này chỉ bằng 2/3 so với tháng trước vì nghỉ Tết.

Đáng chú ý, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá tích cực về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam. Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố tháng 1/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 là 6,3%; tuy thấp hơn 0,2% so với kỳ dự báo trước, nhưng đây là mức cao thứ 2 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp. Qua thực tế trong chuyến công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án hạ tầng giao thông vừa qua, Thủ tướng nhắc lại ấn tượng về khí thế phát triển mới khi “cả nước là một công trường”, sự tự tin của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành, cũng như niềm tin ngày càng được củng cố, tăng cường của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm
Thủ tướng Phạm Minh Chính chù trì phiên họp thường kỳ tháng 1/2023 của Chính phủ – Ảnh: VGP/Trần Hải

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, tình hình còn những khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro. Trong các động lực tăng trưởng, thị trường xuất khẩu thu hẹp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại… Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ (ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%). Giải ngân đầu tư công, hợp tác công tư cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm, nhiều dự án còn dàn trải, manh mún, kéo dài…

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ 3 bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, nắm chắc tình hình thực tế, chủ trương, cụ bám sát, thể hóa kịp thời đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, nhất là trước các diễn biến của tình hình thế giới.

Thứ hai, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, dao động, thiếu tự tin mà luôn chủ động bình tĩnh, linh hoạt, sáng suốt, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành “giật cục” và luôn cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức.

Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, đề cao tinh thần gương mẫu và chủ động sáng tạo của người đứng đầu.

Thị trường bất động sản là nút thắt cần giải quyết

Dự báo, tình hình sắp tới tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi. Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, quyền hạn tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu…

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Theo đó, phải điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Về kiểm soát lạm phát, cần chú trọng nhóm trong “rổ hàng” tác động lớn đến lạm phát, như lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng; điều hành thận trọng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý ngay trong những tháng đầu; bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các hàng hóa khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm
Toàn cảnh phiên họp – Ảnh: VGP/Trần Hải

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2. Khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Về bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật (tăng cường chuyển đổi số kết hợp dữ liệu dân cư để sớm triển khai thanh toán, thu phí, lệ phí, thuế bằng công nghệ số, nhất là dịch vụ ăn uống). Triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết; ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng KTXH quan trọng, chiến lược. Tiếp tục đề xuất các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Thủ tướng nêu rõ: “Năm 2022, cả nước có 400.000 tỷ đồng tăng thu, phải sử dụng có hiệu quả để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, các địa phương phải quán triệt tinh thần này, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Bộ Tài chính hướng dẫn để thực hiện thống nhất trên toàn quốc”.

Đặc biệt, với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn.

Về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại (14.100 tỷ đồng). Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đổi mới cách nghĩ, cách làm, xây dựng chính sách, dự án có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp đặc thù riêng của địa phương…

Ngân Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích