Hà Nội: Nhộn nhịp thị trường thực phẩm cúng dịp Rằm tháng Giêng

Hà Nội: Nhộn nhịp thị trường thực phẩm cúng dịp Rằm tháng Giêng

MTĐT –  Thứ năm, 02/02/2023 16:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với tâm niệm dâng mâm cơm tươm tất lên tổ tiên dịp Rằm tháng Giêng, nhiều người dân Thủ đô đã sớm mua sắm rau củ, gà, thịt… chuẩn bị cỗ cúng khiến cho thị trường thực phẩm vô cùng nhộn nhịp.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Rằm tháng Giêng – một trong những lễ Rằm lớn nhất trong phong tục, tín ngưỡng của người Việt nhằm tưởng nhớ ông bà, gia tiên; cầu mong cho một năm mới bình an, công việc may mắn, hanh thông…

Vào dịp này, người dân thường tất bật chuẩn bị mua sắm thực phẩm, lễ vật, hoa quả, vàng mã… để làm mâm cúng. Các dịch vụ cỗ cúng nấu sẵn hiện cũng đang thu hút khách, đặc biệt là những mâm cúng đồ ăn chay đang dần là xu hướng của nhiều gia đình.

Mâm cúng chay đắt hàng

Tết nào chị Lan Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phải chuẩn bị mâm cơm cúng cho các dịp từ tất niên, hóa vàng mùng 3 Tết cho đến ngày Rằm… Nhà ít người nên chị chọn đặt cỗ của một nhà hàng quen, đến sát ngày sẽ có nhân viên mang tới tận nhà. Chỉ vài phút sơ chế lại đồ ăn là chị đã có một mâm cỗ cúng đủ đầy.

Hiện nay, dịch vụ bán mâm cúng chay ngày càng trở nên phổ biến vì nhu cầu của nhiều người, nhất là những ngày mùng Một và ngày rằm Âm lịch hàng tháng bởi tâm niệm món chay dâng lên bàn thờ ngày rằm, lễ, tết khiến lễ cúng thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, những món ăn có nguồn gốc hữu cơ cũng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe…

Chị Thu Huyền, chủ một hàng kinh doanh cỗ cúng trọn gói tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết đây là năm thứ tư chị nhận làm mâm lễ chay theo hình thức khách đặt qua online và nhận giao hàng tận nhà.

“Trước kia tôi chỉ làm mâm cúng cỗ mặn nhưng vài năm gần đây nhiều người cúng chay nên cũng đẩy mạnh thêm. Năm nay lượng khách đặt cỗ chay cũng nhiều hơn năm ngoái khoảng 20-30%, cao điểm có ngày tôi nhận đến hơn 100 mâm cúng,” chị Huyền cho hay.

Ha Noi: Nhon nhip thi truong thuc pham cung dip Ram thang Gieng hinh anh 1
Mâm cỗ chay với đầy đủ các món khác nhau. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại cửa hàng của chị Huyền, giá mâm cúng chay dao động khoảng từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng tùy theo khẩu phần và số món. Với mức giá từ 500.000-700.000 đồng, khách có thể đặt một mâm cỗ chay gồm 5-7 món như: Gỏi đu đủ, đậu chiên xù, nem cốm, nấm kho, rau xào, xôi vò hạt sen, bánh chưng chay, bún thang…; mâm 10-12 món trở lên sẽ gồm những món cao cấp như tôm chay nướng, bò chay xào lúc lắc, sườn chay chua ngọt, cá thu chay sốt… có mức giá dao động từ 1,2-1,6 triệu đồng/mâm.

Thông thường, giá mâm cúng chay thường sẽ cao hơn mâm mặn đôi chút. Các nhà hàng sẽ tư vấn khách chọn món và trang trí món cho phù hợp từng nhu cầu, sau đó sẽ trang trí, đóng gói và mang đến cho khách cho phù hợp để khi giao hàng khách chỉ cần mở ra bày lên là ra mâm cỗ cúng.

“Các loại gia vị để nấu một mâm chay cũng đa dạng và phức tạp không kém: Từ bột mì, bột gạo, hạt đậu xanh, hương liệu…các món mặn có gì thì các món chay có những món tương tự, chỉ khác nguyên liệu chế biến. Để khách hàng được thưởng thức những món chay ngon nhất, đảm bảo từ chất lượng thực phẩm đến hương vị món ăn, các cửa hàng cũng chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh từ khâu nguyên liệu đến cách chế biến, bảo quản…,” anh Trần Minh Vũ, chủ một tiệm bán đồ chay tại Khâm Thiên (quận Đống Đa) chia sẻ.

Thực phẩm dồi dào, ổn định

Bên cạnh mâm cỗ cúng, mặt hàng thực phẩm, trái cây… cũng đang tiêu thụ tốt. Tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội như chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm- Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), chợ Thành Công (quận Ba Đình)… thị trường đồ cúng cho ngày rằm tháng Giêng dồi dào, giá cả ổn định so với dịp đầu Tết.

Với mặt hàng gia cầm, mặc dù nhu cầu mua gà cúng Rằm tháng Giêng tăng mạnh nhưng giá bán đã giảm nhẹ so với trong Tết, hiện chỉ ở mức 150.000-170.000 đồng/kg. Tương tự, mặt hàng thịt lợn như móng giò, ba chỉ, vai, sườn dao động ở mức 100.000-150.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng; thịt bò như diềm thăn, thăn, bắp… giá từ 230.000-320.000 đồng/kg…

Với mặt hàng thủy, hải sản tươi sống, giá bán vẫn duy trì như ngày thường, không xảy ra tình trạng tăng giá. Hiện cá rô phi dao động 40.000-45.000 đồng/kg, cá lăng 130.000 đồng/kg, cá trắm đen 150.000 đồng/kg; cá chép giòn 200.000 đồng/kg… Riêng mặt hàng tôm tươi còn “hạ nhiệt” khoảng 100.000 đồng so với thời điểm trước, dao động từ 350.000-400.000 đồng/kg tùy loại.

Ha Noi: Nhon nhip thi truong thuc pham cung dip Ram thang Gieng hinh anh 2
Giá thực phẩm ổn định, giảm dần sau Tết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không chỉ mặt hàng thực phẩm tươi sống mà mặt hàng trái cây cũng trong tình trạng tương tự mặc dù sức tiêu thụ tăng mạnh.

Bà Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng hoa quả ở chợ Nguyễn Công Trứ cho biết nhìn chung hoa quả phục vụ nhu cầu thờ cúng dịp Rằm tháng Giêng giá giảm nhiều so với thời điểm trước Tết: Hiện thanh long có giá 60.000-70.000 đồng/kg; bưởi Diễn giá 15.000-30.000 đồng/quả; cam Canh, cam Sài Gòn 50.000 – 60.000 đồng/kg; xoài Cát Chu 60.000-80.000 đồng/kg; roi đỏ 70.000 đồng/kg; táo 100.000-120.000 đồng/kg…

Thời điểm này, mặt hàng hoa tươi ghi nhận lượng tiêu thụ cao, giá tuy có giảm nhưng cũng không nhiều. Giá hoa ly dao động ở mức 130.000-140.000 đồng/chục, hoa huệ giá 90.000-120.000 đồng/chục, hoa hồng giá 60.000-70.000 đồng/chục, hoa cúc giá 50.000-60.000 đồng chục…

Bên cạnh đó, tại một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Fuji Mart, Winmart, Tops Market… trong dịp này đang tung ra thị trường nhiều sản phẩm đồ ăn nấu sẵn do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với giá khá bình ổn, Cụ thể, chả cốm có giá 30.000 đồng/cái, nem rán dao động từ 58.000-74.000 đồng/chục; chả giò thịt 52.000-55.000 đồng/gói; giò lụa 76.000 đồng/cái 500g; gà luộc sẵn 180.000-300.000 đồng/kg…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích