Hướng tới phát triển ngành thời trang bền vững với chất liệu mới – Tảo biển

Hướng tới phát triển ngành thời trang bền vững với chất liệu mới – Tảo biển

MTĐT –  Thứ năm, 02/02/2023 16:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tảo biển không chỉ bổ dưỡng cho sức khỏe mà còn đem lại hy vọng mới trong ngành công nghiệp thời trang bền vững.

Ngành công nghiệp thời trang sản xuất hơn 100 tỉ sản phẩm may mặc hằng năm, tương đương khoảng 14 chiếc cho mỗi người trên Trái đất. Song hầu hết chúng bị ném ra các bãi rác chôn lấp khi giá trị sử dụng không còn, hoặc trôi dạt ùn ứ trên các con sông và bãi biển ở các nước đang phát triển. Chỉ một phần nhỏ trong số đó được tái chế.

Ngành công nghiệp thời trang chịu trách nhiệm tới 10% lượng khí thải carbon dioxide gây hiệu ứng nhà kính, nhiều hơn cả ngành du lịch hàng không và vận chuyển quốc tế cộng lại.

Đối với Charlotte McCurdy, một nhà nghiên cứu, nhà thiết kế và trợ lý giáo sư tại Đại học bang Arizona (Mỹ), để giải quyết vấn đề này cần phải quan tâm đến việc quần áo cũ được tái chế ra sao và cả cách quần áo được sản xuất như thế nào.

Từ trước đến nay, hàng dệt may tổng hợp như polyester, loại vải rẻ nhất được làm từ nhiên liệu hóa thạch. Thuốc nhuộm thì có nguồn gốc từ dầu thô. Vì vậy, vào năm 2018, McCurdy bắt đầu thiết kế một chiếc áo mưa làm từ tảo biển hay còn gọi là rong biển.

McCurdy cho biết: “Điều tôi đang cố gắng nhấn mạnh là việc 60% quần áo là nhiên liệu hóa thạch. Tôi đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm cũng như áp dụng nhiều công nghệ, trải qua vô vàn thất bại trước khi có thể tạo ra loại nhựa trong suốt, có tính ổn định cao, hoàn toàn không chứa hóa chất tổng hợp và chỉ được làm từ tảo biển”.

McCurdy không thương mại hóa những sáng tạo của mình. Động lực chính của cô là cho thấy rằng, với một chút trí tưởng tượng, có thể làm thay đổi ngành công nghiệp thời trang.

Từ cây gai dầu, nấm, bạch đàn và tre, ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp tìm đến thiên nhiên để tìm những giải pháp sản xuất mới. Những ý tưởng này cũng đang được các nhà bán lẻ toàn cầu như H&M của Thụy Điển chú ý, khi họ muốn sản xuất tất cả các sản phẩm của mình từ vật liệu tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững vào năm 2030.

Đã được sử dụng trong nhiên liệu sinh học và nhựa sinh học, tảo biển đang thu hút sự chú ý đặc biệt vì nó phát triển nhanh và rẻ, không cần nhiều nước và hút carbon dioxide từ không khí.

Các sinh vật thủy sinh quang hợp tạo ra khoảng 70% lượng oxy trong bầu khí quyển, nhiều hơn tất cả các khu rừng cộng lại. Điều đó có nghĩa là tảo biển không chỉ ít gây hại cho khí hậu mà còn đem lại nhiều lợi ích.

Renana Krebs thành lập Công ty Algaeing vào năm 2016, 2 năm sau khi từ bỏ sự nghiệp thời trang. Làm việc với cha mình, một kỹ sư nhiên liệu sinh học, Krebs đã phát triển một loại thuốc nhuộm quần áo dựa trên tảo biển.

tm-img-alt
Quần áo được nhuộm bằng thuốc nhuộm từ tảo biển của Công ty Algaeing – Ảnh: SCMP

Sau một khởi đầu chậm chạp, sự quan tâm đến thuốc nhuộm và mực của Algaeing đã bùng nổ vào năm 2022. Công ty khởi nghiệp này của Israel hiện làm việc suốt ngày đêm để đáp ứng các đơn đặt hàng thương mại đầu tiên từ các nhà sản xuất quần áo mặc trong nhà, quần áo thể thao và hàng dệt gia dụng. Công ty cũng đang phát triển sợi làm từ tảo biển, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất thương mại vào năm 2024.

Hiện nay, người tiêu dùng trẻ tuổi có ý thức về môi trường hơn bao giờ hết và điều đó đang thay đổi thói quen tiêu dùng. Thị trường quần áo cũ hiện đang phát triển nhanh hơn trên toàn cầu so với thị trường may mặc nói chung. Sự gia tăng đầu tư vào ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đang gây áp lực buộc các nhà sản xuất và nhà bán lẻ phải làm thay đổi trong phương thức sản xuất.

Algaeing đã huy động được khoảng 5 triệu USD từ các nhà đầu tư cho đến nay. Krebs đang đặt mục tiêu huy động được 15 triệu USD vào đầu năm 2024 để mở rộng quy mô sản xuất. Ý tưởng là bán nhiều loại thuốc nhuộm, mực và sợi tương thích với thiết bị sản xuất hiện có.

Krebs nói: “Các đối tác của chúng tôi không phải thay đổi máy móc của họ, nhưng cuối cùng thì họ không gây hại cho môi trường. Họ sử dụng ít nước hơn, ít năng lượng hơn, ít vận chuyển hơn và thậm chí ít thời gian sản xuất hơn. Thời gian trồng bông mất khoảng 180 ngày trong khi tảo chỉ mất 3 tuần”.

Tảo của Algaeing được trồng trong một hệ thống khép kín, chạy bằng năng lượng mặt trời ở miền Nam Israel trên vùng đất không thể sử dụng cho nông nghiệp thông thường. Nó cần ít nước hơn 80% so với bông và không cần sử dụng thuốc trừ sâu. Nó cũng tránh được các hóa chất được sử dụng để xử lý len hoặc sản xuất thuốc nhuộm thương mại. Các sản phẩm của Algaeing có thể phân hủy sinh học và không độc hại.

tm-img-alt
Áo mưa làm từ tảo biển của McCurdy – Ảnh: SCMP

Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc cho biết phải mất khoảng 7.570 lít nước để tạo ra một chiếc quần jean. Riêng ngành dệt nhuộm là nguyên nhân gây ô nhiễm nước lớn thứ 2 trên toàn cầu.

Ofir Gomeh, Giám đốc điều hành của Capital Nature, một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Israel đã đầu tư vào Algaeing, cho biết động lực của ông hoàn toàn là kinh tế: “Quần áo bền vững sẽ là một lĩnh vực phát triển mạnh”.

Không chỉ có Algaeing, công ty khởi nghiệp Vollebak của Anh cũng đang hướng đến việc thiết kế quần áo cho một tương lai bền vững hơn. Bắt đầu xây dựng vào năm 2015 bởi hai anh em sinh đôi vừa là những vận động viên chạy bộ vừa là nhà thiết kế sáng tạo, công ty này bán những chiếc áo phông dệt từ sợi gai dầu và được nhuộm màu bằng tảo biển, đặc biệt là chúng có thể phân hủy trong vòng vài tuần.

Vollebak đã thử nghiệm với các vật liệu bao gồm các hạt gốm và sợi carbon được tìm thấy trong động cơ phản lực để tạo ra nhiều loại trang phục được sử dụng trong khí hậu khắc nghiệt.

Thách thức lớn nhất đối với thời trang làm từ tảo biển không phải là tính thực tế, chất lượng hay thậm chí là cảm giác, mà là chi phí.

Steve Tidball, đồng sáng lập kiêm CEO của Vollebak cho biết việc làm áo phông bằng sợi gai dầu và tảo biển của Vollebak có giá khoảng 110 USD/chiếc. Vollebak đã cố tình bán chúng cho những người nổi tiếng để giúp truyền bá thông tin và ngày càng có nhiều người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn cho quần áo bền vững. Nhưng nó vẫn “quá đắt” đối với thị trường đại chúng.

McCurdy không lo lắng về chi phí. Cô nói rằng sợi tổng hợp có giá rẻ vì chúng là sản phẩm phụ của dầu mỏ, loại dầu này có rất nhiều và được sử dụng trong mọi thứ từ nhựa đến năng lượng. Điều này sẽ tiêu tan khi thế giới chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.

Bất kỳ sản phẩm công nghệ mới nào, ví dụ pin mặt trời, cốc phân hủy sinh học, ô tô điện đều đắt tiền cho đến khi nó được sử dụng rộng rãi. Bí quyết là xây dựng nhu cầu đó.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích