Cúng Rằm tháng Giêng và những điều cần biết
Cúng Rằm tháng Giêng và những điều cần biết
Theo dõi MTĐT trên
Rằm tháng Giêng hay còn gọi Tết Nguyên tiêu được các gia đình tiến hành vào chính Rằm (ngày 15 tháng Giêng âm lịch). Vào ngày này, mọi nhà chuẩn bị làm lễ cúng tươm tất, chu đáo với mong muốn cầu năm mới bình an, may mắn.
Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023 rơi vào Chủ nhật ngày 5 tháng 2 Dương lịch. Lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được thực hiện vào giờ Ngọ (11h đến 12h59) ngày chính Rằm (15 tháng Giêng Âm lịch). Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thực tế mà nhiều gia đình có thể sắp xếp cúng trước Rằm, từ ngày 13 hoặc 14 Âm lịch.
Rằm tháng Giêng năm nay vào cuối tuần, bởi vậy các gia đình có thể cúng vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật để cả nhà có thể quây quần, sum vây bên mâm cỗ. Ngoài ra, thời gian này cũng giúp mọi người có nhiều thời gian để chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm hơn.
Mâm cúng Rằm tháng Giêng
Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển, cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà gia đình nên “tùy tiền biện lễ”, dựa vào điều kiện kinh tế và số thành viên trong gia đình mà chuẩn bị phù hợp. Nhà ít người không nên làm quá nhiều món, quá nhiều mâm cỗ, sau đó không thể thụ lộc hết sẽ rất lãng phí.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng hầu như không thể thiếu thịt gà, xôi gấc/bánh chưng. Gà là vật cúng tế linh thiêng nhất, còn xôi gấc có màu đỏ sẽ mang đến may mắn cho gia đình trong năm mới.
Các món ăn khác như giò, chả, rau xào… cũng được dùng cúng gia tiên vào ngày này. Ngoài ra còn có hương, hoa tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu.
– Mâm cỗ cúng Phật bao gồm:
+ Hoa quả tươi được bày vào đĩa
+ Chè xôi
+ Các món đậu
+ Canh xào chay
+ Bánh trôi nước
Cỗ chay tùy loại sẽ có 10 đến 25 món khác nhau, trong đó, các món ăn phải có màu sắc phong phú, đẹp mắt tượng trưng cho ngũ hành.
– Mâm cỗ cúng gia tiên bao gồm:
+ 4 bát ninh măng, bát miến, bát mọc.
+ Đĩa thịt lợn hoặc thịt gà, đĩa giò hoặc chả, đĩa nem thính hoặc đĩa xào, đĩa dưa muối, đĩa xôi hoặc bánh chưng và bát nước chấm.
+ Hương, hoa tươi, quả tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu trắng, thuốc lá…
Các vật phẩm khác như:
– Hương hoa vàng mã
– Đèn nến
– Trầu cau
– Rượu.
Những điều kiêng kị trong ngày Rằm tháng Giêng
Những điều kiêng kị ngày Rằm tháng Giêng để mọi người có thể tham khảo nhằm có được may mắn cả năm:
– Không để bàn thờ bụi bẩn: Trước khi cúng rằm tháng Giêng, các gia đình cần lau chùi, dọn dẹp bàn thờ gia tiên cho thơm tho, sạch sẽ. Nên thắp một nén nhang khấn xin thần linh, tổ tiên về việc lau dọn. Tuyệt đối không xê dịch bát hương trong quá trình lau dọn bàn thờ. Các vật phẩm cúng được bày biện gọn gàng, đúng thứ tự, tránh đổ vỡ.
– Kiêng mâu thuẫn bất hòa: Trong ngày Rằm tháng Giêng, mọi người trong gia đình tránh mâu thuẫn, sống chan hòa, vui vẻ. Cha mẹ cũng không nên để con cái khóc lóc nhiều trong ngày này.
– Không nên đi đến những nơi có nguồn âm khí nặng như mồ mả, nơi hoang vu… Rằm tháng Giêng được cho là ngày có âm khí mạnh, không nên ra ngoài sau 10 giờ tối.
– Không nên để thùng gạo trong nhà trống rỗng.
– Kiêng cho vay tiền trong ngày Rằm tháng Giêng.
– Không được mặc quần áo rách bởi theo quan niệm của người xưa, mặc quần áo rách sẽ bị vận rủi đeo bám.
– Trong ngày Rằm tháng Giêng, gia chủ không nên sát sinh, giết thịt gà vịt để tránh vận xui; cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, không nên nói điểm gở trong ngày này.
– Không nên ăn các đồ ăn như thịt chó, thịt mèo, thịt vịt…
– Kị trang trí nến: Nên trang trí bằng đèn thay vì nến. Ánh nến lung linh, mờ ảo có thể rất lãng mạn nhưng lại không hề tốt lành vì nó tượng trưng cho tang sự, điềm xui xẻo, cái chết.
– Kiêng không cắt tóc nhổ răng. Người xưa thường nói rằng “cái răng cái tóc là góc con người” nên trong ngày này bạn không nên cắt tóc, nhổ răng để bảo vệ sức khỏe của mình.
Thanh Mai (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị