Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ vùng ĐBSCL
Để đến năm 2050, ĐBSCL có trình độ phát triển khá so với cả nước, điểm đến hấp dẫn với du khách, nhà đầu tư nên phát triển nguồn nhân lực KHCN, tạo nền tảng phát triển bền vững cho vùng là quan trọng.
Các bác sỹ Bệnh viện Đột quỵ-Tim mạch Cần Thơ thao tác chụp DSA với sự hỗ trợ của Robot Corindus. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN) |
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất nước ta.
Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển theo hướng toàn diện, sinh thái, văn minh, để đến năm 2050 đây là vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, là nơi đáng sống với người dân, điểm đến hấp dẫn với du khách và nhà đầu tư. Do đó, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, tạo nền tảng phát triển bền vững cho vùng là hết sức quan trọng.
Vai trò quan trọng
Theo các chuyên gia, hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, nhân lực khoa học và công nghệ nói riêng giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Bởi lẽ, dù công nghệ có phát triển đến đâu, điều cốt lõi nhất vẫn là con người, mọi ý tưởng, vận hành, thực thi vẫn đến từ con người.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Nhân và Thạc sỹ Hồ Thị Hà, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng nguồn nhân lực khoa học công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm hai thành phần chủ yếu là đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý tại sở, ban ngành (kể cả đội ngũ quản lý doanh nghiệp) và đội ngũ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tại các đơn vị, tổ chức như cán bộ nghiên cứu trong các viện, trường đại học, cán bộ kỹ thuật, công nghệ làm việc trong các doanh nghiệp, các cá nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội yêu thích khoa học công nghệ và có sáng kiến cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy đến hết năm 2021, dân số 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long là trên 17,4 triệu người (chiếm 17,7% dân số cả nước). Năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của vùng đạt gần 9,4 triệu, giảm 0,94% so với năm 2020, chiếm 53,7% so với dân số của vùng. Trong đó, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chiếm 14,6%, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ đại học chiếm trên 5%.
Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của vùng đã và đang góp phần đưa đồng bằng châu thổ trở thành “vựa lúa” trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, nơi chiếm 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và 70% lượng trái cây của cả nước.
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu, song theo một số chuyên gia, nhà quản lý, hiện nay, số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều bất cập. Đầu tư xã hội cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ có lúc, có nơi còn thấp, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, cần có những giải pháp thiết thực nhằm phát triển khoa học công nghệ và nâng cao vai trò của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh, bền vững.
Tầm nhìn và giải pháp phù hợp
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định các khâu đột phá chiến lược, trong đó nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Với Đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ phát triển lực lượng lao động chất lượng cao và có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó chú trọng các ngành trọng tâm của vùng. Đến năm 2030, phấn đấu tại vùng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp (dịch vụ và công nghiệp-xây dựng) đạt 75-80%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%.
Đồng thời, giải pháp đề ra đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp hệ thống giống chất lượng cao, các dịch vụ kỹ thuật chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nghiệp chủ lực của vùng; chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật canh tác hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với lũ cực đoan và hạn mặn. Vì vậy, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, toàn diện trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức quan trọng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố xác định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Tạo bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp như quy hoạch, đào tạo phát triển nhân lực khoa học và công nghệ gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển thành phố.
Thu hoạch tôm nuôi quản canh ở Bạc Liêu. (Ảnh: Võ Dũng/TTXVN) |
Thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích cán bộ khoa học và công nghệ phát huy trí tuệ, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ cống hiến, lao động sáng tạo.
Cần Thơ chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trình độ cao thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên; tạo điều kiện để nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học tham quan học tập, trao đổi, hợp tác nghiên cứu khoa học ở những nước có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại. Cùng với đó, thành phố tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết hợp tác các tỉnh, thành trong cả nước và hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; quan tâm phát triển doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển khoa học và công nghệ.
Cùng quan tâm giải pháp thu hút nguồn nhân lực cho các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sỹ Nguyễn Thành Nhân và Thạc sỹ Hồ Thị Hà, Trường Đại học Cần Thơ, đề xuất các địa phương trong vùng cần tập trung đầu tư phát triển và nâng cao năng lực nghiên cứu cho các tổ chức khoa học và công nghệ như Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu giống thủy sản…
Các đơn vị này sẽ là nòng cốt cho việc phối hợp triển khai các hoạt động khoa học công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các viện, trường, các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ. Qua đó, không chỉ tăng hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tại địa phương mà còn góp phần thu hút nguồn nhân lực cho vùng.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cần có những chính sách khuyến khích các hình thức hợp đồng tư vấn, làm việc ngắn hạn với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; xây dựng chính sách thu hút những nhà khoa học, chuyên gia tầm cỡ quốc tế có năng lực, trình độ, hiểu biết khoa học, công nghệ tiên tiến và sẵn lòng đóng góp cho sự phát triển của Vùng.
Đề xuất giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ, cụ thể là nguồn nhân lực có năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số để xây dựng những quy trình sản xuất hiện đại, bền vững cho nông nghiệp, thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam, mong muốn tiếp tục hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ trong đào tạo nhân lực ở các ngành như tự động hóa, lập trình, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, cơ khí, toán học, sinh học, hóa học, thủy sản, nông nghiệp và môi trường.
Doanh nghiệp sẽ đồng hành với trường thành lập chương trình “sinh viên vừa đi học vừa đi làm.” Sinh viên từ năm thứ hai, mỗi năm có thể đi làm 4 tháng có lương và về lại trường 8 tháng để học chuyên môn. Qua đó, sinh viên được trang bị những kiến thức nền tảng gắn kết với thực hành, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực cho Đồng bằng sông Cửu Long./.
Nguồn: Báo xây dựng