Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 1/2/2023
Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 1/2/2023
Theo dõi MTĐT trên
Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/2/2023, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất của Hà Nội ngày 1/2 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.
Hà Nội sắp thanh tra việc thực hiện hạ tầng tại một số khu đô thị
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra năm 2023 của Thanh tra Sở Xây dựng.
Theo kế hoạch, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với một số dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Hoài Đức, Gia Lâm, Ứng Hòa. Đối tượng thanh tra là chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan.
Thanh tra Sở Xây dựng cũng thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng tại UBND một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Đồng thời, thanh tra việc thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với một số khu đô thị trên địa bàn Thủ đô.
Bên cạnh thanh tra theo kế hoạch, Sở Xây dựng cũng chú trọng thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra…
Theo báo cáo giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội năm 2022, Thành phố đang triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2ha trở lên. Trong đó, có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm tỷ lệ 63%.
Ở nhiều khu đô thị, khu nhà ở, hệ thống chiếu sáng thuộc nhiệm vụ của chủ đầu tư nhưng chưa được hoàn thiện, chưa đồng bộ, hoặc hỏng nhưng chậm được sửa chữa. Đặc biệt, thiếu bãi đỗ xe là thực trạng phổ biến.
Trong năm 2022, Thanh tra Sở Xây dựng đã thực hiện 12 cuộc thanh tra chuyên ngành; Kiểm tra hoạt động đầu tư xây dựng đối với 105 dự án về việc chấp hành quy định của pháp luật trong trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình… Qua công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm chủ đầu tư có vi phạm, Thanh tra Sở đã ban hành 45 Quyết định xử phạt (không phép, sai phép, sai quy hoạch, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng…) với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.
Hà Nội: Cấp huyện được cấp phép chặt hạ, di chuyển cây xanh
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 612 về việc ủy quyền cho UBND cấp huyện giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố.
Quyết định ủy quyền cho UBND cấp huyện giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố, gồm: Thủ tục cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh nằm trên địa bàn 1 huyện và địa bàn thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp huyện.
Thủ tục giải quyết chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà ở xây dựng trên đất trống trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước quy định tại Khoản 3, Điều 71 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Thành phố cũng ủy quyền cho UBND cấp huyện giải quyết thủ tục cấp giấy phép di dời đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II (công trình không theo tuyến/theo tuyến trong đô thị/tín ngưỡng, tôn giáo/tượng đài, tranh hoành tráng/theo giai đoạn cho công trình không theo tuyến/theo giai đoạn cho công trình theo tuyến trong đô thị/dự án).
Thời hạn ủy quyền các thủ tục trên kể từ ngày 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND thành phố và pháp luật về việc thực hiện nội dung ủy quyền nêu trên theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.
Hà Nội tiếp tục siết các khoản chi, giảm biên chế năm 2023
Tin tức trên Tiền Phong, năm 2023, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Hà Nội sẽ được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Trong đó, thành phố thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2022 của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ngay từ khâu xây dựng dự toán để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ cấp bách khác; sử dụng 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương so với dự toán năm 2022 để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định.
Đồng thời, thành phố cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu… để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và chi các nhiệm vụ cấp bách khác. Kiểm soát chặt chẽ công tác phân bổ, quản lý, sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước.
Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 giảm tối thiểu 3% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2022, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước tương ứng mức giảm chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, các đơn vị thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, đảm bảo phù hợp với năng lực và khả năng thực hiện của dự án.
Hà Nội kiểm định xong 126 nhà chung cư cũ
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Theo đó, trong năm 2022: Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch khu vực đô thị đạt 100%; Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn: hệ thống mạng cấp nước đã hoàn thành có khả năng đấu nối cấp nước cho khoảng 85% số hộ dân khu vực nông thôn; Tỷ lệ rác thải được thu gom và vận chuyển trong ngày khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 28,8%.
Về phát triển đô thị, nhà ở: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025. Sở Xây dựng cho biết, đã trình UBND Thành phố phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Trong năm 2022 hoàn thành 1.340.000 m2 sàn nhà ở (đạt 109% kế hoạch), trong đó: 985.000 m2 sàn nhà ở thương mại (tại 16 dự án) và 257.000 m2 sàn nhà ở xã hội (tại 3 dự án).
Về cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các Kế hoạch triển khai Đề án. Năm 2022 có 2 dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành thi công xây dựng và đang tiếp tục thực hiện 7 dự án. Đã thực hiện kiểm định xong 126 nhà chung cư cũ.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý trật tự xây dựng theo giấy phép xây dựng; thanh tra việc thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại một số khu đô thị trên địa bàn Thủ đô.
Hoạt động thanh tra của Sở Xây dựng bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhiều đơn thư khiếu nại, dư luận có nhiều ý kiến.
Bên cạnh thanh tra theo kế hoạch, Sở Xây dựng cũng chú trọng thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra,..
Nhiều địa phương tại Hà Nội lên kế hoạch đấu giá đất
Năm 2023 được nhận định là một năm khó khăn của thị trường bất động sản. Điều này sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch đấu giá đất của nhiều địa phương.
Khu đất đấu giá có diện tích 15 ha nằm ngay tại trung tâm xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội. Mặc dù nhận định thị trường bất động sản đang chững, nhưng ông Phú (xã Liên Mạc, Mê Linh, Hà Nội) vẫn chờ đợi phiên đấu giá tại dự án này.
Đại diện trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cho biết, do năm nay lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cao, nên khách hàng tham gia đấu giá phần lớn là người có nhu cầu ở thật.
“Làm những khu đấu giá lớn, đủ diện tích để quy hoạch đồng bộ và dành cho diện tích công cộng. Như vậy, vừa nâng được giá trị đất đai, tạo không gian đô thị trong các khu nông thôn. Chính nguồn đấu giá trong khu vực nông thôn là những nguồn đấu giá thực chất nhất”, ông Đinh Ngọc Thức, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh, Hà Nội, cho biết.
Còn quận Long Biên, để chuẩn bị cho công tác đấu giá năm 2023, quận đã tiến hành đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục đầu tư đối với các dự án có quy mô lớn đưa ra đấu giá, với hy vọng các chủ đầu tư trúng đấu giá có thể triển khai ngay, rút ngắn được thời gian vài năm làm thủ tục và có sản phẩm để đón đầu khi thị trường bất động sản hồi phục trong 1 – 2 năm tới.
“Đối với những khu đất dự án này, chúng tôi đã tiến hành giải phóng mặt bằng, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đang tiếp tục được đầu tư. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tính toán được lợi nhuận và mặn mà tham gia đấu giá”, ông Nguyễn Thế Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Long Biên, Hà Nội, thông tin.
Nhanh chóng khống chế, dập tắt đám cháy nhà dân tại phố cổ
Khoảng 12h33’ ngày 1/2, tại ngôi nhà số 5 trên phố Hàng Mắm, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, đã xảy ra cháy. Điểm lửa xuất phát từ tầng tum của ngôi nhà 4 tầng. Đám cháy nhanh chóng bao trùm khu vực xung quanh khiến khói lửa bốc lên dữ dội. Nhiều người dân hoảng sợ khi phát hiện sự việc và cấp báo lực lượng Cảnh sát PCCC.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an quận Hoàn Kiếm đã xuất 2 xe cứu hỏa nhanh chóng tiếp cận hiện trường, tổ chức chữa cháy. Sau chừng nửa giờ tập trung chữa cháy, đám cháy đã được dập tắt. Vụ cháy không gây thiệt hại về người song một số tài sản, đồ đạc của gia đình đã bị hư hỏng.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị