Hà Nội: Hiệu quả sau 5 năm thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã
(Xây dựng) – Sáng 1/2, Sở Xây dựng và Sở Nội vụ Hà Nội phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá 5 năm triển khai thực hiện mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Thành phố Hà Nội. Hội nghị đã tập trung đánh giá hiệu quả hoạt động sau khi thực hiện mô hình thí điểm, các khó khăn, bất cập trong quá trình quản lý trật tự xây dựng tại địa phương. Từ đó đề xuất tìm ra mô hình hiệu quả trong quản lý trật tự xây dựng trên toàn địa bàn Hà Nội thời gian tới.
Ông Võ Nguyên Phong – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Võ Nguyên Phong – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Trước đó, tại Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018, Quyết định số 35/2020/QĐ-TTg ngày 9/12/2020, Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận huyện, thị, xã trong thời gian 5 năm (kể từ ngày 10/8/2018 đến ngày 10/8/2023); đồng thời giao UBND Thành phố Hà Nội tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/5/2023. Đến nay, đã hơn 04 năm thực hiện Mô hình thí điểm nêu trên và ghi nhận đạt nhiều kết quả cao và đem lại tích cực trong công tác quản lý trật tự xây dựng.
“Nhằm đảm bảo báo cáo phản ánh trung thực, toàn diện kết quả mô hình, có căn cứ pháp lý, thực tiễn cho việc báo cáo đề xuất mô hình tiếp theo, Hội nghị tổng kết hôm nay sẽ được thực hiện với 2 mục tiêu chính: Thứ nhất, lấy ý kiến của các Sở ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị góp ý đối với dự thảo báo cáo, ý kiến từ cơ sở về những thuận lợi, khó khăn, bất cập khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm; Thứ hai, xin ý kiến tham vấn, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về mô hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị sau ngày 10/8/2023” – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh.
Tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý trật tự xây dựng
Báo cáo tổng kết 05 năm thí điểm, ông Hoàng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được đánh giá là một mô hình hiệu quả. Bởi sau khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình xây dựng được kiểm soát, các vi phạm được phát hiện kịp thời. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xức dư luận dần được hạn chế. Các công trình vi phạm tồn đọng đã được rà soát, phân loại, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đô thị từng bước được nâng cao. Các công trình vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng dần được giảm thiểu về số lượng và quy mô vi phạm.
Cụ thể, so với cùng kỳ 04 năm trước khi thực hiện, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn thành phố tăng 2,9% (từ 96,59% lên 99,49%). Tỷ lệ số công trình có vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 5,13% (từ 8,82% xuống 3,69%). Bên cạnh đó, số lượng công trình vi phạm giảm 4.331 trường hợp (từ 7.142 trường hợp còn 2.811 trường hợp). Tỷ lệ công trình vi phạm đã giải quyết dứt điểm giảm 8,92% (từ 91,73% còn 82,81%).
Ưu điểm của mô hình thí điểm là tạo sự thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND quận, huyện, thị xã về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương; nâng cao tính chịu trách nhiệm toàn diện của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Chức năng, nhiệm vụ của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, trách nhiệm, cơ chế tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng đã được quy định cụ thể, bảo đảm nguyên tắc 5 rõ “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”. Tình trạng chồng chéo chức năng hoặc né tránh trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng dần được hạn chế…
Tuy nhiên, mô hình thí điểm còn bất cập trong quá trình thực hiện: Khó khăn trong việc sắp xếp bộ máy và hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức bộ máy không ổn định. Các Đội không được hưởng phụ cấp ngành, không có trang phục ngành…
Toàn cảnh Hội nghị. |
Đề xuất bổ sung một tổ chức hành chính như Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị vào Luật Thủ đô
Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND các quận, huyện, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị các quận, huyện, thị xã đã có những đánh giá về hiệu quả hoạt động sau khi thực hiện mô hình thí điểm, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn, bất cập trong quá trình quản lý trật tự xây dựng tại địa phương; từ đó tham mưu cùng các cấp để sớm tìm ra mô hình chính thức sau khi hết thời gian thí điểm.
Trong quá trình trao đổi và tham mưu ý kiến, nhiều đồng chí lãnh đạo đại diện các quận, huyện, thị xã đã có những đóng góp tích cực, thực tiễn trong phương án đề xuất mô hình quản lý trật tự xây dựng sau khi hết thời gian thí điểm 10/8/2023, đơn cử như:
Ông Nguyễn Hùng Toàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho rằng: Đội Quản lý trật tự xây dựng đã có từ năm 1990, trải qua nhiều mô hình khác nhau. Khẳng định mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã hiện nay là hợp lý, hiệu quả và rất quan trọng trong công tác quản lý hoạt động xây dựng tại địa bàn, lãnh đạo huyện Thanh Trì đề nghị cơ quan chức năng cần sớm “chốt” mô hình chính thức để cán bộ công chức yên tâm công tác.
Ông Nguyễn Đình Hoa – Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ chia sẻ: “Về mô hình hoạt động trong thời gian tới, đề xuất, trong sửa đổi Luật Thủ đô tới đây, cần bổ sung quy định cho phép thành phố thành lập cơ quan đặc thù theo hướng quy định chức năng, nhiệm vụ của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị như thanh tra xây dựng bố trí tại các quận, huyện; hoặc bổ sung quy định chức năng quản lý trật tự xây dựng cho Phòng Quản lý đô thị cấp huyện, tăng biên chế cho phòng này; bố trí mỗi xã, phường một biên chế làm quản lý trật tự xây dựng”.
Ông Chu Hồng Uy – Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng ghi nhận những kết quả tích cực của mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc các quận, huyện tại Thành phố Hà Nội thời gian qua và đánh giá, đây là mô hình đang phát huy hiệu quả tốt; cơ bản phù hợp thực tế. Đồng thời, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cũng tham vấn ý kiến thêm: “Thời gian thí điểm đã kéo dài một lần, vì vậy, thời gian tới, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ cần tham mưu thành phố sớm đề xuất bổ sung một tổ chức hành chính như Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị vào Luật Thủ đô đang đề xuất sửa đổi hiện nay, để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện phù hợp”.
Kết thúc Hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Sở Xây dựng – Sở Nội vụ sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến quý báu tại Hội nghị để tiếp tục báo cáo, đề xuất, kiến nghị Thành phố, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của mô hình hiện nay cũng như đề xuất mô hình thực hiện tiếp theo sau khi hết thời gian thí điểm. Tổ thư ký ghi chép, tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, trên cơ sở đó, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ hoàn thiện báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả, làm rõ mô hình, chức năng nhiệm vụ để báo cáo UBND Thành phố Hà Nội, đề xuất Thủ tướng Chính phủ mô hình quản lý trật tự xây dựng tiếp theo sau ngày 10/8/2023. Đồng thời, mong muốn nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện của các Bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp hiệu quả của các Sở, ban, ngành, của UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố trong việc báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ về mô hình nói riêng cũng như trong công tác quản lý trật trự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói chung.
Nguồn: Báo xây dựng