Thủ tướng: Thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao đời sống lao động

Ngay trong tháng 2/2023, các bộ, ngành, cơ quan phối hợp, làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng chương trình phối hợp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng: Thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao đời sống lao động
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 1/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2022, đề ra nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2023 và thời gian tới.

Đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng dự.

Lắng nghe, giải quyết các vấn đề người lao động quan tâm

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội đất nước hồi phục và có bước phát triển mạnh ở các ngành, lĩnh vực chủ yếu; Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Nghị quyết của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đạt kết quả trên tất cả các mặt công tác.

Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, thiết thực, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.

Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong xây dựng, hoàn thiện và tuyên truyền chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách liên quan đến người lao động; cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động; đề xuất, kiến nghị, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, nhà ở; đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí của công nhân, lao động…

Tổng Liên đoàn phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức giám sát về tình hình thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện cho người lao động tại doanh nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và các chính sách hỗ trợ liên quan khác; từ đó kiến nghị nhiều chính sách quan trọng.

Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, Tổng Liên đoàn đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, tập trung vào kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, công nhân, lao động, góp phần vào việc thực hiện đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đã tích cực tham dự các hoạt động của tổ chức Công đoàn. Vào dịp Tết Nguyên đán, các lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tham gia hoạt động chăm lo cho người lao động, đi thăm, chúc Tết, tặng quà tới đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tham dự hoạt động Tết Sum vầy, trao Mái ấm Công đoàn tại các tỉnh, thành phố.

Trong năm, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với công nhân đồng thời kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chủ đề “Công nhân Việt Nam: tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, thích ứng, an toàn” để lắng nghe, chia sẻ, trao đổi tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề công nhân, lao động quan tâm.

Tổng Liên đoàn đề xuất Chính phủ chỉ đạo, tổ chức cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất;” thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân, đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam; chính sách phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP; giải quyết tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động; xây dựng Nghị định để thực hiện Luật Khám chữa bệnh; sớm thực hiện Đề án cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức; chính sách phù hợp để tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân; thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn…

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành tập trung thảo luận về những kết quả đạt được trong công tác phối hợp; những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, bài học kinh nghiệm; những giải pháp thiết thực để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho công nhân lao động, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Các đại biểu quan tâm nhiều tới việc thực hiện các chính sách đối với công nhân, người lao động, đoàn viên công đoàn, nhất là về nhà ở, đời sống vật chất, tinh thần, ổn định việc làm, thu nhập, chính sách bảo hiểm; cùng với đó là chế độ đối với cán bộ công đoàn ở cơ sở… Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan phát biểu giải đáp các đề xuất, kiến nghị của đại diện các cấp công đoàn.

Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2022, tuy có nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên tất cả các mặt.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế trên đà phục hồi, các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động, việc làm đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống nhân dân được cải thiện. An sinh xã hội được bảo đảm. Trong đó, trên 68,43 triệu lượt người lao động và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 104.500 tỷ đồng.

Đặc biệt, đánh giá về Tết Quý Mão, Ban Bí thư đã khẳng định chúng ta đã tổ chức Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Nhìn chung mọi người, mọi nhà đều có Tết.

Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao và cám ơn sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành có hiệu quả của Công đoàn Việt Nam, đoàn viên và người lao động cả nước, góp phần quan trọng vào thành công chung của cả nước.

Thủ tướng cho biết triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 về phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và Chỉ thị 03 về các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết.

Thủ tướng khẳng định Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội được Chính phủ thực hiện toàn diện, bài bản, khoa học, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn; vừa giải quyết vấn đề thường xuyên, vừa giải quyết vấn đề tồn đọng và những vấn đề phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, trong đó có các vấn đề liên quan đến người lao động. Theo đó, cùng với ban hành các văn bản chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã và sẽ làm việc với các bộ, ngành để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế vĩ mô; thực hiện ba đột phá chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; làm việc với các bộ, ngành, hiệp hội để thúc đẩy mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tạo công ăn việc làm, ổn định và nâng cao đời sống người lao động…

“Cuộc họp này là một trong những hoạt động, nhằm triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống người lao động,” Thủ tướng khẳng định.

Về nhiệm vụ phối hợp công tác năm 2023 và thời gian tới, trên cơ sở phân tích điều kiện, môi trường hoạt động công đoàn, với dự báo có những thay đổi quan trọng, gặp nhiều thách thức hơn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cấp công đoàn thực hiện toàn diện các thỏa thuận đã cam kết. “Đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả nhìn thấy, đo đếm được,” Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng: Thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao đời sống lao động
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cấp Công đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Chính phủ, chung sức, đồng lòng triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư. Cùng với đó, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17/01/2022 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028. Theo đó, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, xứng đáng là thủ lĩnh đại diện cho người lao động, để qua mỗi cán bộ công đoàn sẽ xây dựng, bồi đắp niềm tin yêu của đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, là cầu nối quan trọng của Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và người lao động; tuyên truyền, phổ biến, đưa các nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động; đồng thời chuyển tải, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của người lao động, doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Các cấp công đoàn quan tâm công tác phát triển đảng viên trong công nhân, người lao động, đặc biệt là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động; làm tốt công tác giám sát việc thực hiện chế độ lương, thưởng đối với người lao động của người sử dụng lao động.

Các ban, bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp Công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động, nhất là vấn đề ổn định việc làm, nâng cao thu nhập; vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí; vấn đề chậm đóng bảo hiểm xã hội và rút bảo hiểm xã hội một lần; việc tuân thủ chính sách, pháp luật của người sử dụng lao động.

Tổng Liên đoàn phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, trước hết là kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, các cấp Công đoàn cần tiếp tục phát động, triển khai các phong trào thi đua vượt khó, “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo,” “Năng suất cao, chất lượng tốt,” “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt;” thực hiện Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước;” vận động đoàn viên, người lao động tích cực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Ba nhiệm vụ trọng tâm nâng cao đời sống người lao động

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung vào ba nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Theo đó, Thủ tướng giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Ngoại giao, Lao Động-Thương binh và Xã hội dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn, mở rộng thị trường, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề cho người lao động. Các Bộ: Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Tài Chính dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động. Các Bộ: Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo dưới dự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa, xây dựng các thiết chế về văn hóa, giáo dục, y tế phục vụ người lao động.

“Ngay trong tháng 2/2023, các bộ, ngành, cơ quan phối hợp, làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng chương trình phối hợp cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, tránh hình thức; báo cáo Thủ tướng Chính phủ,” Thủ tướng lưu ý.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây đều là những đề xuất chính đáng và đang được Chính phủ chỉ đạo giải quyết, xử lý. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa đạt mong muốn. Tại Hội nghị, Thủ tướng giao từng việc cụ thể và yêu cầu các bộ, ngành để thúc đẩy thực hiện.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất,” nhất là các chính sách liên quan nhà ở cho công nhân, người lao động, nhà cho công nhân thuê, mua, thuê mua trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014.

Thủ tướng: Thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao đời sống lao động
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang báo cáo công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân, đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, trong đó có chính sách đối với giáo dục mầm non. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non cho con công nhân trong thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo quy định tại Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, đề xuất biện pháp xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện của người lao động và giải pháp cụ thể bảo đảm quyền lợi của hơn 200.000 người lao động là nạn nhân.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trình cấp có thẩm quyền về lộ trình thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm đề xuất trình Chính phủ cho chủ trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 02-NQ/TW về tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân, thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích