Sầm Sơn (Thanh Hóa): Đổi thay đáng ghi nhận tại đền Độc Cước
(Xây dựng) – Được xây dựng vào thời Trần, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đền Độc Cước vẫn uy nghi tọa lạc trên bờ biển tại Thanh Hóa. Tu bổ và tôn tạo vào thời nhà Lê, Nguyễn, lần tu bổ gần đây nhất là năm 2006, đến năm 2008, ngôi đền tu bổ hoàn thành kịp thời phục vụ nhân dân và du khách.
Bước qua khoảng 45 bậc đá, qua tam quan, người dân và du khách sẽ chiêm ngưỡng sự linh thiêng huyền bí từ ngôi đền. |
Bước qua khoảng 45 bậc đá, qua tam quan, người dân và du khách sẽ chiêm ngưỡng sự linh thiêng huyền bí toát ra từ cảnh sắc và những bức tượng, phù điêu… của ngôi đền. Đền Độc Cước ngự trên hòn Cổ Giải (cổ con rùa biển) là phần đầu của dãy núi Trường Lệ nhô ra biển, nơi hội tụ linh khí đất trời, rừng xanh nước thẳm. Đền đúng như tên gọi là ngôi đền thờ vị thần một chân, một vị thánh được xem là “Chu Minh thánh vị” tài giỏi dũng cảm hơn người. Trong sắc phong Cảnh Hưng thứ 44 ngày 26/7 có ghi: “Vị thánh linh thiêng vào bậc nhất trong hàng thánh mà không vị nào bằng. Ngài đem sự tài giỏi linh thiêng ấy để gìn giữ bờ cõi cho đất nước, bảo vệ dân lành và muôn vật. Đối với kẻ ác trừng trị thẳng tay, thật là một vị thánh đầy đủ nhân hậu”.
Du khách Trần Thị Huệ, thường trú tại thành phố Vinh, Nghệ An chia sẻ: “Trước đây, mỗi độ Tết đến xuân về, gia đình tôi luôn chọn đền Độc Cước là nơi vãn cảnh, cầu may đầu năm. Mấy năm nay, dịch bệnh Covid-19 chúng tôi không đi được, nay dịch bệnh được khống chế, gia đình tôi lại du xuân đầu năm. Đã 3 năm tôi không đến đây, trở lại thấy mọi điều đổi khác rất nhiều, không còn thấy hiện tượng xả rác bừa bãi như mọi năm, thay vào đó là không gian sạch, đẹp, bãi đậu xe cũng được quy củ trật tự hơn. Đặc biệt là khu vực hóa vàng mã được nhà đền đưa vào phía sau, tạo không gian thoáng và vệ sinh cho cảnh quan của ngôi đền. Đường dẫn lên đền Cô Tiên được cắm nhiều biển cảnh báo đảm bảo an toàn cho du khách du xuân. Bởi vậy, bản thân tôi cùng gia đình lựa chọn đến lễ đền Độc Cước trong hành trình trẩy hội mùa xuân, mong một năm “mưa thuận gió hòa” với tôi và người thân của tôi”.
Điện chính đền Độc Cước trải qua bao thời gian vẫn giữ được nét độc đáo của cảnh sắc, phù điêu thời nhà Trần. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch UBND thành phố Sầm Sơn cho biết: “Để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm 2023, toàn bộ trung tâm phối hợp với các ban ngành liên quan, đã đầu tư chỉnh trang lại một số hạng mục chưa hợp lý, tu sửa lại vài vị trí xuống cấp, di chuyển vị trí hóa vàng mã… và đảm bảo an ninh trật tự cho du khách đến dâng hương nhân dịp đầu năm mới. Theo thống kê sơ bộ từ giao thừa năm Quý Mão 2023 đến 15h chiều mùng 4 Tết, chúng tôi đón khoảng hơn 30 ngàn lượt du khách”.
Dù dịch Covid-19 được khống chế, nhiều du khách vẫn vẫn thực hiện phương án phòng dịch. |
Với việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, thành phố Sầm Sơn đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn đẹp trong lòng bạn bè, du khách. Từ khoảng giữa năm 2022, dịch Covid-19 được khống chế, thành phố Sầm Sơn chính thức mở cửa đón du khách với nhiều hoạt động du lịch, văn hóa với 19 lễ hội, chương trình văn hóa nghệ thuật, kỷ niệm như: Lễ hội cầu phúc, đền Độc Cước; kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn và Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn hoạt động trở lại.
Nguồn: Báo xây dựng