Chương trình đảm bảo đo lường được triển khai rộng khắp tại các tỉnh, thành trên cả nước
Nhằm tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Gọi tắt là Đề án 996). Đề án 996 sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên triển khai áp dụng hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá.
Để triển khai Đề án 996, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 về việc phê duyệt Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 về việc ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.
Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp là mục tiêu xuyên suốt, cốt lõi của Đề án 996. Mục tiêu cụ thể của các giai đoạn triển khai Đề án 996 đều đề cập đến việc triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 50.000 doanh nghiệp trong giai đoạn đến năm 2025 và cho ít nhất 100.000 doanh nghiệp trong giai đoạn đến năm 2030.
Theo đánh giá của TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), thời gian qua, Chương trình đảm bảo đo lường đã được triển khai rộng khắp tại các tỉnh, thành trên cả nước, với nhiều địa phương điểm, doanh nghiệp điểm mang lại nhiều kết quả tích cực.
“Tổng cục đã xây dựng các chương trình đào tạo về chuyên gia tư vấn đối với chương trình đảm bảo đo lường với hai cấp độ là đào tạo cơ bản và nâng cao. Thời gian qua, Tổng cục đã tổ chức đào tạo rất thành công ở khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam với sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp trong lĩnh vực đo lường”, TS. Hà Minh Hiệp cho biết.
Có thể kể đến như tại Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 10/3/2020 để thực hiện Đề án 996 trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, Sở KH&CN đã lựa chọn 03 doanh nghiệp là Công ty Xăng dầu Bắc Thái, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo để hỗ trợ xây dựng 03 mô hình điểm về Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp. 03 mô hình điểm này sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tỉnh Thái Nguyên triển khai hiệu quả Đề án 996 trong giai đoạn đến năm 2025.
Tiếp đó, tại tỉnh Bắc Giang, đầu tháng 9/2022, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh đã tổ chức xây dựng mô hình điểm về triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các nội dung cơ bản để triển khai hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp gồm: Phổ biến, tập huấn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý một số chính sách của nhà nước về đổi mới hoạt động đo lường để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế theo Đề án 996.
Thống nhất đầu mối quản lý và triển khai xây dựng, thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại 03 doanh nghiệp đã đăng ký. Hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị và cung cấp thông tin sơ bộ về thực trạng đo lường tại doanh nghiệp, những lợi ích khi triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp. Một số kinh nghiệm thực tế xây dựng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Lãnh đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bắc Giang nhận định, đây là bước triển khai ban đầu giúp doanh nghiệp đăng ký tham gia mô hình điểm tiếp cận và triển khai chương trình đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, hội nhập với thế giới. Đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp không chỉ là đảm bảo phương tiện đo mà còn đảm bảo cả năng lực, hệ thống quản lý, năng lực thực hiện và các năng lực khác.
Đầu tháng 1/2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Hội thảo “Đo lường đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp” và Lễ Kỷ niệm ngày Đo lường Việt Nam. Tại chương trình, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường nhấn mạnh vai trò hoạt động đo lường đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp, theo đó, trong thương mại, đo lường đảm bảo công bằng và chính xác, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo lợi ích hợp pháp doanh nghiệp trong các giao dịch kinh tế, tăng tính cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia thị trường trong nước và quốc tế…
Trong công nghiệp, đo lường đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu và vật tư tiêu hao, kiểm soát môi trường sản xuất, đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, bảo vệ sức khỏe và môi trường trong sản xuất, là công cụ để quản lý quá trình sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đấy đổi mới công nghệ, tối ưu trong sản xuất,…
Hạ tầng đo lường quốc gia đồng bộ, hiện đại, đảm bảo các thiết bị đo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đo lường và được thừa nhận quốc tế sẽ giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp không phải mang chuẩn, thiết bị đo ra nước ngoài để liên kết chuẩn; hạn chế việc phải tiến hành đo kiểm tra lại các chỉ tiêu chất lượng hàng hóa khi thông quan.
Thanh Tùng