Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo – động lực xây dựng nền nông nghiệp năng suất, chất lượng

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH&CN và ĐMST) ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra mục tiêu tổng quát là phát triển KH&CN và ĐMST trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và quốc tế, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại.

Xây dựng hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các luận cứ và sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất; góp phần nâng cao nhanh thu nhập và cải thiện đời sống nông dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%. Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%. Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật…, được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030.

Cùng với đó là có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030.

Ngành sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển từ 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% vào năm 2030.

Nhằm đạt được những kết quả nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra một số giải pháp. Cụ thể như, truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân về sứ mệnh, vị trí, vai trò của KH&CN và ĐMST; đổi mới tư duy để KHCN và ĐMST trở thành khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững với môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành.

Nâng cao tính tự chủ, vai trò, quyền hạn và trách nhiệm toàn diện của người đứng đầu tổ chức KH&CN trong việc hoạch định chiến lược, định hướng nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; quản trị tổ chức, nhân sự để sử dụng hiệu quả nguồn lực được đầu tư, tạo ra các sản phẩm khoa học, công nghệ được đưa vào sản xuất.

Đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Tiếp tục quan tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường thiết chế hợp tác công – tư, đồng tài trợ giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển đồng bộ, gắn kết chặt chẽ các ngành khoa học với doanh nghiệp, ưu tiên nâng cao năng lực đón đầu các ứng dụng KH&CN tiên phong ở trình độ cao.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực xây dựng nền nông nghiệp năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ảnh minh họa.

Bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập phản biện trong tuyển chọn và xét chọn nhiệm vụ KH&CN; trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN và tổ chức KH&CN công lập, đi đôi với cơ chế đánh giá độc lập và giám sát xã hội, công khai kết quả hoạt động KH&CN. Rà soát hiện trạng để đầu tư có chọn lọc đối với một số tổ chức KH&CN trọng điểm, hiệu quả.

Tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư và tài chính cho KH&CN trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên hiệu quả đầu ra. Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhiệm vụ KH&CN, quản lý tài chính theo thông lệ quốc tế, giảm tối đa thủ tục hành chính cho các nhà khoa học; giao quyền sở hữu kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì để thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Đồng thời, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN và ĐMST, có cơ chế kinh tế, tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia mạnh hơn vào hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ.

Tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng cơ sở vật chất cho khối viện, trường; tăng cường trang thiết bị nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành; đầu tư tăng cường tiềm lực thông tin KH&CN. Đầu tư một số Viện, Trường trở thành đơn vị nghiên cứu và đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Kết hợp đồng bộ giữa hạ tầng nghiên cứu, môi trường học thuật tiên tiến và tự chủ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng và các cơ hội phát triển nghề nghiệp thuận lợi cho nhà khoa học. Ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thông qua các chương trình KH&CN cấp Quốc gia, cấp Bộ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN có tâm huyết, chuyên môn hóa cao, có kinh nghiệm, có khả năng nghiên cứu kết hợp tư vấn, chuyển giao sản phẩm KH&CN trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp góp phần đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng các sản phẩm của nghiên cứu, chuyển giao…

Thanh Tùng 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích