Vua Trần đã bao dung với người tài để chuyển xoay vận nước

(Xây dựng) – Bất cứ người Việt nào, hễ đọc sử Việt thì đều biết đến trận đại thắng Vân Đồn, nhấn chìm toàn bộ 170 vạn thạch lương (khoảng 14.000 tấn) của giặc Nguyên, diễn ra vào tháng 1/1288, và người chỉ huy trận đánh đó là danh tướng, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư.

Vua Trần đã bao dung với người tài để chuyển xoay vận nước

Sử chép: Trần Khánh Dư quê ở Chí Linh (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay), ông sinh năm 1240, mất năm 1340, thọ 100 tuổi, là con trai của Thượng tướng Nhân Huệ hầu Trần Phó Duyệt. Trần Khánh Dư là người có sức khỏe, giỏi võ nghệ, tinh thông thao lược, lập được nhiều chiến công trong hai lần kháng chiến chống quân Nguyên (1258 và 1285), ôngđược vua Trần nhận làm “thiên tử nghĩa nam (con nuôi của vua)” và được phong làm phiêu kỵ đại tướng quân, tước Nhân Huệ vương. Nhưng sau phạm tội, phải chịu hình phạt đánh 100 gậy.

Thông thường, không người nào chịu nổi 100 gậy mà không chết. Nhưng vì là con nuôi của vua, nên khi hành hình, nhà vua đã ngầm dặn quân lính đánh chúc đầu gậy xuống đất. Vì thế mà sau khi chịu hình phạt, Trần Khánh Dư vẫn sống. Luật nhà Trần hồi ấy quy định, nếu đánh 100 gậy mà không chết, tức là trời tha. Do vậy Trần Khánh Dư được tha tội, nhưng bị cách hết chức tước, phải về quê làm nghề đốt than mưu sinh.

Giặc Nguyên sang xâm lược lần thứ hai. Vua Trần tổ chức họp mặt các vương hầu ở bến Bình Than để bàn kế chống giặc. Đang ngồi trên thuyền, nhà vua nhìn thấy một người nón mê áo rách, chèo một con thuyền nhỏ chở đầy than lướt qua, vừa đi vừa hát : Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn/ Hỏi rằng chi đó, gửi rằng than.

Vua bảo: Người chèo thuyền kia không phải Khánh Dư thì là ai?

Nói rồi, vua cho sứ giả chèo thuyền đuổi theo tuyên triệu. Khánh Dư đáp: Tôi chỉ là một người đốt than, chỉ biết ngày ngày lầm lũi với than với củi, có việc gì mà nhà vua phải triệu.

Nghe sứ giả tâu lại, vua quả quyết: Đó chắc chắn là Khánh Dư. Nếu không phải là hắn thì không thể nói như vậy.

Liền cho sứ giả đuổi theo lần thứ hai, lúc đó Trần Khánh Dư mới chịu theo sứ giả lên thuyền. Vua cho ngồi cùng với các vương hầu bàn bạc. Trần Khánh Dư luận bàn nhiều điều rất hợp ý vua. Tan họp, vua khôi phục lại tất cả chức tước cho ông, giao chỉ huy một đội quân trấn thủ ở Vân Đồn, một vị trí xung yếu của đất nước.

Sau 2 lần thất bại ở Đại Việt, vua Nguyên Hốt Tất Liệt vô cùng cay cú, quyết định phát binh diệt Đại Việt cho bằng được. Năm 1287, vua Nguyên cho con trai là Thoát Hoan làm Trấn Nam vương, dẫn 50 vạn quân tiến sang Đại Việt lần thứ ba.

Rút kinh nghiệm từ 2 lần trước, đánh nhau ở chiến trường xa thực chất là đánh bằng lương thảo (lương cho người ăn và cỏ cho ngựa ăn). Bên nào chủ động được đủ lương cho quân ăn, bên đó sẽ dành được chiến thắng. Sở dĩ hai lần trước thất bại, vì quân Nguyên thiếu lương ăn, cướp lương ở Đại Việt thì không được, vì người dân Đại Việt, theo lệnh vua Trần, đã cất dấu lương thực rất kỹ. Nên lần này, vua Nguyên chia quân làm 2, đạo quân do Thoát Hoan chỉ huy tiến theo đường bộ. Đạo quân thứ hai do Trương Văn Hổ chỉ huy, dùng một đoàn thuyền lớn chở 170 vạn thạch lương (khoảng 14.000 tấn) theo đường biển sang Đại Việt. Đoàn thuyền lương được Ô Mã Nhi, một viên tướng rất thạo thủy chiến, dẫn một đoàn chiến thuyền đi theo bảo vệ, Hai đạo quân của Thoát Hoan và Ô Mã Nhi – Trương văn Hổ sẽ hội nhau ở Vạn Kiếp (nay thuộc Hà Nội).

Khi đoàn quân của Ô Mã Nhi đến Vân Đồn, tướng trấn thủ Vân Đồn là Trần Khánh Dư mang quân ra ngăn giữ nhưng bị thua. Được tin, vua Trần nổi giận, sai sứ giả đến bắt Trần Khánh Dư về trị tội, tuy Khánh Dư là con nuôi của vua, nhưng “quốc pháp bất vị thân” và “hoàng tử phạm pháp, xử như thứ dân”. Nghe lệnh vua xong, Trần Khánh Dư nói: “Lấy quân pháp mà xử, thì tôi cam chịu, không còn gì để nói. Nhưng xin hãy thư thả cho mấy ngày để tôi lập công, rồi sẽ về chịu búa rìu cũng chưa muộn”. Sứ giả đồng ý

Trong thời gian rất ngắn ngủi, Trần Khánh Dư phát hiện ra: Do đánh thắng quân Đại Việt, Ô Mã Nhi đâm ra kiêu ngạo, tưởng rằng quân Trần sẽ không bao giờ còn dám bén mảng nữa, vì vậy hắn đôn đốc quân sỹ nhanh chóng kéo về Vạn Kiếp, trong khi đó đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ do chở nặng, nên không thể đi nhanh, mà đoàn quân tải lương lại không thiện chiến như quân của Ô Mã Nhi. Từ thông tin đó, Trần Khánh Dư nhanh chóng tổ chức lại đội quân của mình, dàn trận mai phục. Khi đoàn thuyền của Trương Văn Hổ lọt vào ổ phục kích, Trần Khánh Dư chỉ huy quân đổ ra, đánh một trận vô cùng dữ dội. 170 vạn thạch lương của quân Nguyên phần bị đốt, phần bị đổ xuống biển, không sót một thạch nào. Trương Văn Hổ lẻn xuống được một chiếc thuyền nhỏ, chèo thục mạng ra biển nên thoát chết. Toán quân tải lương bị giết sạch.

Tin đoàn thuyền lương bị đánh chìm khiến đoàn quân Nguyên 50 vạn người chấn động, chẳng khác gì cái dạ dầy bị cắt. Nạn đói lập tức xảy ra, bởi cướp làm sao cho đủ lương mà nuôi nửa triệu con người trong điều kiện lương thực bị chôn dấu rất kỹ. Về phía Đại Việt, thì trận thắng Vân Đồn đã làm tình thế xoay chuyển 180 độ. Từ thế giằng co chống cự, quân Đại Việt chớp thời cơ vùng lên phản công như bão táp. Quân Nguyên phải thất thểu kéo về với những cái bụng trống rỗng. Ô Mã Nhi cùng đoàn thuyền chiến theo sông Bạch Đằng chạy ra biển, đâm phải bãi cọc gỗ do Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn bố trí, bị chìm hết, toàn quân chết sạch, Ô Mã Nhi bị bắt sống. Còn Thoát Hoan phải chui vào một cái ống đồng để quân lính khiêng chạy mới thoát chết.

Trận Vân Đồn là một bài học lớn về sự dùng người: Đối với những nhân tài, trừ khi họ cố tình phạm pháp hay phạm phải những tội đại ác, thì hãy xử lý họ theo pháp luật. Còn do vô tình, do khách quan hay do tình thế bất khả kháng mà họ bắt buộc phải phạm tội, thì hãy biết khoan dung cho họ, để họ lập công và tiếp tục phụng sự đất nước, bởi “nhân tài là nguyên khí của quốc gia”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích