Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Đề xuất nhiều chính sách về nhà lưu trú công nhân
Trình Chính phủ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng cho biết, về chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000 m2.
Nhà lưu trú công nhân phải phù hợp với quy hoạch phát triển khu công nghiệp
Theo Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân là công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản tham gia phát triển nhà lưu trú công nhân.
Về điều kiện, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân phải có hợp đồng thuê mặt bằng khu công nghiệp và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đó; phải có hợp đồng thuê, sử dụng lao động với công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Ảnh minh họa. (Ảnh: VGP) |
Công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.
Việc xét duyệt đối tượng được thuê nhà lưu trú do chủ đầu tư thực hiện; trường hợp doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân để cho công nhân thuê lại thì do doanh nghiệp đó thực hiện. Ban quản lý khu công nghiệp có trách nhiệm kiểm tra theo thẩm quyền việc xét duyệt đối tượng được thuê nhà lưu trú công nhân.
Trong quá trình lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú công nhân và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó.
Dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân phải phù hợp với quy hoạch phát triển khu công nghiệp; phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, đảm bảo đủ các khu chức năng và không gian phục vụ nhu cầu lưu trú bao gồm: y tế, sinh hoạt văn hóa, sân chơi, thể dục – thể thao, dịch vụ, thương mại và tiện ích công cộng. Đồng thời, Dự án phải được Ban quản lý khu công nghiệp quản lý, kiểm soát về chất lượng, tiêu chuẩn diện tích, giá cho thuê nhà lưu trú công nhân.
Giá cho thuê nhà lưu trú công nhân được Chủ đầu tư xác định
Nhà lưu trú công nhân là nhà chung cư hoặc nhà liên kế một tầng phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; tiêu chuẩn diện tích nhà lưu trú công nhân theo quy định của Chính phủ.
Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp được giao đồng thời làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhà lưu trú công nhân. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhà lưu trú công nhân đó phải xác định nhu cầu thuê nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, đồng thời tổ chức lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng nhà lưu trú công nhân gắn với khu công nghiệp đó.
Sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhà lưu trú công nhân, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có thể tự đầu tư xây dựng hoặc bàn giao lại cho Ban quản lý khu công nghiệp để chuyển giao đất cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân.
Dự thảo Luật nêu rõ giá cho thuê nhà lưu trú công nhân được Chủ đầu tư xác định trên cơ sở tính đủ chi phí bảo trì; chi phí thu hồi vốn đầu tư xây dựng, lãi vay (nếu có); các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp (chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hợp lý khác) và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước quy định tại Điều 96 của Luật này.
Công nhân, người lao động, chuyên gia khu công nghiệp chỉ được thuê một nhà lưu trú công nhân trong cùng thời điểm và không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng hợp đồng thuê. Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người thuê nhà phải bàn giao lại cho Chủ đầu tư Dự án.
Với doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, chỉ được thuê nhà lưu trú công nhân để cho công nhân, người lao động, chuyên gia của doanh nghiệp mình thuê lại.
Nguồn: Báo lao động thủ đô