Tiêu thụ lâu dài các chất gây dị ứng có thể dẫn đến thay đổi hành vi và tâm trạng

Tiêu thụ lâu dài các chất gây dị ứng có thể dẫn đến thay đổi hành vi và tâm trạng

MTĐT –  Thứ hai, 30/01/2023 07:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc ăn những thực phẩm gây dị ứng có thể tác động đến não bộ, ngay cả khi người bị dị ứng không có các phản ứng nghiêm trọng rõ ràng.

tm-img-alt
Dị ứng không có triệu chứng có thể khiến mọi người tiếp tục tiêu thụ thực phẩm gây dị ứng, gây ra các vấn đề tiềm ẩn về mặt thần kinh.

Tỷ lệ dị ứng thực phẩm đang gia tăng trên toàn thế giới, thậm chí đạt đến mức độ dịch bệnh ở một số vùng. Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, khoảng 10% trẻ em và người lớn bị dị ứng thực phẩm, trong đó phổ biến nhất là dị ứng với sữa bò, trứng, đậu phộng và các loại hạt. Một số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nên không đến cơ sở y tế – khiến các nhà khoa học không thể thống kê đầy đủ các trường hợp.

Dị ứng thực phẩm là phản ứng miễn dịch quá mức đối với các thành phần thực phẩm, thường là các protein. Chúng biểu hiện dưới dạng một loạt những triệu chứng, từ ngứa, mẩn đỏ và sưng đối với các phản ứng nhẹ, cho đến nôn mửa, tiêu chảy, khó thở và các triệu chứng nghiêm trọng có khả năng đe dọa tính mạng.

Bên cạnh các trường hợp tự nhận ra thông qua những biểu hiện dễ thấy, dị ứng thực phẩm có thể được chẩn đoán bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với lượng protein hoặc chất gây dị ứng qua đường miệng hoặc da và quan sát phản ứng tức thì của họ. Phổ biến hơn, các bác sĩ sử dụng các xét nghiệm máu để đo mức độ globulin miễn dịch E (IgE) , một loại kháng thể chuyên biệt mà hệ thống miễn dịch sử dụng để xác định các chất gây dị ứng và kích hoạt phản ứng.

Những người khỏe mạnh có thể có nồng độ IgE trong máu thấp, nhưng người bị dị ứng thực phẩm có nồng độ cao hơn nhiều, làm tăng nguy cơ bị sốc phản vệ. Cụ thể, bác sĩ sẽ cho người bệnh tiếp xúc với chất nghi ngờ, sau đó định lượng IgE trong máu. Nếu IgE tăng, nghĩa là bệnh nhân bị dị ứng với chất này.

Tuy nhiên, có một số trường hợp dù nồng độ IgE trong máu tăng, nhưng người đó vẫn không ghi nhận bất cứ triệu chứng nào khi ăn chất gây dị ứng. Tình trạng này đôi khi được gọi là nhạy cảm không có triệu chứng. Trong nhiều trường hợp, những người bị dị ứng thậm chí có thể không biết rằng họ bị mẫn cảm với loại thực phẩm đó.

Tuy nhiên, họ có thực sự không có triệu chứng không? Hay vẫn có những tác động trong cơ thể họ, chỉ là họ không biết?

Trợ lý giáo sư Kumi Nagamoto-Combs thuộc Đại học North Dakota là một nhà thần kinh học đang nghiên cứu cách não bộ bị ảnh hưởng bởi tình trạng dị ứng thực phẩm. Bà bắt đầu quan tâm đến chủ đề này khi phát hiện ra rằng một số thành viên trong gia đình mình bị dị ứng với sữa bò.

Vài thành viên hoàn toàn không ăn uống các sản phẩm từ sữa sau nhiều lần ghi nhận các triệu chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Các thành viên khác thì không có phản ứng dị ứng điển hình, nên họ thỉnh thoảng vẫn tiêu thụ sản phẩm từ sữa, nhưng một hoặc hai ngày sau đó, cơ thể họ bắt đầu cảm thấy khó chịu.

Bà và các nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng các chất gây dị ứng thực phẩm có thể ảnh hưởng đến não và hành vi của chúng ta nếu ta quá mẫn cảm, ngay cả khi chúng ta không có các triệu chứng dị ứng thực phẩm điển hình.

Các rối loạn hành vi

Thực chất trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã nghi ngờ việc quá mẫn cảm với thực phẩm là nguyên nhân tiềm ẩn gây rối loạn hành vi.

Họ ghi nhận một trường hợp vào năm 1949, bệnh nhân đã có các rối loạn hành vi và tâm trạng sau khi họ ăn một số loại thực phẩm, chẳng hạn như sữa và trứng. Các triệu chứng sau đó không còn xuất hiện sau khi bệnh nhân ngừng ăn các thực phẩm bị nghi ngờ, điều này cho thấy việc mẫn cảm với thực phẩm là “thủ phạm” gây nên các rối loạn. Tuy nhiên, bà Kumi Nagamoto-Combs tự hỏi vì sao các bệnh nhân vẫn có thể ăn những thực phẩm này đến khi họ chọn cách ngừng ăn chúng. Nói cách khác, họ không có triệu chứng nhạy cảm hoặc dung nạp với các chất gây dị ứng.

Một số nghiên cứu gần đây ở người đã chứng minh mối liên hệ giữa dị ứng thực phẩm và các rối loạn tâm thần kinh khác nhau, bao gồm trầm cảm, lo lắng, rối loạn tăng động giảm chú ý và chứng tự kỷ. Nghiên cứu cho thấy một số phản ứng đối với chất gây dị ứng thực phẩm có thể liên quan đến hệ thần kinh và biểu hiện dưới dạng rối loạn hành vi.

tm-img-alt
Các bác sĩ thường tiến hành xét nghiệm dị ứng chích da bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với một lượng nhỏ chất gây dị ứng và quan sát phản ứng của họ. ronstik/iStock via Getty Images

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi về việc liệu dị ứng với thực phẩm có thực sự gây ra rối loạn tâm thần kinh hay không. Sự khác biệt về các loại dị ứng, chủng tộc, thói quen ăn uống và các yếu tố khác giữa những người tham gia nghiên cứu có thể tạo ra kết quả trái ngược nhau. Quan trọng hơn, hầu hết các nghiên cứu chỉ phân tích trên những bệnh nhân có biểu hiện dị ứng rõ ràng.

Nghiên cứu trên chuột

“Chúng tôi đã kiểm tra xem liệu các chất gây dị ứng thực phẩm có biểu hiện dưới dạng các triệu chứng hành vi hay không, đặc biệt là ở những người nhạy cảm không có triệu chứng”, trợ lý giáo sư Kumi Nagamoto-Combs cho biết. Nói cách khác, họ muốn tìm hiểu xem liệu việc ăn những thực phẩm gây khó chịu có thể tác động đến não bộ hay không, ngay cả khi người bị dị ứng không có các phản ứng nghiêm trọng rõ ràng.

Giai đoạn đầu, các nhà khoa học quyết định thử nghiệm trên chuột. Họ lựa chọn những con chuột cùng độ tuổi và nền tảng di truyền, đều bất dung nạp β-lactoglobulin, hay BLG, một loại protein hình cầu có khối lượng phân tử khoảng 18.000 dalton, chiếm khoảng 50% đạm váng sữa (whey protein) trong sữa bò. “Chúng tôi phát hiện ra rằng dù những con chuột nhạy cảm với BLG có nồng độ IgE tăng đáng kể, nhưng chúng không có biểu hiện dị ứng ngay lập tức”, bà mô tả. Chúng thậm chí có thể ăn thức ăn có chứa chất gây dị ứng trong hai tuần mà không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào, mặc dù vẫn duy trì mức IgE cao. Điều này chỉ ra rằng chúng không có triệu chứng mẫn cảm rõ ràng.

Sau đó, nhóm nghiên cứu quan sát xem chúng có thay đổi gì về mặt hành vi do cảm xúc chi phối hay không. “Bởi vì chúng tôi không thể hỏi chuột xem chúng cảm thấy thế nào, nên chúng tôi tự suy ra ‘cảm xúc’ của chúng bằng cách ghi nhận những thay đổi so với hành vi bình thường”, bà cho biết. Theo bản năng, chuột mò mẫm môi trường xung quanh để tìm kiếm thức ăn và nơi trú ẩn, đồng thời tránh nguy hiểm tiềm ẩn. Tuy nhiên, những con chuột “lo lắng” có xu hướng dành nhiều thời gian ẩn nấp hơn để đảm bảo an toàn. Nhóm nghiên cứu đã xác định được những con chuột rối loạn cảm xúc bằng cách giữ đuôi chúng trong thời gian ngắn. Hầu hết những con chuột sẽ tiếp tục chiến đấu để thoát khỏi tình trạng khó chịu, trong khi những con chuột rối loạn cảm xúc có biểu hiện chán nản, nhanh chóng bỏ cuộc.

Nhóm nghiên cứu đã thiết kế thí nghiệm mô phỏng các tình huống, trong đó những chú chuột không có triệu chứng nhạy cảm sẽ ăn một lượng lớn thực phẩm gây dị ứng trong một ngày hoặc một lượng nhỏ mỗi ngày trong vài tuần. Kết quả cho thấy, những chú chuột bất dung nạp BLG đã biểu hiện các hành vi cho thấy sự lo lắng chỉ một ngày sau khi tiêu thụ một lượng lớn chất gây dị ứng. Một nhóm chuột nhạy cảm khác biểu hiện hành vi tương tự chứng trầm cảm sau khi ăn một lượng nhỏ chất gây dị ứng trong hai tuần. Ngoài ra, những con chuột bất dung nạp BLG còn có dấu hiệu viêm não và tổn thương tế bào thần kinh, cho thấy những thay đổi trong não có thể là nguyên nhân gây ra các hành vi bất thường của chúng.

Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu tác động lâu dài của việc tiêu thụ chất gây dị ứng bằng cách cho những con chuột bất dung nạp BLG ăn chất gây dị ứng trong một tháng. Họ thấy rằng sau một tháng, nồng độ IgE của những chú chuột đã giảm, điều này cho thấy việc liên tục ăn một lượng nhỏ chất gây dị ứng dẫn đến giảm phản ứng miễn dịch hay còn gọi là “giải mẫn cảm”. Tuy nhiên, các dấu hiệu viêm não vẫn còn, tác hại của chất gây dị ứng vẫn tồn tại trong não.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể nghiên cứu tình trạng viêm não hoặc viêm dây thần kinh ở những người không có triệu chứng nhạy cảm. Tuy nhiên, nhìn chung, viêm dây thần kinh mãn tính là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng và bệnh Alzheimer. “Việc hiểu rõ hơn về vai trò của các chất gây dị ứng đối với thần kinh có thể giúp các nhà nghiên cứu làm rõ liệu chúng có gây ra chứng viêm mãn tính dẫn đến các bệnh này hay không”, nhóm nghiên cứu lập luận.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân đang điều trị bằng liệu pháp miễn dịch dùng qua đường uống, một phương pháp điều trị dị ứng liên quan đến việc ăn dần dần một lượng nhỏ chất gây dị ứng theo thời gian, giúp giải mẫn cảm hệ thống miễn dịch và giảm tỷ lệ sốc phản vệ, hoặc các phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng. Vào năm 2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt một dạng tiêu chuẩn hóa chất gây dị ứng đậu phộng để ngăn ngừa sốc phản vệ ở bệnh nhi.

Các chất gây dị ứng thực phẩm vẫn có thể ảnh hưởng đến não và hành vi của những người không có triệu chứng. Nhiều người vẫn thường nói “Bạn là những gì bạn ăn”, giờ đây khi xem xét cách bộ não phản ứng với thực phẩm, chúng ta đã hiểu thêm một khía cạnh khác của cụm từ này.

Nguồn:

People can have food sensitivities without noticeable symptoms – long-term consumption of food allergens may lead to behavior and mood changes

Key information to help better understand food allergies and anaphylaxis.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích