Đề xuất tăng mức phạt tiền với một số hành vi vi phạm an toàn giao thông đường thủy

Bộ Giao thông vận tải vừa gửi hồ sơ Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (thay thế Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015) đến Bộ Tư pháp để thẩm định, trước khi trình Chính phủ xem xét.

Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải cho biết, qua tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 132/2015/NĐ-CP, các mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa còn thấp, chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội nên chưa đủ sức răn đe.

Cụ thể như hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 1 tấn, hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè vào hoạt động mà không bảo đảm an toàn chỉ bị phạt từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Đồng thời, mức phạt tại Nghị định số 132/2015/NĐ-CP cũng thấp hơn nhiều so với mức phạt đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực khác có liên quan như hàng hải, bảo vệ môi trường…

Đề xuất tăng mức phạt tiền với một số hành vi vi phạm an toàn giao thông đường thủy
Ảnh minh họa (Ảnh: VGP)

Vì vậy, cơ quan soạn thảo đã đề xuất điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm như: Trang bị không đủ thiết bị, dụng cụ an toàn, dụng cụ cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa ô nhiễm môi trường,; không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân; không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh… Đồng thời, mức xử phạt sẽ được tính trên mỗi thiết bị, dụng cụ, mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.

Cụ thể, đề xuất phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối nếu không trang bị, hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân. Mức phạt này tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh, hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện chở khách ngang sông…

Dự thảo Nghị định cũng điều chỉnh lại hình thức và mức xử phạt bổ sung một số hành vi để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính; điều chỉnh lại cách chia các nhóm phương tiện để áp dụng các mức xử phạt phù hợp, tương ứng với mức độ nguy hiểm của hành vi, đảm bảo thống nhất với Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Bên cạnh đó, Dự thảo bổ sung các hành vi vi phạm về xây dựng kè, đập thủy lợi, cầu, bến phà, phong điện, nhiệt điện, thủy điện, công trình vượt qua luồng trên không, dưới đáy luồng, các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, để đồng bộ với Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, Nghị định số 48/2019/NĐ-CP về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước…

Dự thảo cũng bổ sung một số hành vi như “điều khiển phương tiện không tuân theo chỉ dẫn của báo hiệu đường thủy nội địa, hoặc chỉ dẫn của người điều tiết giao thông mà gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc làm hư hại đến các công trình trên đường thủy nội địa” và quy định mức phạt tiền cao nhất. Các quy định này xuất phát từ thực tế gần đây có nhiều trường hợp phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa không tuân thủ đúng quy định chỉ dẫn, báo hiệu, gây đâm va, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng mà chưa có quy định xử phạt như vụ đâm sập cầu Ghềnh, cầu An Thái…

Đồng thời, Dự thảo cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu hết thời hạn hoạt động hoặc tổ chức cho phương tiện vào neo đậu bốc xếp hàng hóa, đón, trả hành khách tại các khu vực chưa được công bố, cấp phép hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu hoạt động không phép, phá vỡ quy hoạch ngành, gây mất an toàn giao thông…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích