Khách sạn cho du khách ngủ ở hai quốc gia cùng lúc
Cơ sở lưu trú nhỏ bé nằm ngay trên biên giới của Pháp và Thụy Sĩ đem lại cho du khách một trải nghiệm độc đáo. Nơi này cũng có lịch sử thú vị.
Được xây dựng theo phong cách đồng quê phổ biến ở vùng này của châu Âu, khách sạn gia đình nhỏ có tên Arbez Franco-Suisse, hay còn gọi là L’Arbézie, có vị trí đặc biệt: nằm ngay trên đường biên giới giữa hai quốc gia. Điều khác thường này là kết quả vô tình của Hiệp ước Dappes năm 1862, trong đó Pháp và Thụy Sĩ đồng ý trao đổi các vùng lãnh thổ nhỏ, để cho phép Pháp có quyền kiểm soát một con đường mang tính chiến lược gần đó. Ảnh: La Cote Tourisme.
Một điều khoản trong hiệp ước cho phép bất cứ công trình nào dọc biên giới được giữ nguyên vị trí. Chính vì thế, một doanh nhân tại vùng Les Rousses (thuộc Pháp) đã mở một cửa hàng và quán bar để tận dụng điều khoản này. Khách sạn được xây vào năm 1921. Kết quả là nửa khách sạn ở Pháp và nửa ở Thụy Sĩ, với đường biên giới cắt ngang nhà hàng và nhiều phòng nghỉ. Ảnh: Le Proges.
Trong các căn phòng đó, đường biên giới có thể chạy ngang nhà tắm và giường. Điều đó đồng nghĩa du khách sẽ ngủ với đầu ở Thụy Sĩ và chân ở Pháp. Từ cửa sổ, bạn có thể nhìn thấy cách đó vài mét là hai đồn biên giới. Đồn của Thụy Sĩ nằm bên phải, đồn của Pháp nằm xa hơn một chút về bên trái, còn khách sạn nằm trên đường tam giác giữa hai đồn. Ảnh: Booking.
Vị trí độc đáo này tạo nên tiếng tăm cho khu tổ hợp. Từ Thế chiến đến giờ, khách sạn đã đem lại nhiều câu chuyện và tình huống khác thường, thu hút sự chú ý của du khách khắp thế giới. Ảnh: CNN.
Đầu những năm 1960, khách sạn là nơi đàm phán bí mật, dẫn đến việc Algeria giành lại độc lập từ Pháp vào năm 1962. Sợ bị bắt giữ, các nhà đàm phán của Algeria không muốn bước chân lên đất Pháp, trong khi chính quyền Pháp muốn thực hiện cuộc nói chuyện bí mật trong lãnh thổ của mình. Một phòng riêng tư ở khách sạn chính là giải pháp lý tưởng. Ảnh: CNN.
Tất nhiên, mỗi bên có những quy định riêng. Khi ngồi ở bên Pháp của nhà hàng, bạn không thể gọi món có phô mai Vaudoise của Thụy Sĩ, vì thực phẩm này không được phép đưa vào lãnh thổ của Liên minh châu Âu. Tương tự, một số đặc sản Pháp, như xúc xích Morteau, không được phép phân phối ở Thụy Sĩ. Ảnh: Le Proges.
Việc thanh toán dễ dàng hơn, vì cả đồng euro và francs Thụy Sĩ đều được chấp nhận. Khách sạn cũng có hai số điện thoại, một cho mỗi nước, và phòng được lắp hai loại ổ cắm điện khác nhau theo quy định của từng nước. Thuế được đóng cho cả hai quốc gia, theo một tỷ lệ đặc biệt. Ảnh: CNN.
Nguồn: Báo xây dựng