Bản lề
Nhà cũ đập đi, xây nhà mới, tiếc bộ cửa chính nên quyết tận dụng lại. Sau mấy ngày thợ làm cật lực, chỉnh sửa, đục đẽo, gia cố, véc ni, hai cánh trông mới toanh long lanh. Có điều bộ bản lề cũ bị xỉn thì không làm cách gì mới theo được, nên phải thay.
Thay xong bản lề mới, thoạt tiên thấy cửa vận hành cũng ngon lành, mở đóng êm ru, ngọt lịm, khít khịt. Nhưng sau một thời gian, nhận ra có vấn đề. Lúc thì mở khó hơn cả mở cửa thiên đàng, lúc thì đóng khó hơn đóng cửa địa ngục. Ban đầu cứ nghĩ là do mình, tay chân yếu nên đóng mở ngày càng trầy trật. Có lần sang nhà hàng xóm, thấy cửa nhà họ còn dầy hơn, đồ sộ hơn cửa nhà mình mà lại đóng mở dễ hơn, mới nhận ra không phải do sức của mình mà là do cái cửa. Kiểm điểm lại thì thấy cũng khó hiểu. Vẫn hai cánh ấy, vẫn bộ khung ấy, trước nó dùng ngon lành, khi mới thay cũng ngon lành, sau ngày một khó khăn hơn. Là tại cái gì? Hỏi người bạn, thì bạn gãi đùi thủng thẳng nói: “Cửa của ông là lim ta, giờ có bói cũng chẳng kiếm đâu bộ quý như thế. Lỗi là ở cái bản lề. Nó thay cho ông cái bản lề rởm, trông thì bóng bẩy thế, nhưng yếu, không chịu nổi sức kéo của cửa thì nó phải xệ là đúng. Tìm lại bản lề cũ mà dùng, trông nó chân chất thô thô thế thôi, nhưng vững lắm đấy.” Đến lượt mình vừa ngẩn ra vừa gãi đùi thốt lên: “Ờ nhỉ, có thế mà cứ rối cả lên.” Đúng thật, sau khi tìm bộ bản lề cũ lắp lại thì cửa mở ra đóng vào khoan hoà hẳn.
Cánh cửa gỗ lim xưa cũ |
Ngẫm ra, cửa nào phải tương ứng bản lề ấy. Ngẫm ra nữa thì mọi thứ đều có bản lề, từ thế giới hữu hình đến cõi giới vô hình, từ cánh cửa gỗ mộc của ngôi nhà cấp bốn đạm bạc, khiêm nhường đến cánh cửa uy nghi sấm sét của thiên đình.
Một dân tộc phải có bản lề của dân tộc ấy, nó như thứ để đóng mở cho đúng kích thước tâm hồn, đúng kích thước đạo lí, đúng kích thước sinh tồn của dân tộc ấy. Bản lề của dân tộc là đạo đức và văn hoá. Bản lề của thể chế là công lí và tư tưởng. Bản lề gia đình là nề nếp gia phong kính trên nhường dưới. Cá nhân mỗi con người cũng có bản lề, đó là quyền và nghĩa vụ. Chẻ nhỏ hơn nữa, trên khuôn mặt cũng có bản lề, nếu nó hoạt động bình thường thì các nét đóng mở linh hoạt, uyển chuyển, nó hỏng thì các nét đơ đơ, xệch xoạc. Tương tự thế, bản lề của dân tộc bị hỏng, truyền thống sẽ chìm vào bóng tối, dòng giống chắc hẳn sẽ bại hoại. Bản lề của thể chế mà tha hoá, lỏng lẻo thì dân khốn đốn, xã hội nhiễu loạn, tương lai quốc gia mù mịt. Còn nếu bản lề gia đình non yếu, hiển nhiên sẽ lây sang làm hỏng bản lề quốc gia với bản lề dân tộc. Đại khái, khi bản lề trục trặc, ắt dẫn tới một trong hai trường hợp, hoặc chẳng đóng được, hoặc chẳng mở được. Trường hợp chẳng mở được thì mọi thứ sẽ tù túng, bí bách, đầy những hỗn độn hiểm nguy bên trong. Trường hợp chẳng đóng được thì lúc nào cũng toang hoang, tênh hênh, khôn dại bày trần xì ra cả, ai cũng có thể thò tay vào khua khoắng, sờ nắn.
Con người còn đứng lại làm con người vì trong nó có vài ba cái bản lề để đóng mở đúng lúc, đúng chỗ. Những bản lề ấy là thứ rèn đúc từ khí chất, phẩm cách, đạo đức của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, được tráng phủ bởi học vấn, nhận thức thời đại. Chẳng may vớ phải cái giai đoạn không khí ô nhiễm, nhiều a xít, lại thiếu ý thức bảo quản, gìn giữ, để bản lề hoen gỉ, mòn mỏi, thì chắc chắn cánh cửa sẽ mất tác dụng. Cửa hỏng, nghĩa là mất đi sự chủ động, khi ấy có tài thánh cũng chẳng lường hết những gì sẽ xảy ra.
Bản lề, cái bản lề nhỏ bé, khuất lấp, mày ghê gớm làm sao.
Nguồn: Báo xây dựng