Tết nhảy – nghi lễ đặc biệt quan trọng của người Dao

Tết nhảy là nghi lễ đặc biệt quan trọng trong tục thờ cúng của người Dao, thường được tổ chức trong tháng Chạp và được cúng vào buổi sáng. Đây là dịp người Đao cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu…

Tết nhảy trước đây thường được bà con tổ chức trong 3 năm liền, các năm tiến hành nối tiếp nhau và năm sau thường tổ chức dài hơn năm đầu tiên. Nếu năm đầu tiên Tết được tổ chức 1 ngày, 1 đêm thì năm thứ hai làm 2 ngày, 2 đêm và năm thứ ba làm 3 ngày, 3 đêm.

Tết nhảy - nghi lễ đặc biệt quan trọng của người Dao
Mâm cỗ trong Tết nhảy của người Dao ở Ba Vì.

Tuy nhiên, ông Dương Trung Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ba Vì cho biết, thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa mới, hiện nay người Dao ở Ba Vì chỉ thực hiện Tết nhảy 1 lần, mỗi lần thường kéo dài trong 1 đến 3 ngày nhưng các nghi lễ và số lượt nghi lễ vẫn được cử hành đầy đủ theo phong tục.

Gia đình muốn tổ chức Tết nhảy phải hội đủ các điều kiện như: Không có tang ma, kinh tế thông thuận… và quan trọng nhất là phải được sự đồng ý của người có uy tín trong thôn, làng.

Tết nhảy thường gồm 3 phần chính: Khai lễ, chính lễ và lễ tiễn đưa. Điều hành các phần lễ có thầy cúng, phụ các thầy cúng là những người đàn ông đã trải qua lễ cấp sắc.

Tết nhảy - nghi lễ đặc biệt quan trọng của người Dao
Với người Dao, bộ tranh thờ treo trong nhà rất quan trọng.

Trong phần khai lễ, thầy cúng sẽ lập đàn lễ, bày biện lễ vật, mời các thần linh, gia tiên về dự lễ. Phần chính lễ được xem là quan trọng nhất và có thời gian dài nhất. Xuyên suốt phần khai lễ và chính lễ, thầy cúng và những người phụ lễ vừa nhảy múa vừa hát kết hợp với tiếng kèn, chuông, trống rộn ràng. Lễ vật dâng cúng gồm thủ lợn, gà, xôi, bánh dày, rượu, nước, tiền đồng xu, hoa quả…

Nội dung câu hát, điệu nhảy trong Tết nhảy tái hiện quá trình lao động, chiến đấu chống giặc giã, muông thú bảo vệ dân làng của các bậc tiền nhân…

Ông Phong cũng cho hay, ngày Tết của người Dao sẽ căn cứ vào ngày một ngày lễ chung. Theo đó, trong những tháng cuối năm, người ta sẽ tìm đến thầy cúng trong làng để chọn 1 ngày nhất định để tổ chức lễ chung. Trong ngày đó, mọi người sẽ tụ tập tại cùng mổ lợn, gà, trâu… rồi chia nhau đem phần về nhà. Từ sau ngày lễ chung đó, người Dao mới chọn ngày ăn Tết cho gia đình mình.

Người Dao ở Ba Vì tổ chức Tết bắt đầu từ tháng 12 Dương lịch, kéo dài cho hết tháng. Mỗi gia đình sẽ tổ chức một ngày, mời bà con lối xóm, bạn bè gần xa về ăn Tết, sau đó cứ quay vòng đến nhà khác. Trong những ngày này, họ sẽ mặc những trang phục truyền thống của của dân tộc…

P.Thảo-M.Dương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích