Huyện Lạng Giang – Bắc Giang: Năm 2022 vượt gian nan, hái “trái ngọt”

Thành quả của sự nỗ lực

Mặc dù gặp nhiều khó khăn như áp lực lạm phát, giá cả một số hàng hóa đầu vào, xăng dầu tăng và nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, nhưng với phương châm hành động “chủ động, rõ việc, quyết liệt và dứt điểm”, huyện Lạng Giang đã xuất sắc hoàn thành các mục tiêu đề ra. tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 11.500 tỷ đồng. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu tăng 16,02%.

Từ đầu năm đến nay, huyện đã thu hút được 29 dự án đầu tư vào địa bàn với tổng số vốn đăng ký khoảng 2.740 tỷ đồng, sử dụng 228,6 ha đất. toàn huyện có thêm 62 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế thành lập mới, đưa tổng số doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn lên 710 đơn vị. Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng ước đạt 9.886,5 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 21,69% so với cùng kỳ năm trước (CKNT).

1
Công nghiệp tiếp tục là một trong những ngành mũi nhọn góp phần vào sự tăng trưởng của kinh tế toàn huyện.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2022 ước đạt 2.480,2 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 1,59% so với CKNT.

Việc thực hiện chương trình OcOP năm 2022 tiếp tục có nhiều khởi sắc. đến nay toàn huyện có 24 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đánh giá, phân hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao (tăng 01 sản phẩm so với năm 2021). Hiện, huyện đang tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã: Hương sơn, Xương Lâm, Đào Mỹ hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ 03 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022.

Về quá trình xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2022 toàn huyện có 08/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 42,1%; 58/261 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 22,22%.

z4059057379366_bf891cd506bb43361f36f065d0097c1d
 Diện mạo nông thôn huyện Lạng Giang thay da đổi thịt từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Giá trị ngành dịch vụ ước đạt 1.949 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch và tăng 9,9% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 85 triệu USD, đạt 101,1% kế hoạch (tăng 2 triệu USD so với năm 2021).

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) được quan tâm đẩy nhanh tiến độ. Năm 2022, toàn huyện giải phóng mặt bằng được trên 370 ha, trong đó tập trung GPMB các dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện và các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn.

3
Công tác GPMB, thực hiện các dự án được tập trung đẩy nhanh tiến độ.

Công tác quản lý trật tự đô thị, tài nguyên – môi trường có nhiều chuyển biến tích cực; lĩnh vực văn hóa – xã hội có bước phát triển; các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm. công tác cải cách hành chính được quan tâm triển khai đồng bộ và có nhiều đột phá; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và ý kiến cử tri được chú trọng, đạt kết quả tốt. tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp trên địa bàn; tai nạn giao thông giảm so với CKNT.

4
Công tác cải cách hành chính chuyển biến tích cực, việc giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa được duy trì.

Viết tiếp chặng đường thắng lợi mới

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, huyện tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 11.700 tỷ đồng; giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu tăng 13,5%; trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 0,79%; ngành công nghiệp – xây dựng tăng 17,33%; ngành dịch vụ tăng 10,01%.

An sinh xã hội tiếp tục được nâng cao, phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,40%, đồng thời giải quyết việc làm mới cho 4.200 lao động. tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; xây dựng 04 xã (An Hà, Xương Lâm, Thái Đào, Đào Mỹ) đạt xã nông thôn mới nâng cao; 02 xã (Nghĩa Hưng, Tân Hưng) đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 19 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Picture11
Phối cảnh KĐT do Công ty CP Thương mại Tuấn Mai làm chủ đầu tư, được phát triển theo mô hình đô thị kiểu mẫu được quy hoạch đồng bộ.

Để đạt được những chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 sát thực tế với giai đoạn phát triển mới, huyện Lạng Giang cần chú trọng: phát huy nội lực, tranh thủ huy động mọi nguồn lực từ bên ngoài, đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. tăng cường công tác chỉ đạo trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến công tác quản lý đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường…

Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm và các dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở. Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung các xã, triển khai thực hiện đảm bảo theo quy hoạch của tỉnh đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; quan tâm công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động. tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn ở các bậc học.

Bên cạnh phát triển kinh tế, huyện tiếp tục quan tâm giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. đẩy mạnh công tác tư pháp, xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, ý kiến, kiến nghị của cử tri; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích