Giấy đi đường và giãn cách xã hội

Sáng 5/9 Công an thành phố Hà Nội đã có thông báo về đối tượng, trình tự, thủ tục duyệt, cấp Giấy đi đường có mã nhận diện, thẻ đi mua hàng thiết yếu theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong vùng 1 – khu vực “vùng đỏ” có nguy cơ nhiễm dịch bệnh rất cao.

Phải khẳng định, đây là việc làm cần thiết nhằm thống nhất quy trình cấp Giấy đi đường và quan trọng hơn là để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai đâu ở đó” để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để trong khu vực nội đô Thành phố, khu vực được xác định là nguy cơ cao do vẫn có nguồn lây trong cộng đồng và mật độ dân số cao.

Giấy đi đường và giãn cách xã hội
Lực lượng chức năng kiểm tra mục đích ra đường của người dân trong thời gian giãn cách. (Ảnh: Minh Phương)

Phải nói lại, trước đó, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành mẫu Giấy đi đường chung trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, thực tế triển khai có nhiều vướng mắc do cách hiểu và cách áp dụng tại mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như tại các chốt kiểm soát không đồng nhất.

Có nơi rất nguyên tắc, nhưng cũng có nơi “sáng tạo” thậm chí rất lỏng trong cấp giấy đi đường. Công tác kiểm soát chặt hay lỏng việc cấp giấy phụ thuộc hoàn toàn vào quan niệm, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Hiệu lực của Giấy đi đường chưa nghiêm có thể thấy trong những ngày cuối của đợt giãn cách đầu tiên theo Chỉ thị 17/CT-UBND. Vào giờ cao điểm, thậm chí có thời điểm không phải khung giờ cao điểm thì đường phố ở Hà Nội vẫn có khá đông người và phương tiện. Mọi người đường đông khiến hiệu quả giãn cách xã hội bị hạn chế.

Trước thực tế này, Hà Nội đã có sự điều chỉnh linh hoạt và chuẩn xác khi giao đầu mối quản lý cho một đơn vị là Công an thành phố Hà Nội.

Theo đó, thực hiện Thông báo kết luận số 480-TB/TU ngày 1/9/2021, Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 1/9/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy; Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021, Công văn số 2893/UBND-TKBT ngày 1/9/2021 của UBND Thành phố, Công an thành phố Hà Nội đã ra thông báo về đối tượng, trình tự, thủ tục duyệt, cấp Giấy đi đường có mã nhận diện, Thẻ đi mua hàng thiết yếu theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong vùng 1.

Trong đó, xác định cụ thể mỗi cơ quan, mỗi ngành chức năng có nhiệm vụ xác nhận cấp Giấy đi đường cho một bộ phận người liên quan. Chẳng hạn, với nhóm các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu thì thẩm quyền cấp Giấy đi đường là Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Thành phố. Các bước thực hiện cũng được triển khai tuần tự với hướng dẫn rất rõ ràng và cụ thể.

Tuy nhiên, người xưa thường bảo “chín người mười ý” và ở câu chuyện Giấy đi đường này cũng vậy. Bên cạnh những ý kiến tâm huyết, đề xuất hoặc phản biện với trách nhiệm công dân thì trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện không ít ý kiến trái chiều, hoài nghi, thiếu tính xây dựng. Khi Hà Nội “trao quyền” và gửi niềm tin vào ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp Giấy đi đường thì họ chê bai mỗi nơi cấp mỗi kiểu. Khi Hà Nội thống nhất giao về một đầu mối với trình tự cấp Giấy và kiểm soát cụ thể thì họ kêu thủ tục và quá hành chính.

Ngẫm sự khen chê có thể thấy một điều thật lạ. Lạ ở chỗ những người lớn tiếng chê bai thường là người không giúp ích được gì trong công cuộc chống dịch, không thấy có hoạt động gì của họ, sáng kiến nào của họ áp dụng được trong chống dịch. Hễ các ngành chức năng ban hành quy định nào thì họ đều tìm ra cái lý hoặc điểm nào đó để chê bai. Họ chê bất cứ cái gì, ở đâu, lúc nào. Làm tốt cũng chê và không tốt cũng chê.

Giấy đi đường và giãn cách xã hội
Người dân đổ xô ra đường dù Hà Nội vẫn đang triển khai giãn cách. (Ảnh: Giang Nam, chụp ngày 16/8)

Cần phải hiểu, giải pháp Thành phố đưa ra lúc này nhằm thực hiện nghiêm giãn cách. Cứ nhìn thực tế người dân ào ạt ra đường ít ngày trước là rõ. Những người không chấp hành nghiêm đã làm đổ bể công sức của chính quyền và nhiều người tuân thủ giãn cách. Nhiều người vẫn ra khỏi nhà khi không thực sự có việc thiết yếu, vẫn giao tiếp và vô tình thành F0, khổ mình, vất vả cho y, bác sĩ, chính quyền.

Việc chưa triệt để tinh thần “ai ở đâu ở yên đấy” trong thời điểm giãn cách cần phải khắc phục. Và hẳn nhiên, Hà Nội siết chặt hơn Giấy đi đường trên tinh thần này là hoàn toàn đúng đắn.

Câu chuyện Giấy đi đường và giãn cách chống dịch xét cho cùng có mối quan hệ biện chứng với nhau; cũng nhằm hướng đến mục tiêu hạn chế những cá nhân ra đường không đúng mục đích, hướng đến việc đẩy nhanh tiến độ bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất để khôi phục lại các hoạt động kinh tế xã hội.

Bên cạnh tuân thủ và chấp hành quy định của các ngành chức năng, bản thân mỗi người thời điểm này cũng xác định rõ rằng càng làm nghiêm, thì chúng ta sẽ càng sớm không phải giãn cách và ngược lại. Giấy đi đường cũng vậy, đừng mượn danh nghĩa nó để thỏa sức lao ra đường phố, để vi phạm giãn cách, làm ảnh hưởng sự chấp hành nghiêm chỉnh của đại bộ phận người dân Thủ đô.

Giang Nam

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích