Xuân qua miền nhớ
Vậy là Tết đang về! Quất, đào, hoa đua nhau xuống phố, nhà nhà, người người tất bật sắm Tết. Trước Tết, ai cũng bảo ôi giời, giờ nhu cầu có nhiều đâu mà sắm với sang, nhưng cứ cận Tết thì chẳng ai không sắm. Dù trong tiềm thức, mỗi người có cách suy nghĩ riêng, song Tết vẫn cứ là Tết cổ truyền, không thể khác… chỉ khác Tết có thời kinh tế “đủ đầy” hương vị dường như cũng khác xưa nhiều lắm.
Ảnh minh họa. |
Tôi sinh ra ngôi làng nhỏ ven biển xứ Thanh, quê tôi nghèo lắm. Nghèo đến mức, khi học phổ thông trung học những năm 90 của thế kỷ trước, thầy giáo nói đùa: “Có lẽ ở Việt Nam nghèo nhất là tỉnh mình; ở tỉnh mình nghèo nhất là huyện mình và huyện mình nghèo nhất là xã mình. Chắc trên thế giới này chẳng đâu ăn cả củ chuối… thế mới biết nghèo thế nào!”. Bởi thế cứ mỗi khi Tết đến là háo hức lắm. Háo hức vì Tết không chỉ được ăn no, ăn ngon, được may áo mới mà còn được “hí hửng” đốt pháo vang trời, chơi những trò chơi mà những ngày bình thường không thể có.
Nhưng trước khi được ăn Tết, chơi Tết “lũ nhỏ” chúng tôi phải làm những công việc mà lớp trẻ bây giờ nằm mơ cũng không bao giờ thấy. Đầu tiên, phải ra ngoài bãi biển, đốn phi lao, vác về cưa thành khúc, mỗi khúc dài khoảng 70 cm, sau đó dùng búa bổ thành thanh nhỏ để phơi. Khi củi đã khô xếp thành hình vuông ngay ngắn khoảng 2- 3 chồng để trước sân. Đây gọi là củi để nấu ba ngày Tết. Tiếp đó, để có thời gian ăn Tết, phải chuẩn bị thức ăn cho trâu, bò… Vì không có điện, nên để Tết thêm bừng sáng, mỗi nhà phải chuẩn bị một ngọn đèn măng sông thật sáng để thắp mấy ngày Tết. Nhà nào đèn càng sáng, Tết càng hoành tráng. Ngoài việc nhà, thanh niên trai tráng phải đi đốn tre mang ra sân làng để làm cây đánh đu. Ngày Tết, thôn nào cũng phải có cây đu và trò chơi đánh đu như là một hoạt động văn hóa truyền thống không thể thiếu. Nhưng vui nhất, trông đợi nhất vẫn là thời điểm Tết để được may bộ quần, áo mới…
Tết thời bao cấp, hàng hóa chủ yếu là tự cung, tự cấp, vì vậy nói là đi chợ Tết nhưng thực ra cũng chỉ mua ít đồ dùng cho việc thờ cúng như câu đối, mía thờ, có lẽ thị trường hàng hóa chỉ có pháo Tết mà thôi. Khi bước vào những ngày 28-29 Tết, không khí thật rộn ràng, quất quê tôi không có, nhưng đào thì cũng chẳng phải ra chợ mua vì nhà ai cũng trồng một cây đào trước cửa nhà đón xuân. Các bà, các mẹ đi mua, đi hái lá chuối, lá dong, ngâm nếp để chuẩn bị gói bánh chưng. Các ông, các bác thì đi mổ lợn chia Tết. Thời bao cấp, muốn mổ lợn phải xin giấy của xã, nên mỗi khi Tết đến, khoảng 3- 4 nhà lại chung nhau mổ thịt một con lợn để chia, ngôn ngữ ở quê gọi là đánh động. Sáng sớm chưa mở mắt đã nghe thấy tiếng lợn kêu khắp làng. Phần lòng, thủ luộc cả mấy gia đình “đánh chén”, còn thịt chia đều cho các nhà về nấu đông… Khi phần liên hoan và chia thịt đã xong, các cụ, các bác nam về nhà gói bánh chưng và không quên dựng cây nêu trước nhà. Đêm Ba mươi Tết, hầu như nhà nào cũng quây quần bên nồi bánh chưng Tết để chờ đón giao thừa…
Tết, ăn Tết, chơi Tết, nói chuyện Tết… lòng miên man nhớ về những Tết của năm tháng rất xa… Trong ánh đèn nhấp nháy, sừng sững nhà cao tầng mọc lên sát sát, tiếng xe máy, tiếng ô tô chạy khắp nẻo đường quê còn trò chơi dân gian thưa bóng, cây đu cũng chẳng còn, mừng vì quê hương đổi mới, song thoáng chút ngậm ngùi. Nhấp một ly trà xuân, nghĩ về dòng chảy của mạch nguồn văn hóa, thầm nghĩ rằng một ngày không xa thế hệ con cháu sẽ “phục dựng” lại những nét đẹp truyền thống mà tổ tiên để lại… |
Cuối cùng giờ giao thừa cũng đến, khi bố tất bật khói hương cúng tổ tiên, tôi cũng như lũ trẻ ở quê phiêu nhất là khoản đốt pháo. Nổi tiếng nhất vẫn là pháo Bình Đà (Hà Tây cũ), pháo Hà Sơn Bình.. đốt tiếng kêu vang trời. Xóm trên, xóm dưới đâu đâu cũng nghe tiếng pháo xuân rộn rã. Thời đó, dân số ít, đốt pháo chưa mấy nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng sau này, khi dân số đông, nhất là các đô thị, nên để đảm bảo an toàn, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cấm đốt pháo từ năm 1996). Giao thừa xong, đám thanh niên trong làng túm rủ nhau đi hết nhà này, nhà kia chúc Tết, một vòng quanh làng tận sáng mùng Một mới lê bước về đến nhà…
Tết thời đó, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp, nhà ai có người đi Tây về thì có chiếc xe máy Simson của Cộng hòa Dân chủ Đức, nên chơi xuân, du xuân chỉ chủ yếu loanh quanh trong làng, song tuyệt nhiên không có trò chơi đánh bài ăn tiền hay cờ bạc. Lũ trẻ chúng tôi đa số chơi trò đánh tiền xu ở sân, chơi phi tiêu ngoài ngõ và đặc biệt không quên ra cây đu ở sân làng. Để tiếp thêm phần không khí, Đoàn Thanh niên các thôn thường tổ chức thi đánh đu theo hình thức đôi (nam nữ). Đôi nam nữ làng này xếp đánh với đôi nam nữ làng khác. Cặp nào càng đánh được đu lên cao, càng được sự cổ vũ, hò reo của người xung quanh. Khí xuân, rượu xuân, men xuân thấm sâu trong lồng ngực của lứa tuổi xuân thì nên cặp nào cũng đánh đu rất hăng. Chân chạm chân… đánh đu xong mặt cô nào cũng ửng hồng vì ngượng ngùng. Chỉ có việc đánh đu Tết mà cũng khối đôi se duyên vợ chồng…
Nay về quê, xã đã lên phường, huyện lên thị xã, Tết vẫn là Tết nhưng “hương” của Tết đã thoảng đi nhiều. Không chỉ quê tôi mà hầu như mọi miền quê khác, trừ bà con đồng bào dân tộc, những truyền thống Tết xưa, trò chơi dân gian đã mai một rất nhiều. Đặc biệt là trò chơi đánh đu, hầu như không còn tồn tại. Có ai đó nói rằng, sự phát triển buộc Tết cũng phải thích nghi với hoàn cảnh mới. Đúng và thậm chí rất đúng. Nhưng vào dịp Tết, có thời gian lắng đọng để nghĩ suy thì vẫn còn đó niềm tin, hy vọng về một không khí Tết cổ truyền đúng nghĩa sẽ quay về. Vì sao, ngay như Nhật Bản, Hàn Quốc những cường quốc kinh tế thế giới và khu vực họ cũng có thời gian bị “Tết hóa” như hiện tại, nhưng khi nền kinh tế phát triển ở ngưỡng rất cao, yếu tố vật chất trong quan niệm giá trị văn hóa không còn, họ lại tìm về với nguồn cội, vì thế Tết xưa cũng thế theo về…
Nguồn: Báo lao động thủ đô