Tết ấm tình thân

Nghệ sĩ ưu tú Chiều Xuân:

Tết luôn là dịp ý nghĩa và chưa bao giờ bị phai nhạt

Những ngày giáp Tết, tôi sẽ đi lựa từng cành đào mà mình ưng ý nhất, tươi tắn nhất để cắm ở nhà. Các thành viên trong gia đình cũng có thời gian để cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mang đến những giây phút gần gũi và đầm ấm, điều mà có thể trong năm đã bị những bận rộn của công việc cuốn trôi.

Tết ấm tình thân

Trong những ngày Tết, tôi và gia đình sẽ đi thăm người thân, gửi tới nhau những phong bao lì xì và lời chúc cho một năm mới tốt đẹp. Với tôi, Tết luôn là dịp ý nghĩa và chưa bao giờ bị phai nhạt. Hằng năm, vào mỗi dịp Tết đến, gia đình tôi vẫn về quê chúc Tết ông bà, gọi nhau từ đầu làng đến cuối xóm.

Cứ thế 3, 4 ngày Tết trôi qua lúc nào không hay. Ngoài ra, tôi vẫn giữ thói quen mừng tuổi sau giao thừa suốt bao năm nay. Tôi rất mong những lời chúc đầu năm mới sẽ ứng nghiệm với gia đình mình, đầu tiên là mong muốn sức khỏe, sau đó là học hành và công việc tốt.

Nói về Tết cổ truyền, tôi không thể nào quên những hình ảnh của ngày Tết trong tuổi thơ của mình. Sinh ra ở thời bao cấp, ký ức của tôi về Tết là khi trong nhà gói được một ít bánh chưng, nấu nồi thịt kho, cá kho, làm nộm chua, một đĩa thịt gà để ăn trong mấy ngày Tết. Ngoài ra, tiếng pháo giòn tan cũng mang không khí Tết đến với mỗi nhà.

Ký ức về pháo thật sự là một ký ức rất đẹp. Khi nổ pháo, mùi thơm trong không khí làm cho không gian bớt lạnh, mùi pháo rất thơm, xác pháo hồng giống như cánh hoa đào. Mọi người thường nói màu hồng đó đem lại sự may mắn, xua đuổi những gì xui xẻo của năm trước để đón lộc và đem lại khởi sắc cho năm mới. Còn mùi pháo làm cho người ta thấy lòng rộn ràng trong ngày Tết. Sau này, pháo ngày một lớn hơn, tiếng nổ to hơn và không an toàn nên bị cấm.

Tôi còn nhớ năm mà tôi quen anh Quân và sau Tết thì chúng tôi làm đám cưới, anh đã cho tôi một mùa Tết ấm áp và nhiều năng lượng, bởi anh đi đâu là không khí gia đình nhộn nhịp đến đó. Một cái Tết nữa là năm tôi sinh con gái Hồng Mi. Ngày Tết gia đình tôi thuê xích lô, hai mẹ con ngồi trên xích lô che chắn cho nó đỡ rét, còn chồng tôi đi xe máy bên cạnh cùng lên nhà ông bà ngoại chúc Tết khiến tôi rất xúc động. Đó là những cái Tết rất đặc biệt. Sau này cũng là dịp có Hồng Khanh, nói chung những cái Tết đặc biệt nhất với tôi thường gắn bó với kỷ niệm, cột mốc đáng nhớ bên gia đình.

———————————–

Nghệ sĩ nhân dân Tự Long:

Bây giờ mà mất đi hơi thở của Tết thì sẽ không còn những giá trị truyền thống nữa

Từ ngày bé đến bây giờ, Tết vẫn luôn làm cho mình rạo rực, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ ông bà, cha mẹ. Đối với các bạn trẻ bây giờ, có thể sẽ không còn những cái Tết như mình hồi xưa nữa bởi vì cuộc sống quá đầy đủ khiến cho cái bánh chưng có thể ăn bất cứ lúc nào chứ không phải đợi đến Tết mới được ăn, đợi đến Tết mới được ngửi vỏ hộp mứt, đợi đến Tết mới được mặc bộ quần áo mới, đợi đến Tết mới được mừng tuổi.

Tết ấm tình thân

Cuộc sống bây giờ được cho tiền là bình thường, người ta có thể gửi phong bì cho nhau ở bất cứ cuộc nào từ dịp sinh nhật, chúc mừng Tết tây, lâu lâu đến chơi với nhau mà không biết mua cái gì thì cũng tặng nhau cái phong bì. Điều đó lột tả cuộc sống ngày nay rất đầy đủ, thực tế nhưng cảm giác thiêng liêng của 3 ngày Tết thì không còn được như ngày xưa, mọi thứ ranh giới giữa ngày bình thường và Tết dường như đã bị xoá nhòa.

Ai đó có nghĩ Tết sẽ quá mệt mỏi với các lễ nghĩa và tìm cách trốn Tết bằng việc vợ chồng con cái đi nghỉ hoặc đón một cái Tết ở một nơi nào đó xa xôi, một đất nước khác để tránh đi cái cảm giác là năm nào cũng phải gói bánh chưng, thịt lợn, gói giò, dưa hành, đi lễ… Tết còn phải đi mừng tuổi người này, gặp mặt người kia…. Nhưng cái sự mệt mỏi ấy tôi lại nghĩ là sự mệt mỏi cần phải có ở mỗi con người, nhất là những con người mang nặng tư duy truyền thống, mang nặng tình cảm đối với gia đình, quê hương.

Đám trẻ ngày nay sẽ không có được cảm xúc giống như mình ngày xưa vì chúng không lớn lên trong bối cảnh đó. Nhưng thật là tiếc nếu Tết truyền thống dần mất đi những nghi thức thiêng liêng, thì chúng ta sẽ đánh mất dần bản sắc của người Việt. Kiều bào ở nước ngoài sống xa xứ và giàu có nhưng họ không bỏ được phong tục của quê hương, nơi xa họ vẫn tổ chức Tết cổ truyền.

Bây giờ mà mất đi hơi thở của Tết thì sẽ không còn những giá trị truyền thống nữa. Tại sao trong đêm 30 Tết, trong thời khắc giao thừa, giao thời giữa đất trời và con người, một nén nhang được châm lên, lúc đấy với tôi tất cả mọi thứ như bị ngưng lại. Chỉ trong thời khắc rất là đặc biệt ấy, chúng ta cảm nhận được sự ngưng lại đây, đó chính là hơi thở của Tết. Những người hoài niệm, sống nặng về truyền thống lễ giáo gia đình, họ chỉ mong lưu giữ lại cảm xúc đấy, và với họ, Tết họ sẽ biết nâng niu và trân trọng giá trị tinh thần của cha ông ta để lại.

Trẻ con thích Tết vì chúng chẳng phải nghĩ gì. Ngày xưa, khi còn khó khăn, mỗi lần đến Tết, tôi lại thấy bố có vẻ khổ sở. Tôi hay nói với bố mình là: “Tại sao bố cứ sợ Tết như thế?”. Nhưng mình hiểu vì ngày đấy, ông bà cha mẹ mình còn nghèo lắm, cả gia đình cứ phải để dành đồ ăn thức uống, cái gì ngon nhất cho mấy ngày Tết, nhưng bây giờ trẻ con không còn cái cảm giác đấy nữa.

Thích Tết là thích cảm giác, không khí của Tết, chứ ai đó nói không thích Tết tôi tin rằng do người đó lo lắng, mệt mỏi quá nhiều những chuyện khác trong cuộc sống, hoặc họ chưa từng được hạnh phúc, hay gia đình hạnh phúc thì mới sợ Tết, chán Tết. Với tôi, cảm giác Tết mà được đi chọn quất, chọn đào, ra chợ hoa ngày Tết, không khí của ngày giáp Tết tạo cho mình cảm giác rất kì lạ và không phải lúc nào cũng có được không gian và không khí đấy.

———————————–

Nghệ sĩ nhân dân Thu Hà:

Rất thích không khí Tết ở Hà Nội

Mình thích lắm không khí Tết ở Hà Nội! Để có những giây phút tĩnh lặng và đường phố đẹp thì phải là những ngày Tết mà khoảnh khắc đấy không nhiều, chỉ có thể là 30 Tết, mồng 1, bây giờ mồng 2 Tết phố phường đã đông. 30, mồng 1 đi thăm ai cũng rất vắng vẻ. Ngày Tết ở Hà Nội mình chỉ nghĩ đến việc đi chùa. Sáng ngày mồng 1 sang nhà bà ngoại xong, tất cả đi đến những ngôi chùa trong khắp thành phố để lễ.

Tết ấm tình thân

Trừ những năm về quê, còn nếu ở Hà Nội, tới khi trưởng thành và cả bây giờ khi gia đình có tất cả các phương tiện nhưng mình vẫn thích cảm giác được lên xe buýt để đi chơi. Nhiều năm liền, mình thường lên xe buýt đi chùa. Đây là cái thú cực kì sung sướng. Mình chọn đi tuyến Hồ Tây đầu tiên. Xe buýt sẽ đưa vòng quanh hồ, mình đi khắp các chùa, cứ đến chùa nào thì mình lại xuống xe rồi dạo bộ vào chùa, hay lắm!

Mình chọn Hồ Tây vì đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của Hà Nội, với nhiều sự tích từ đời xưa truyền lại, đặc biệt là các ngôi chùa cổ được xây dựng từ đời Lý, thời Trần, gắn liền với Phật giáo Việt Nam. Bao quanh hồ là các ngôi chùa ở đường Lạc Long Quân như chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên, chùa Thiên Niên hay chùa Kim Liên trên phố Từ Hoa trong làng Nghi Tàm, chùa Võng Thị ở phố Võng Thị, chùa Tứ Liên ở đường Âu Cơ, chùa Hoằng Ân nằm gần phủ Tây Hồ ở phường Quảng An, chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam nằm cạnh Hồ Tây ở cuối đường Thanh Niên,…

Mình cũng chọn xe buýt làm phương tiện để đi tứ trấn, mùa xuân cảnh quan chỗ nào cũng đẹp, trải nghiệm bằng xe buýt cực kì thú vị! Ngày Tết xe buýt vắng vẻ, mình ngồi trên xe qua cửa kính ngắm phố phường, ngày thường mình có được trải nghiệm những điều đấy đâu vì đường phố quá đông đúc. Cả một năm bận rộn công việc và gặp gỡ bạn bè nên dịp Tết là thời gian mình chỉ dành gặp những người thân ruột thịt trong gia đình và đi chùa, đi đền, đi đình.

Ngày Tết mình cũng như bao nhiêu người khác, lo sắm sửa Tết. Mình có thói quen mua cành đào cắm Tết. Kể cả những năm về quê ăn Tết thì mình cũng phải đi sắm đào từ những ngày trước đó để cắm vào bình ở nhà trên Hà Nội. Việc mua đào sớm để trưng Tết cũng là thú mà mình đã làm hàng chục năm nay.

———————————–

Diễn viên Khánh Huyền:

Tết ở mỗi một vùng miền khác nhau rất nhiều

Nhiều năm rời xa Hà Nội để vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và lập nghiệp, thế nhưng tôi hầu như không ăn Tết ở đây mà về quê ông xã ở Nha Trang. Tết ở mỗi một vùng miền khác nhau rất nhiều. Ngoài Bắc với khí lạnh và lề lối truyền thống nên người ta chú trọng cái Tết nhiều hơn và hướng về gia đình nhiều hơn. Người phương Nam chịu khó đi chơi hơn và hướng ra bên ngoài nhiều hơn, việc tụ tập trong gia đình có giới hạn và họ thích ra ngoài gặp gỡ bạn và đi du lịch đây đó. Mỗi nơi có cách thức để tận hưởng cái Tết riêng.

Tết ấm tình thân

Riêng tôi nhiều năm nay về Nha Trang vì ở đó có gia đình mới của mình và tôi vui vì điều đó. Ở Nha Trang người ta không quá câu nệ vào chuyện cúng lễ nên tôi cũng không quá vất vả với mâm cỗ Tết. Nhưng có một điểm ngoài Bắc không có là mùng 1 Tết Nguyên đán mọi người ra mộ ông bà tổ tiên. Nói là đi viếng mộ nhưng rất vui, mọi người mặc áo dài hoặc những bộ đồ kín đáo đầy màu sắc thể hiện không khí ngày Tết để ra thăm mộ ông bà. Buổi trưa chúng tôi về nhà quây quần bên nhau trong một bữa ăn đơn giản được chuẩn bị rất nhanh. Tôi nghĩ nơi nào cũng có nét đẹp riêng và quan trọng mình có hòa mình được vào không khí đó không.

Về những cái Tết ở Hà Nội, điều tôi nhớ nhất vẫn là khi còn ấu thơ. Không khí Tết trong gia đình khi tôi còn nhỏ và sống chung với ba mẹ luôn là những cái Tết đáng nhớ. Lúc đó ba tôi vẫn còn sống và không khí trong gia đình rất ấm áp. Những thói quen của ba như ra ngoài trước giao thừa rồi tự xông đất, rồi đốt pháo luôn in hằn trong ký ức.

Khi tôi còn nhỏ ngoài Bắc rất thiếu thốn nên trẻ em rất mong ngày Tết, cứ đến Tết là vui lắm. Vì là những đứa trẻ đã quá thiếu thốn trong năm nên đến Tết được thoải mái ăn, được mặc đẹp, đối với tôi đó là điều không thể nào quên.Kể cả bây giờ tôi đã lớn tuổi lắm rồi, tôi vẫn nhớ như in những đêm giao thừa cả nhà quây quần sau tiếng pháo nổ, nghe những lời chúc Tết và sau đó là chương trình ca nhạc đặc sắc đón năm mới. Đó là những kỷ niệm ấm áp nhất tuổi ấu thơ, khi tôi còn được tận hưởng tình yêu thương của ba mẹ.

Cát Tường

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích