Về nơi với được trời
(Xây dựng) – Muộn đông, cao nguyên bồng bềnh mây trắng ngút rừng xanh. Cuối chiều mây la đà mềm như bàn tay thiếu nữ lướt chạm bờ môi chàng trai nhung nhớ. Xuân dịu dàng trở dạ, mây mù giăng kín lối. Đường lên cao nguyên ngày xuân muôn sắc màu váy áo, thong dong vó ngựa lối sống ngàn xưa, dìu dặt tiếng khèn ngày hội, rêu phong miền cao cổ tích…
Ngày tôi đến, cao nguyên lặng như sơn nữ dậy thì chưa từng bước chân ra khỏi bờ rào đá quanh nhà. Nhìn đâu cũng thấy lạ lẫm, e dè. Tôi lạ Sìn Hồ. Sìn Hồ lạ tôi. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ gắn kết với miền đá dựng này, dù tuổi trẻ khát vọng ở miền gió Lào cát trắng nuôi dưỡng ước mơ khám phá. Tôi chênh vênh tháng ngày nơi rẻo cao mây trắng, để rồi lắng lòng khi bắt gặp những đôi chân trần đi trong giá rét mùa đông. Cậu học trò xung phong cõng nước, lấy củi, đưa tôi về bản, chỉ mong tôi không chạy trốn khỏi cao nguyên một lần nữa.
A Làng đã dạy tôi ăn muối ớt, măng đắng, rau dớn cho đến cả món “tôm bay” ngày mùa. Khắp cánh đồng Hoàng Hồ đến các sườn núi mây treo lơ lửng giữa không trung, chẳng nơi nào không có dấu chân của chúng tôi hái hoa, lấy củi. A Làng như người say phải lòng miền đất lạ, suốt bao năm âm thầm ngồi bên khóm mua già đầu bản, thổi sáo bầu như lần đầu tiên chạm vào ánh mắt cô gái miền xuôi ngày hội xuân năm ấy.
Ngày xuân Sìn Hồ có bao nhiêu hội? Bao nhiêu dân tộc cùng sinh sống trên cao nguyên là bấy nhiêu màu sắc văn hóa. Nhưng tôi bị cuốn theo tiếng gọi tổ tiên của người Mông từ Lễ mừng cơm mới trong những ngày đông còn rét buốt, sương rơi mướt mát bàn chân leo núi gọi Giàng. Hết mùa nương, khi ngô lúa chật chội trong nhà, lủng lỉu trên sàn thì ăn cơm mới. Không biết giàu nghèo, đói no nhưng có hạt thóc mới trong nhà thì người sống phải có cái lễ mà mời người khuất về ăn chung. Mong cầu mùa sau mưa thuận gió hòa, cây cối đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu. Tôi đến nhà Sùng Thị Khua ở bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn ngày cúng cơm mới. Ông nội Khua cầm chén rượu thóc sóng sánh trên tay:
– Lễ cơm mới chủ nhà nào cũng phải làm. Tôi còn sống, tôi là chủ nhà. Tôi chết thì bố Khua mới lên làm chủ.
Sự phân cấp vai vế trong gia đình của người Mông rất rạch ròi và tôn nghiêm. Bố mẹ là chủ nhà. Khi bố mẹ theo mây về trời thì con trai mới được thay vào vị trí ấy. Lễ cơm mới to hay nhỏ phụ thuộc vào từng nhà. Thường thì, nhà nào cũng làm và anh em trong bản, trong dòng họ thay nhau đến để ăn mừng.
Lễ cúng nhất thiết phải có gà, có cơm canh. Bài cúng linh thiêng là thứ ngôn ngữ có sự đồng vọng giữa quá khứ và hiện tại mà chỉ chủ nhà mới kết nối được. Người khách lạ là tôi cũng dập dìu theo bước nhảy, miên man theo làn khói qua mái nhà đá hòa lẫn cùng sương.
Ông nội Khua bùi ngùi:
– Hôm nay ông đã mời tổ tiên họ Sùng, mời bố mẹ và cả đứa em trai chết trẻ về ăn cơm cùng. Khi lễ phải gọi tên từng người thì họ mới biết đường về.
Thế mới hiểu, người Mông không có bàn thờ và thắp hương ngày mùng, ngày rằm như người Kinh nhưng những ngày lễ quan trọng, mâm cơm giữa nhà được chuẩn bị thịnh soạn, chủ nhà mặc trang phục dân tộc tế lễ thì không gian cũng linh thiêng đến mức cái cột, cái xà gác nhau chờ đợi khoảnh khắc bóng hình quen thuộc trở về trong hư ảo khói sương.
Hội xuân là món ăn tinh thần quen thuộc với nhiều người khi nói về Sìn Hồ. Không có dịch Covid – 19, có lẽ, lễ hội Gầu Tào ở Sà Dề Phìn đã được phục dựng lại theo nguyện vọng của bà con. Có lần, già Gió nói với tôi:
– Gần 100 năm rồi, người Mông ở Sìn Hồ không làm lễ hội lớn. Không phải chúng tôi quên văn hóa của mình. Chỉ là, nhiều cái bị mai một mà người già thì không đủ sức, đám trẻ lại không mê say.
Ngày bác Mùa A Tủa – nguyên Chủ tịch huyện Sìn Hồ còn sống, bác cũng ghi lại trong cuốn sổ tay của mình: Lễ hội Gầu Tào là lễ hội truyền thống tiêu biểu nhất của người Mông. Nhưng ở mỗi vùng, lại có cái riêng, đặc trưng nhất vì thế mà lễ hội Gầu Tào ở Sìn Hồ vẫn chưa đủ thời gian để có hình hài trọn vẹn, riêng biệt. Những trang tài liệu chưa thành sách, chỉ là những ghi chép chi tiết, tỉ mỉ những gì đã diễn ra trong đời sống của đồng bào, với thứ ngôn ngữ sinh hoạt đơn giản hàng ngày. Tất cả lễ hội, những dấu ấn văn hóa của người Mông ở Sìn Hồ được bác thể hiện như những trang đời của mỗi người dân. Câu chuyện dân gian, truyện ngụ ngôn hay các trò chơi dân gian là vốn văn hóa giàu có của người Mông ở cao nguyên. Người Mông hoa mặc trang phục có màu sắc chủ đạo là đỏ và đen; người Mông đen chuộng những trang phục thổ cẩm đen huyền, bí ẩn còn người Mông trắng lại ưa thích những bộ trang phục vừa rực rỡ vừa quý phái với sắc trắng lung linh. Còn có nhiều nhánh Mông nữa nhưng ở Sìn Hồ, đó là ba nhánh Mông tiêu biểu nên khi đọc cái họ, cái tên cũng biết người đó là nhánh nào, ở vùng nào. Nhưng đến lễ hội nào ai phân biệt gì? Giới tính, dân tộc, tôn giáo… đều là những người yêu đất trời người Mông mà đến, mê hương chè cổ mà say. Thác Vái Dê ngày đêm không ngủ, thả nước ngang lưng trời, gọi người từ bốn phương về với đất trời cao nguyên. Sau bác Tủa, già Gió là người tìm lại những mảnh ghép còn thiếu trong bức họa văn hóa của người Mông ở Sìn Hồ.
Du xuân Sìn Hồ nhớ về ngày mùng 6 tháng Giêng em nhé! Khi mặt trời còn vụng dại với mây nơi rừng sâu hun hút, thì cây nêu đã được hạ xuống ở bìa rừng, rồi dựng lên để hành lễ khi mặt trời mọc. Người chặt cây nêu phải là thanh niên, sức khỏe cường tráng, dẻo dai. Cây được đưa ở rừng về nhưng từ lúc chặt đến lúc dựng nêu không được để cây chạm đất. Thần linh bốn phương chứng giám tấm lòng thành của bà con mà về hội xuân đông đủ. Bao năm già Gió làm chủ tế, giờ tuổi cao, sức mỏng, hơi thở có chút gấp gáp nhưng trái tim vẫn rạo rực nhịp đập của tuổi đôi mươi. Già kể chuyện đời của chàng trai Mông thổi khèn trên đỉnh núi. Nơi sống lưng khủng long chấp chới với trời, chàng trai đã đón cô gái đi rừng mà đưa về làm vợ.
– Không đợi chợ phiên được, vì yêu quá mất rồi.
Già móm mém vừa cười vừa kể. Có chàng trai, cô gái nào ở Sà Dề Phìn mà không bắt đầu tình yêu từ những ngày lên nương vục nước suối Vái Dê tắm gội? Có chàng trai, cô gái nào ở Sà Dề Phìn không bắt đầu tình yêu từ những gốc chè cổ mốc thếch rêu phong? Hơn 5.000 gốc chè đã bám sâu vào đất, vươn cành lá, đón mặt trời đầu tiên của vùng này nhưng cũng đã có biết bao cuộc đời gắn kết với nhau bằng hương chè ngan ngát ấy? Và cũng từ đấy mà ra đi, để những cây chè non nhú mầm hồi sinh kiếp khác? Cả cuộc đời già Gió gắn bó với Sà Dề Phìn, cất giữ bảo vật của người Mông như một sứ thần được phái đến. Già nâng niu cả những điều nhỏ nhất trong lễ hội của đồng bào mình. Từ cách chọn con gà trống làm lễ ngày mùng 6 đến cách dựng đàn hạ lễ ngày 12. Đó là những ngày xuân hạnh phúc nhất của người Mông xứ này.
Mây trời ngày xuân thăm thẳm miền nhớ ở rẻo cao nên cả Sà Dề Phìn vàng ươm nắng mới. Nắng xiên sợi chỉ nối ống bơ hát giao duyên, nói lời thương, mình đã từng bỏ lỡ. Nắng nghiêng vai gầy của mẹ bên cối thậm thịch giã bánh dày. Đám trai bản gõ gậy đánh tù lu thành vòng tròn sát phạt các con quay. Chàng Gió ngày ấy đánh tù lu điệu nghệ nhất. Con quay xoay tròn một chỗ, nghiêng đổ theo tiếng reo hò.
– Thằng trai bản khác thách đấu mười vòng tù lu đòi cướp vợ. Cuối cùng nó thua, kéo bản về chẳng có cô dâu.
Già cười khà khà khi nhắc về chuyện cũ. Đất này, trai Mông không chỉ giỏi đi rừng mà còn giỏi thổi khèn, thổi sáo và chơi trò. Vì thế, khi lễ hội Gầu Tào phục dựng lại, người ta dành tận 5/6 ngày để chơi. Nhiều trò, nhiều người chơi, từ nhảy bao, ném còn đến tung cầu đá bóng, nhộn nhịp cả mùa Xuân, vang động cả núi rừng. Vì thế, từ Tủa Sín Chải, Làng Mô, Tả Ngảo người Mông rủ nhau hội về đỉnh Cát Chùa Sì chật kín lối đi. Hơi thở mờ nhân ảnh.
Mấy năm nay Covid-19, Lễ hội Gầu Tào ở Sà Dề Phìn hoãn lại như nhiều nơi khác, nhưng ngày xuân ở những nương xa, thân ngô khô khốc ngủ quên trên đất cũng bị giật mình bởi tiếng khèn lá réo rắt gọi nhau của đôi trai bản gái Mường. Tôi chợt nhận ra A Làng ngồi một mình bên những khóm mua già cỗi, gác chiếc sáo bầu trên đầu gối suy tư. Tôi định quay lưng thì Làng chợt hỏi:
– Có khi nào cô giáo nghĩ, già Gió đi rồi mà hội vẫn chưa kịp mở lại không?
Tôi cười gượng gạo ngồi cạnh Làng. Miền cao thêm mùa thì già Gió thêm tuổi. Già như cây chè đại thụ trên đỉnh Cát Chùa Sì, một mình giữa mênh mông mây trời cao nguyên, chẳng biết được thêm bao mùa gió nổi nữa. A Làng còn trẻ, con đường còn dài mà chẳng thể cắt bớt cho già một đoạn để học cho hết bản sắc của người Mông.
Năm nay, già chỉ còn sức ngồi cạnh bếp lửa sưởi ấm. Ngày làm cơm mới, già tỉnh táo trao chủ nhà cho con nhưng cái lễ để “phong chức” cho người kế nghiệp chủ tế thì chưa kịp làm. Bên bếp, ánh lửa bập bùng trong ánh mắt mờ đục của già, ánh mắt xa xăm của A Làng nhìn vào khoảng không vô định ngày Xuân.
Bên ngoài, mưa Xuân như những bông tuyết li ti cấu vào tôi những miền nhớ xa xôi. Trời Sìn Hồ xanh và gần như kiễng chân với được. Đã bao nhiêu là mây trắng bay qua đỉnh Cát Chùa Sì?
Nguồn: Báo xây dựng